TTO - Nhà thám hiểm đại dương đồng thời là đạo diễn lừng danh James Cameron cho biết việc chiếc máy bay MH370 vẫn là bí ẩn ở thời điểm này là điều không bất ngờ với ông.
Đạo diễn James Cameron bên cạnh mô hình chiếc tàu lặn đã đưa ông xuống thám hiểm nơi sâu nhất của đại dương - Ảnh: AFP
Bốn năm trước, ông từng phát biểu trên tờ News.com.au rằng chiếc máy bay MH370 sẽ không bao giờ được tìm thấy do chưa đủ phương tiện.
Có mặt tại Sydney vào đầu tuần này để khai mạc triển lãm của mình tại nhà Bảo tàng Hàng hải quốc gia Úc với chủ đề: James Cameron - Challenging The Deep (Thách thức độ sâu), đạo diễn phim Titanic một lần nữa khẳng định những thách thức của việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370: "giống như đi tìm chiếc kim khâu trong đống cỏ khô".
"Những vật thể bất thường có kích thước tương đương với chiếc máy bay không được ghi nhận với các thiết bị dò tìm hiện có. Chúng ta biết nhiều về bề mặt sao Hỏa hay Mặt trăng hơn so với những hiểu biết của chúng ta về đại dương sâu thẳm. Các thiết bị mà tôi thiết kế dành riêng cho việc thám hiểm đại dương sâu tại một khu vực đã được xác định vì mục đích khoa học".
James Cameron
Đạo diễn là chuyên gia về thăm dò các tàu bị nạn.
"Tôi chuyên về các khu vực đắm tàu. Khi đã xác định được vùng bị đắm, tôi biết cách để khám phá nó, tôi sẽ lập bản đồ, đưa những người máy nhỏ vào do thám và phân tích các dữ liệu", đạo diễn Cameron nói.
Năm 2012, ông Cameron điều khiển con tàu Deepsea Challenger đi xuống độ sâu 10.898 mét và lập kỷ lục thế giới về việc lặn một mình xuống nơi sâu nhất đại dương - khe vực Mariana ở vùng phía tây Thái Bình Dương.
Ông mang theo một máy quay ba chiều hiện đại ghi lại cuộc sống dưới đáy biển sâu với những sinh vật kì dị.
Đạo diễn Cameron cũng khảo cứu những con tàu bị chìm khác, gồm tàu Titanic và tàu chiến Bismarck của Đức. Những phát hiện của ông cho thấy những manh mối mới về số phận của các con tàu và cách chúng bị chìm.
Là một chuyên gia về thám hiểm đại dương, James Cameron cho rằng mặc dù các chuyên gia đã tìm kiếm hàng nghìn km vuông dưới đáy đại dương, chiếc máy bay MH370 có thể ở bất cứ đâu. - Ảnh: Channel NewsAsia
"Đại đương là một vùng chưa được khám phá rộng lớn với hàng trăm ngàn km vuông đáy biển chưa được lập bản đồ. Chúng ta không biết chúng trông như thế nào và việc khảo sát cũng sẽ tốn hàng nhiều thập kỉ với vài tỉ đô la. Sẽ là sự ngạo mạn của loài người nếu chúng ta cho rằng đã biết rất nhiều về trái đất mình đang sống".
James Cameron
Công ty tìm kiếm Ocean Infinity của Mỹ mới đây đã chính thức ngừng việc tìm kiếm địa điểm rơi của chiếc máy xấu số sau hơn 3 tháng.
Công ty này cho biết đã khảo sát một diện tích 112.000 km2 đáy đại dương - gấp 4 lần khu vực mà chiếc máy bay có thể đã rơi xuống ở Ấn Độ Dương.
Bộ trưởng Giao thông Úc Michael McCormack cho biết việc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích là cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử hàng không và đã tốn kém đến 200 tỉ USD.
Nó là phép thử đối với những giới hạn mà con người và công nghệ hiện có trong việc nghiên cứu sâu vào đại dương.
Ông McCormack cũng cho biết có thể một ngày nào đó, khi các công nghệ mới xuất hiện, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay có thể được khôi phục.
"MH370 dài khoảng 60 mét, chỉ bằng ¼ chiều dài của con tàu Titanic - mà loài người mất đến 70 năm mới biết được chính xác vị trí của nó dưới đáy đại dương. Đây là một vùng biển rất sâu. Chiếc máy bay khá lớn nhưng vẫn không đủ lớn để việc tìm kiếm diễn ra dễ dàng".