Sống khỏe

Nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới

TTO - TP.HCM có gần 58.000 người nhiễm HIV, trong đó có trên 10.000 người “không trở lại”. Con số này vừa được Sở Y tế TP.HCM công bố trong kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn năm 2018.

Nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới - Ảnh 1.

Xét nghiệm cho các bạn nam quan hệ đồng giới - Ảnh: Trung tâm HIV/AIDS

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, bác sĩ TIÊU THỊ THU VÂN - giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS (Sở Y tế TP) - nói: "Nếu nhìn vào bức tranh HIV/AIDS toàn cầu, Việt Nam không phải quốc gia đáng báo động bởi dịch không phải bùng phát trên tất cả các nhóm đối tượng mà nằm trong các nhóm nguy cơ và tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên các nhóm nguy cơ ở nước ta đang ở mức cao".

Nhóm nguy cơ cao

* Bà có đề cập đến các nhóm nguy cơ. Vậy các nhóm đó là gì, nguy cơ từng nhóm ra sao?

- Có thể nói nguyên nhân trực tiếp của việc gia tăng người nhiễm HIV hiện nay chủ yếu từ các nhóm nguy cơ gồm sử dụng ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và bạn tình nhóm nguy cơ này. Từ năm 1990 đến đầu năm 2000 nguy cơ lây nhiễm tập trung ở nhóm đối tượng tiêm chích ma túy. Có thời điểm, cứ hai người sử dụng ma túy có một người nhiễm HIV, nguy cơ này khi đỉnh điểm chiếm từ 50-60% trong các nhóm nguy cơ.

Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, qua phân tích chúng tôi thấy nhóm nam quan hệ đồng giới đang thực sự báo động, chiếm gần 20% các nhóm nguy cơ. Con số này có thể còn lớn hơn rất nhiều bởi việc tiếp cận nhóm này còn rất hạn chế, tạm gọi những gì tiếp cận được mới chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".

* Chúng ta có xác định được tỉ lệ "nổi" và "chìm" một cách tương đối không, thưa bà?

- Ngày nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng "lộ diện" nhiều hơn do "cởi bỏ" được một phần sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội qua việc họ được công nhận và có sự trợ giúp pháp lý về giới tính.

Theo ước tính, hiện TP có khoảng 58.000 người nam có quan hệ tình dục đồng giới. Trong đó, khoảng 1/3 số này có nguy cơ nhiễm HIV cao do sử dụng ma túy, bán dâm và quan hệ tình dục đồng thời với nhiều bạn tình. Việc tiếp cận, thống kê nhóm nam quan hệ đồng giới vô cùng khó khăn vì các nhóm thường không muốn bộc lộ mình.

* Có thời gian dài gắn bó với hoạt động này, bà đánh giá như thế nào về thực trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nam có quan hệ đồng giới ở TP.HCM hiện nay?

- Hiện tại nhóm nam quan hệ đồng giới có một số vấn đề. Thứ nhất là quan hệ tình dục thông qua hoạt động mại dâm. Đáng lo ngại là khả năng lây nhiễm trên nhóm này cao hơn các nhóm đối tượng khác do hành vi tình dục "khác biệt".

Kế đến là việc sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng trong giới trẻ - bài toán khó giải hiện nay. Người dùng ma túy tổng hợp thường có xu hướng quan hệ tình dục tập thể, không an toàn, điều này rất dễ lây nhiễm HIV. Chưa kể sử dụng ma túy tổng hợp một thời gian thường hay đi kèm sử dụng heroin. Ban đầu chỉ sử dụng thông qua uống, sau đó là hút và cuối cùng tiêm chích, do đó khả năng lây nhiễm HIV rất cao.

Điều quan trọng nhất là phải làm sao phát hiện sớm người nhiễm để đưa vào điều trị ngay. Mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm, giảm khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình cũng là giảm khả năng lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

Nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới - Ảnh 2.

Bác sĩ TIÊU THỊ THU VÂN - giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS (Sở Y tế TP)

"Cánh tay nối dài"

* Vậy khó khăn lớn nhất trong việc hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nam có quan hệ đồng giới?

