TTO - Gần 1/4 trường học ở Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ chấm điểm bài luận có khả năng đánh giá mọi thứ từ văn phong, kết cấu bài viết cho đến yếu tố lô gích… và đưa ra lời phê tương tự giáo viên.
Minh họa trên báo SCMP về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục
Cứ 4 trường học ở Trung Quốc thì có 1 trường đang thầm lặng thử nghiệm một loại máy sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chấm điểm các bài luận của học sinh, báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 28-5 đưa tin.
Máy chấm điểm đa năng
Công nghệ trên được thiết kế để hiểu ý nghĩa và lô gích chung của một bài viết. Sau đó, nó sẽ đưa ra các nhận xét hợp lý tương tự con người về bài viết đó. Cuối cùng, công nghệ này sẽ chấm điểm và thêm phần phê bình ở một số lỗi như văn phong, kết cấu và chủ đề.
Theo các nhà nghiên cứu dự án, công nghệ này tương tự hệ thống E-rater - một hệ thống chấm điểm tự động độc quyền của Viện khảo thí giáo dục Mỹ (ETS), để chấm bài luận của các học sinh.
Tuy nhiên, không giống với E-rater, loại máy sử dụng AI của Trung Quốc có thể đọc các bài luận bằng cả tiếng Anh và tiếng phổ thông Trung Quốc (tiếng Quan thoại).
Công nghệ này đang được ứng dụng ở khoảng 60.000 trường học trên toàn quốc Trung Quốc. Nó được cho có khả năng "suy nghĩ" sâu sắc và chuẩn hơn so với con người. Ví dụ, nếu một đoạn văn lạc đề, máy tính sẽ trừ điểm chứ không châm chước như con người.
Nó có thể giúp các thầy cô giáo tốn ít thời gian khi chấm các bài luận và tránh áp đặt quan điểm cá nhân… Đồng thời, công nghệ này sẽ giúp nhiều học sinh cải thiện kỹ năng viết nhanh hơn, đặc biệt đối với các học sinh ở những vùng sâu vùng xa không được tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu.
Dự án công nghệ chấm điểm bài luận này được dẫn đầu bởi giáo sư Zhou Jian She, người hiện là giám đốc trung tâm nghiên cứu trí tuệ ngôn ngữ ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Ông Zhou cùng các thành viên cao cấp nghiên cứu dự án này đã nhận các giải thưởng của chính phủ Trung Quốc.
Các trường tham gia dự án chỉ đang thử nghiệm công nghệ chấm điểm mới cho các bài viết thông thường chứ chưa áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh đại học - Ảnh: AFP
Có thật sự chuẩn hơn con người?
Tuy nhiên, điều đáng nói là công nghệ trên đang được thử nghiệm một cách thầm lặng. Tại hầu hết các trường tham gia chương trình trên, các phụ huynh không được thông tin gì về công nghệ chấm điểm sử dụng AI.
Kết quả bài thi được phân loại chặt chẽ, và tại một số lớp học, học sinh thậm chí không biết được bài viết của các em là do máy chấm.
Ông Wang Jing, giám đốc phòng đào tạo một trường trung học trực thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc, cho biết: "Chúng tôi đang đánh giá các bài thi hết sức thận trọng. Kết quả bài thi sẽ không được tiết lộ ra bên ngoài".
Ông Wang nói rằng điều này là phù hợp với thỏa thuận giữa trường và các nhà phát triển dự án trên. "Nó vẫn đang trong giai đoạn trứng nước" - ông Wang lưu ý.
Máy chấm điểm này có thể được truy cập thông qua nhiều cổng thông tin trực tuyến, nhưng chỉ cho phép những người dùng đã đăng ký sử dụng.
Pigai.org, một cổng thông tin bằng tiếng Anh, yêu cầu người dùng phải đăng ký với hai lựa chọn, hoặc là giáo viên hoặc là học sinh. Sau đó, người đăng ký cung cấp các thông tin như tên trường, lớp học cụ thể.
Người dùng đã cho nhiều luồng ý kiến khác nhau về công nghệ trên. Một số người cho rằng nó sẽ mang tính chính xác hơn và hữu ích hơn trong việc chấm điểm. Một số khác thì tranh cãi rằng công nghệ này không thể phân biệt giữa một bài viết học thuật và các dạng bài viết khác.
Giáo sư Yu Ya Feng đến từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh nhận xét máy tính có thể giúp chấm điểm bài thi của học sinh ở các môn như toán, vật lý do câu trả lời mang tính khách quan. Còn các bài luận thì có thể chứa quan điểm cá nhân, cảm xúc, yếu tố văn hóa… mà một chiếc máy không thể nào đánh giá đúng hoàn toàn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng đỉnh công nghệ này được thiết kế nhằm hỗ trợ, chứ không phải thay thế các giáo viên.
Hiện không rõ công nghệ này có phải là "người cuối cùng" đưa ra điểm số các bài viết hay không. Nếu đúng, nó có thể tạo ra một cuộc tranh cãi lớn nếu được đưa vào sử dụng chính thức.
Các nhà nghiên cứu nói rằng công nghệ chấm điểm dùng AI chỉ hỗ trợ, chứ không thay thế giáo viên - Ảnh: AFP
Một người dùng trên Zhihu - trang web hỏi đáp lớn nhất ở Trung Quốc, gần đây đã đăng ảnh chụp màn hình cho thấy cách thức công nghệ chấm điểm trên hoạt động. Ví dụ được đưa ra là một bài bình luận trên báo Washington Post (Mỹ) đăng tháng 4-2015 có tên: "Tại sao ông Obama bênh vực những bà mẹ ru rú xó nhà?".
Bài viết đã được 71,5/100 điểm. Công cụ này nhận xét rằng từ vựng được sử dụng "phong phú và thích hợp", nhưng nó "chưa phải là ngôn ngữ học thuật cho lắm!". Công cụ kết luận rằng: "Mạch văn cần trôi chảy và vui lòng đi vào đúng trọng tâm, các đoạn và câu văn nên liên quan tới chủ đề".