TTO - Không còn lấy phát hành thẻ làm thước đo, gần đây, để bắt kịp sự phát triển, các ngân hàng không ngừng ứng dụng công nghệ mới, thực hiện chiến lược ngân hàng số, đa dạng các kênh thanh toán không tiền mặt nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử tại VN
Trải nghiệm thanh toán bằng Samsung Pay trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa Samsung và 15 ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một trong những minh chứng mạnh mẽ cho bước đi này là sự hợp tác của hàng loạt ngân hàng trong nước với ứng dụng thanh toán di động Samsung Pay.
Vài năm trước, từ thanh toán tiền điện, nước, cáp, internet chị Thanh Hằng đều dùng tiền mặt. Chị rút sẵn tiền, chờ người thu tiền đến nhà để đóng.
"Việc này cũng bất tiện vì không biết họ đến vào khung giờ nào trong ngày, và không phải lúc nào tôi cũng có ở nhà. Nếu không thì tôi phải lên tận nơi để đóng hoặc ra các điểm ủy nhiệm thu", chị Hằng cho hay.
Tuy nhiên bắt đầu từ năm ngoái, cùng với sự nở rộ của các phương thức thanh toán mới, chị Hằng đã không còn chi trả các dịch vụ thiết yếu bằng tiền mặt, thay vào đó là nhờ ngân hàng trích nợ, hoặc thanh toán qua ví.
"Đến mua thẻ cào tôi cũng mua qua internet banking hoặc ví điện tử chứ không còn ra tiệm tạp hóa như trước. Rồi khi đi ăn, tôi có thể thanh toán bằng điện thoại thay vì trả tiền mặt", chị Hằng nói về sự thay đổi của mình.
Những năm trước, nói đến thanh toán không dùng tiền mặt nhiều người nghĩ ngay đến cà thẻ qua POS hoặc chuyển khoản, nhưng hiện nay hàng loạt phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác đã ra đời đặc biệt trong số đó là phương thức thanh toán di động Samsung Pay.
Samsung chính thức ra mắt ứng dụng thanh toán di động Samsung Pay ở VN từ tháng 9-2017 với mạng lưới chấp nhận thanh toán, tính đến nay, đã được mở rộng trên 200.000 điểm cũng như số lượng thẻ tín dụng, ghi nợ, thẻ trả trước tăng nhanh chóng.
Đi cùng với đó, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển rất nhanh tại Việt Nam.
Người tiêu dùng cũng nhanh chóng đón nhận các hình thức thanh toán mới. Chính điều này đã và đang tạo lực đẩy để các ngân hàng lao vào cuộc đua công nghệ để thu hút người dùng.
Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải (Maritime bank) cho biết NH đã đầu tư công nghệ hiện đại và thúc đẩy mạnh mẽ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người tiêu dùng.
Đặc biệt là việc phát triển công nghệ mới trên nền tảng thiết bị di động do người VN có tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh khá cao.
Ông Quang cho biết Maritime Bank cùng với Samsung và Mastercard đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật cho việc triển khai công nghệ thanh toán trên thiết bị di động của Samsung thông qua ứng dụng Samsung Pay.
Hình thức chi trả hóa đơn qua Samsung Pay chạy độc lập, không cần kết nối internet, 3G hay wifi mỗi khi thanh toán nên khá thuận tiện cho các chủ thẻ. Công nghệ này cũng đã chấp nhận thanh toán rộng rãi tại các điểm chấp nhận thanh toán thẻ trong nước.
Trong khi đó tại Sacombank, hiện nay, hầu hết các thẻ Sacombank đều đã có thể thanh toán qua Samsung Pay, bao gồm thẻ thanh toán Plus, thẻ thanh toán/thẻ tín dụng Visa và Mastercard.
Việc này giúp khách hàng tích hợp tất cả thông tin thẻ vào smartphone mang thương hiệu Samsung để thực hiện các thanh toán nhanh chóng, tiện lợi, an toàn hơn tại bất kỳ điểm bán hàng nào bằng cách chạm smartphone lên máy POS thay vì sử dụng thẻ nhựa.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Sacombank, đây là bước tiến tiếp theo của công nghệ thanh toán không tiếp xúc (contacless) mà ngân hàng vừa triển khai trước đó.
Tất cả nhằm giúp khách hàng rút ngắn thời gian thanh toán, gia tăng tính bảo mật vì không cần phải mang theo quá nhiều thẻ đồng thời mang đến sự tiện lợi cho người dùng.
Samsung Pay với cơ chế bảo mật 3 lớp, đầu tiên là lớp mã hóa Tokenization giúp cho thao tác thanh toán an toàn vì không thể truy ngược lại thông tin ban đầu của thẻ như loại thẻ, số thẻ… Tiếp đến là tầng bảo mật Knox giúp chống lại các phần mềm độc hại tích hợp vào cả phần mềm lẫn phần cứng điện thoại có thể chống ăn cắp thông tin từ xa và cuối cùng là lớp bảo mật sinh trắc học để mỗi lần giao dịch phải xác nhận bằng vân tay, mống mắt do vậy nếu điện thoại có rơi vào tay kẻ xấu thì cũng không thể bị mất thông tin thẻ hay bị sử dụng bất hợp pháp các giao dịch thanh toán.
Việt Nam cũng đang nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt nhằm mục tiêu hướng tới nền kinh tế 90% không dùng tiền mặt vào năm 2020 bằng cách giảm các giao dịch tiền mặt và tăng thanh toán điện tử.
Một trong các bước đang thực hiện là triển khai ngân hàng di động và phát triển công nghệ thanh toán số nhằm mục tiêu đem các sản phẩm tài chính tiếp cận nhiều người tiêu dùng.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối Bán lẻ và Doanh nghiệp, Ngân hàng Shinhan cho rằng đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ Việt Nam phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%. Nhưng tỉ trọng này hiện nay vào khoảng 12%.