- Phải khẳng định rằng việc tiếp cận nhóm nam quan hệ đồng giới để can thiệp hạn chế lây nhiễm HIV là điều vô cùng khó khăn bởi phần đông họ "rất kín", ngại lộ thân phận, ngại tiếp xúc.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng, đặc biệt là các cơ sở y tế sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV (viết tắt của Antiretrovaral, một loại thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể) trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới.

* Với nguy cơ lây nhiễm cao, có chiều hướng gia tăng, trung tâm đã làm gì để tiếp cận, tuyên truyền?

- Với vai trò điều phối, chúng tôi thông qua các "đồng đẳng" sẵn có trong các nhóm nam quan hệ đồng giới. Các "đồng đẳng" này được tập huấn kiến thức, kỹ năng, từ đó họ sẽ tự lồng ghép thông tin tuyên truyền, vận động người cùng giới hiểu và tự ý thức sử dụng các giải pháp quan hệ tình dục an toàn.

Để tạo thuận lợi cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới biết được mình có bị lây nhiễm HIV, các "đồng đẳng" có thể thực hiện xét nghiệm HIV phân loại ban đầu bằng kỹ thuật xét nghiệm HIV nhanh ngay tại cộng đồng thay vì phải đến trung tâm y tế.

Bên cạnh đó, TP đang có chương trình tiếp cận qua mạng. Qua các phần mềm công nghệ các "đồng đẳng" trao đổi, hướng dẫn cách dự phòng lây nhiễm HIV, qua đó giới thiệu người có nhu cầu đến các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Chúng tôi còn triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) như một biện pháp dự phòng bổ sung cho nhóm người có nguy cơ cao gặp khó khăn trong việc sử dụng các biện pháp dự phòng truyền thống như bao cao su.

* Thế nhưng không phải ai cũng là "cánh tay nối dài", việc phó thác cho "đồng đẳng" chưa hẳn là tốt?

- Thật ra các "đồng đẳng" chỉ đóng góp một phần cho một tiến trình của cả chương trình phòng chống HIV. Điều họ cần chỉ là một sự công nhận, một cơ chế, một chính sách hỗ trợ cho họ. Bởi họ luôn cảm thấy tự hào khi bản thân đóng góp được một điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội.

Tôi luôn quan niệm, hơn ai hết chính các "đồng đẳng" là người am hiểu nhóm của họ cần gì và mình phải chủ động kết nối với họ. Tôi ví họ như người thổi sáo và "sáo tốt nhất phải để cho người thổi hay nhất" - chính họ sẽ là "cánh tay nối dài" trong cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS này.

Người đồng tính có ít nhất 2 bạn tình

Cuộc giám sát trọng điểm năm 2017, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng với tỉ lệ 17% (năm 2016 là 13%, năm 2015 là 11%). Báo cáo hoạt động xét nghiệm người phơi nhiễm năm 2017 còn cho thấy một người đồng tính nhiễm HIV có trung bình từ 2 đến 10 bạn tình.

Do vậy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sử dụng bao cao su và các biện pháp đảm bảo an toàn tình dục.

Cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV/AIDS

Theo BS Tiêu Thị Thu Vân, ước tính cả nước hiện có khoảng 200.000 người nhiễm HIV/AIDS. TP.HCM chiếm khoảng 1/4 con số này với 57.850 người, trong đó có 10.393 người tử vong do AIDS.

Ở TP.HCM, ước tính riêng năm 2017 đã phát hiện thêm 5.864 người nhiễm mới HIV/AIDS, so với năm 2016 ước tăng 2.778 người là do thành phố đang "dồn tổng lực" triển khai mục tiêu 90 - 90- 90 (nghĩa là 90% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm, 90% người nhiễm được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) và 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) nên đẩy mạnh việc tư vấn xét nghiệm HIV.

Ngoài ra, TP.HCM có khoảng 30.000 người sử dụng ma túy, tuổi từ 15-49. Số lượng này tiếp tục tăng, ước tính năm 2018 lên 34.000 người. Nhóm phụ nữ mại dâm có sự chuyển đổi phương thức hoạt động "giao dịch" qua mạng xã hội, điện thoại, ước tính năm 2018 là 20.000 người.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,310,607       1/879