Sống khỏe

Malaysia bỏ thuế để kích cầu

TTO - Bộ Tài chính Malaysia thông báo sẽ bãi bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) từ ngày 1-6, với hi vọng kích cầu tiêu dùng và xuất khẩu do giá hàng hóa, dịch vụ giảm.

Malaysia bỏ thuế để kích cầu - Ảnh 1.

Bãi biển Cenang (Langkawi, bang Kedah) từng thu hút khá nhiều du khách, giờ đã không còn nhộn nhịp - Ảnh: LÊ NAM

Thuế GST, một loại thuế tương tự thuế giá trị gia tăng (VAT) ở nước ta, hiện đang được áp dụng ở Malaysia với mức 6%.

Kỳ vọng

Đây cũng chính là một trong những lời hứa của Liên minh Hi vọng (Pakatan Harapan - PH) do Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad làm chủ tịch tuyên bố khi vận động tranh cử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là cách mà chính quyền Malaysia lấy lòng dân chúng sau cuộc bầu cử quá ấn tượng, vì chính phủ sẽ rút khoản thuế này nhưng lại trình khoản thuế khác ra mà thôi.

Bộ Tài chính Malaysia ngay hôm thông báo bỏ GST (ngày 16-5) đã yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức kinh doanh ở Malaysia phải tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo giá hàng hóa và dịch vụ phù hợp với quy định mới và ngay lập tức áp dụng mức miễn GST từ ngày 1-6.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, Ari - người có hơn 7 năm kinh doanh các dịch vụ trò chơi dưới nước ở bãi biển Cenang đẹp nhất nhì hòn đảo Langkawi, bang Kedah - cho biết rất vui vì "chi phí ăn uống, khách sạn... cho chuyến du lịch của du khách sẽ giảm xuống và như vậy khách sẽ đến nhiều hơn". 

"Vài năm trước du khách đến Langkawi nghỉ ngơi rất nhiều, nhưng gần đây không còn được như vậy vì đồng ringgit mất giá, chi phí để đi du lịch đối với nhiều người ngày càng khó. Việc bỏ GST khiến khách cảm thấy đồng tiền mình bỏ ra có giá trị hơn" - Ari nói.

Với nhân viên văn phòng như cô Nauwar Shukri ở khu Bangsar, Kuala Lumpur, việc bãi bỏ GST đồng nghĩa với giá cả và dịch vụ đầu vào sẽ ít nhiều giảm đi. 

"Tuy giá bán cuối cùng của hàng hóa khó có thể giảm ở mức 6% vì còn các chi phí điều hành, kế toán, nhân viên... sẽ không đổi nhưng việc đồng loạt mọi thứ giảm giá chút ít sẽ là một dấu hiệu tốt" - cô Nauwar Shukri kỳ vọng.

GST được áp dụng ở mức 6% từ ngày 1-4-2015 dưới thời của thủ tướng Najib Razak, thay cho thuế bán hàng và dịch vụ (SST) với kỳ vọng sẽ góp phần giúp GDP tăng trưởng 0,3% và xuất khẩu 0,5%. Trong năm 2016, Chính phủ Malaysia thu được 41,2 tỉ RM từ GST, tương đương 19,4% tổng ngân sách. Trước đó, năm 2015, GST đóng góp 27 tỉ RM, tương đương 12,3% tổng ngân sách.

Cứu cánh từ dầu thô

Chính quyền mới của Malaysia đã có những chuyển động rất nhanh. Còn nhớ hồi đang trong 11 ngày vận động tranh cử, đi đến các điểm vận động tranh cử, các ứng cử viên PH luôn nhấn mạnh việc sẽ bãi bỏ GST trong vòng 100 ngày đầu tiên nếu liên minh của họ thắng cử. Vậy mà ngay ngày thứ sáu trong tuần đầu tiên sau khi cầm quyền, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã thực hiện lời hứa đó.

Nhưng lấy nguồn thu từ đâu bù đắp cho khoản thu từng chiếm đến hơn 19% ngân sách Malaysia như hồi năm 2016? Năm ngoái Chính phủ Malaysia thu được 42 tỉ RM (10,5 tỉ USD) từ GST, theo kế hoạch năm 2018 số tiền thu được từ GST có thể đạt 44 tỉ RM. Bộ Tài chính Malaysia giải thích một phần đáng kể nguồn thu cho ngân sách có thể nhìn thấy trước mắt là dầu thô.

Theo giải thích của cơ quan này, năm tài chính 2018 được xây dựng với giá dầu dự đoán ở mức 52 USD/thùng nhưng đến thời điểm này giá dầu đang ở mức cao nhất tính từ tháng 11-2014 đến nay, giá dầu thô hôm 15-5 đã ở mức 79,47 USD/thùng. Cơ quan này tính toán giá dầu cứ tăng thêm 1 USD so với mức dự báo (52 USD), ngân sách Malaysia sẽ có thêm 300 triệu RM.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc bãi bỏ GST sẽ là biện pháp kích thích chi tiêu trong nước và làm giảm giá hàng hóa dịch vụ của Malaysia khi xuất khẩu. Thống kê của Chính phủ Malaysia cho thấy trong quý 1, tiêu dùng của người dân đã tăng 6,9% và chỉ số xuất khẩu tăng 62,4%. Dự báo mức chi tiêu này trong cả khối nhà nước, doanh nghiệp và người dân sau khi bãi bỏ GST sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế, trong đó có cựu bộ trưởng tài chính Malaysia Tun Daim Zainuddin, lại cho rằng về lâu dài Chính phủ Malaysia sẽ tính toán và trình quốc hội phương án áp dụng thuế bán hàng và dịch vụ (SST), loại thuế từng tồn tại cho đến khi GST xuất hiện. Một số nguồn tin cho rằng SST được kỳ vọng mang lại cho ngân sách Malaysia mỗi năm khoảng 30 tỉ RM.

"SST có thể sẽ được triển khai sớm trong vòng 2-3 tháng tới" - cựu bộ trưởng tài chính Malaysia Tun Daim Zainuddin khẳng định trên tờ The Star (tờ báo tiếng Anh lớn nhất ở Malaysia) hôm 18-5. Nếu đúng vậy, việc bãi bỏ GST như liên minh PH đã hứa cũng chỉ là một hình thức "bình mới rượu cũ" mà thôi.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,314,906       2/877