Con số này bao gồm cả các giao dịch tài chính của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. "Một bộ phận lớn cư dân Việt Nam hiện vẫn duy trì thói quen sử dụng tiền mặt.
Do đó, để đạt mục tiêu của đề án, việc thay đổi nhận thức và thói quen thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng là yếu tố rất quan trọng", ông Vũ nói.
Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, xu hướng sử dung điện thoại thông minh trong các giao dịch tài chính ngày càng trở lên phổ biến.
Ông Vũ cho biết Ngân hàng Shinhan đã từng bước thực hiện chiến lược ngân hàng số để cung cấp nhiều kênh thanh toán không dùng tiền mặt đến người tiêu dùng VN thông qua việc hợp tác với Samsung để thực hiện các kế hoạch phát triển và mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng trong thời gian tới.
"Samsung là tổ chức có những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển các ứng dụng thanh toán trên điện thoại, đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính của khách hàng trên thế giới nói chung và tại thị trường Việt Nam nói riêng.
Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn Samsung như một đối tác chiến lược để phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt", ông Vũ cho biết thêm.
Trên thực tế, việc các ngân hàng cùng Samsung Pay từng bước tạo dựng nên hệ sinh thái về dịch vụ tài chính không chỉ mang đến bảo mật tốt hơn mà khách hàng còn có những trải nghiệm mới, hiện đại, tin cậy mà còn cả những lợi ích theo đó như: ưu đãi tích hợp thẻ, ưu đãi tích điểm, ưu đãi giảm giá, trúng thưởng…
Ông Trịnh Bằng Vũ cho biết là với hợp tác với Samsung và Shinhan, khách hàng của Ngân hàng Shinhan và người sử dụng điện thoại Samsung sẽ có những tiện ích thanh toán mới, thuận tiện hơn và bảo mật hơn, cũng như được hưởng những ưu đãi từ hệ thống các đơn vị, các tổ chức chấp nhận giải pháp thanh toán Samsung Pay.
Còn ông Nguyễn Hữu Phúc cho biết thêm ngoài việc tích hợp các thẻ ngân hàng, ứng dụng Samsung Pay còn cho phép tích hợp các voucher, phiếu giảm giá vào app và có thể sử dụng thay cho thẻ nhựa thông thường. Với ứng dụng như vậy thì không cần mang theo ví như hiện nay nữa.
"Không chỉ về phía ngân hàng, người dùng, các đơn vị chấp nhận thẻ cũng có lợi ích vì khi có nhiều ngân hàng cùng tham gia hình thức thanh toán di động thì khi đó có thể hợp tác triển khai các chương trình ưu đãi, truyền thông, khuyến khích sử dụng. Qua đó đơn vị bán hàng sẽ tăng được doanh thu từ ứng dụng thanh toán mới", ông Phúc nói.
Ông dẫn chứng rằng thời gian qua dù Sacombank mới kết nối thẻ ghi nợ nội địa với ứng dụng Samsung Pay nhưng các khách hàng sử dụng ứng dụng này có tần suất sử dụng hàng tháng tăng 30-40% so với thông thường.
Vừa qua NH này vừa kết nối thêm thẻ Visa và Mastercard vào ứng dụng Samsung Pay nên dự báo tần suất sẽ càng tăng 20-40%, thậm chí 100% với một số sản phẩm đặc biệt vì người dùng sẽ cảm thấy thuận tiện hơn khi thanh toán.
Phía các cửa hàng cũng sẽ quen với việc chấp nhận thanh toán các món nhỏ bằng ứng dụng di động thay vì tiền mặt như trước.
Về việc nhiều người e ngại về tính bảo mật khi đưa các thông tin vào điện thoại sẽ rất rủi ro nếu mất điện thoại, ông Phúc cho hay đến nay chưa có bất kỳ người dùng nào phàn nàn về vấn đề này.
Hiện để kích hoạt ứng dụng cần đến mật mã và các yếu tố sinh trắc học như vân tay, mống mắt (công nghệ bảo mật hoạt động dựa trên đặc điểm duy nhất của mống mắt để nhận diện một người nào đó), do vậy sẽ không lo ngại về an toàn khi sử dụng ứng dụng thanh toán di động Samsung Pay.
Còn ông Huỳnh Bửu Quang cho biết trong quá trình cài đặt, các thông tin thẻ của ngân hàng đã được đưa vào ứng dụng Samsung Pay và được mã hóa thành một dãy số riêng, không thể sao chép hay truy ngược lại số thẻ gốc nên khách hàng hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật. Khi giao dịch, việc không cần xuất trình thẻ cho người bán; cùng việc chủ thẻ cần xác nhận mật mã bằng vân tay, mống mắt hoặc mã PIN cũng sẽ giúp việc thanh toán trở lên an toàn hơn.
Trải nghiệm Samsung Pay trên Gear S3 trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa Samsung và 15 ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Samsung Pay đã có trên Gear S3
Phương thức thanh toán Samsung Pay hiện đã được tích hợp trên đồng hồ thông minh Samsung Gear S3, với cả 2 công nghệ thanh toán MST (giao thức thanh toán bằng sóng từ) và NFC (giao thức thanh toán bằng sóng radio).
Người dùng sau khi cài đặt thông tin thẻ trên Gear S3 và kết nối điện thoại di động Samsung Galaxy có thể dùng điện thoại để thanh toán bằng Samsung Pay một cách dễ dàng bằng cách chạm đồng hồ vào các thiết bị thanh toán đầu cuối như máy POS.