TTO - Việc chính phủ Nepal tuyên bố tự xây dự án thủy điện Tây Seti 750 MW khiến nhiều người bất ngờ bởi trước đó nó đã nhiều lần được khẳng định sẽ do Tập đoàn Tam Hiệp Quốc tế của Trung Quốc xây dựng.
Nhà máy thủy điện Kaligandaki A với 3 tổ máy 48MW đang là nhà máy thủy điện lớn nhất Nepal tính tới thời điểm hiện tại - Ảnh chụp màn hình
Quyết định này cũng đồng nghĩa hợp đồng với đối tác Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ. Đây là dự án thứ 2 có yếu tố Trung Quốc ở Nepal bị đổ vỡ trong vòng 6 tháng qua.
"Chúng ta sẽ huy động các nguồn lực trong nước và xây dựng nhà máy thủy điện Tây Seti", Bộ trưởng Tài chính Nepal Yubaraj Khatiwada nhấn mạnh khi đọc tờ trình ngân sách 12,18 tỉ USD lên quốc hội nước này ngày 29-5.
Tập đoàn Tam Hiệp Quốc tế không phải là cái tên lạ lẫm. Đây là đơn vị đã xây đập Tam Hiệp - đập lớn nhất thế giới nằm chắn ngang dòng Trường Giang của Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho biết không thể liên lạc được tập đoàn này sau quyết định hủy dự án thủy điện trị giá 1,6 tỉ USD của Nepal.
Năm 2015, chính phủ Nepal tuyên bố việc xây dựng thủy điện Tây Seti sẽ do tập đoàn Trung Quốc thực hiện, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2022. Dự án được kì vọng sẽ góp phần giúp giảm tình trạng thiếu điện ở Nepal - quốc gia nhập khẩu mỗi năm gần 500MW từ Ấn Độ.
Tuy nhiên, dự án này không thoát khỏi số phận bị treo kể cả khi đã xác định được nhà thầu xây dựng. Các quan chức Nepal giấu tên tiết lộ công việc xây dựng không thể bắt đầu khi tập đoàn Trung Quốc quyết đàm phán với chính phủ Nepal về các điều khoản xây dựng có lợi hơn cho họ.
Đây là dự án thủy điện thứ hai ở Nepal liên quan tới Trung Quốc bị hủy trong vòng nửa năm qua. Tháng 11-2017, chính phủ Nepal hủy hợp đồng 2,5 tỉ USD xây dựng nhà máy thủy điện 1.200MW trên Budhi Gandaki với Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc.
Trong khi thế giới đã bắt đầu chuyển sang các hình thức sản xuất điện sạch và bền vững, Nepal mới bắt đầu bước vào thời kỳ thủy điện. Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Nepal cần nhiều nhà máy thủy điện để giải tỏa cơn khát năng lượng và đáp ứng nền kinh tế vừa mới bùng nổ sau một thập kỷ nội chiến triền miên.
Giới chuyên gia ước tính Nepal có tiềm năng thủy điện lên tới 42.000MW nhưng chỉ mới sản xuất được khoảng 1.000MW trong khi nhu cầu thực tế lại lên tới 2.500MW. Điều này đã dẫn tới một cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên những dòng sông ở Nepal, bất chấp giới khoa học thế giới đã nhiều lần cảnh báo những hậu quả về môi trường của các dự án thủy điện trên toàn cầu.
Hồi tháng 5 này, sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tập đoàn Satluj Jal Vidyut Nigam của Ấn Độ đã bắt tay vào việc xây dựng một nhà máy thủy điện 900 MW phía đông Nepal.