TTO - "Bạo lực học đường dường như không còn là những trường hợp cá biệt, đơn lẻ mà dần trở nên phổ biến khiến dư luận rất bức xúc", đại biểu Quốc hội lo lắng.
Các đại biểu thảo luật tổ về Luật Giáo dục sửa đổi - Ảnh: B.D
Thảo luận tổ Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi chiều nay 30-5, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (TP Đà Nẵng) nhận định khi các vụ việc như thầy giáo dâm ô học trò, giáo viên không giảng bài nhiều tháng, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng... không còn là cá biệt nữa thì đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cách khắc phục.
"Bạo lực học đường dường như không còn là những trường hợp cá biệt, đơn lẻ mà dần trở nên phổ biến khiến dư luận rất bức xúc. Cần có nhận định, đánh giá khách quan, từ đó tìm ra nguyên nhân để có những chính sách phù hợp", đại biểu Quang đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cũng cho rằng cần xem lại cách hành xử của các giáo viên, đặc biệt là giáo viên khối mầm non, bởi thời gian gần đây xảy ra quá nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức.
"Cần đưa vào các quy tắc ứng xử, các chế tài cụ thể đối với đội ngũ giáo viên, đội ngũ làm công tác giáo dục. Chứ bây giờ chỉ quy định là phải có phẩm chất, đạo đức… chung chung thì không rõ", ông Tuấn nói.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì nhận định: "Lâu nay đạo đức xuống cấp, bạo lực học đường xảy ra nhiều nơi. Bệnh thành tích phổ biến làm cho học sinh thui chột ý chí, không có tinh thần học tập, cầu tiến".
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cũng lo về căn bệnh thành tích. "Từ chuyện dở khóc dở cười là học sinh lên tới lớp 9 mà vẫn không biết chữ, cho thấy một điều trái quy luật: cứ học giỏi, rèn luyện tốt thì mới được lên lớp nhưng đằng này lại quy định đủ tuổi thì lên lớp. Tôi là dân trong nghề nên tôi rất hiểu câu chuyện bệnh thành tích trong ngành giáo dục", đại biểu Tây Ninh nói.
Một điều làm nhiều đại biểu băn khoăn là dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có đặt vấn đề nâng chuẩn giáo viên khối tiểu học. Theo đó, giáo viên diện này phải có bằng tốt nghiệp ĐH Sư phạm trở lên. Điều này nếu thành hiện thực thì sẽ có hàng sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng sẽ ra trường và không biết đi đâu về đâu vì không có bằng đại học.
"Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng số giáo viên tiểu học cả nước năm học 2016-2017 là 397.098 người, trong đó có đến 44% chỉ có bằng tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp. Hiện nay số sinh viên đang theo học hệ cao đẳng sư phạm là không nhỏ, khi tốt nghiệp ra trường thì số này chắc chắn cũng sẽ không xin được việc làm theo đúng với bằng cấp mình đã học trong khối tiểu học", đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) bày tỏ lo lắng.
"Như vậy, số sinh viên sư phạm thất nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng".