TTO - Hàng trăm công nhân Công ty TNHH đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn, đóng tại KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu, đình công đòi quyền lợi. Trước đó họ đã đình công nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Công nhân Triyards đình công trước cổng công ty sáng 31-5 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sáng 31-5, hàng trăm công nhân Công ty TNHH đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn (Triyards - 100% vốn Singapore) tụ tập trước cổng của công ty này đòi quyền lợi.
Các công nhân treo băng rôn ngay trước công ty yêu cầu giải quyết quyền lợi và đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào giải quyết.
Theo các công nhân, từ nhiều tháng nay, công ty này không trả lương cho họ và chưa đóng bảo hiểm xã hội gần một năm qua.
Anh Hoàng Văn Thủ, một công nhân, cho biết lương anh hơn 7 triệu đồng/tháng và do không có tiền nên gia đình anh đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều công nhân đình công bức xúc vì công ty không cử người đối thoại rõ ràng và chỉ hứa và hứa.
Một công nhân khác cho hay có rất nhiều người muốn nghỉ việc, muốn công ty chấm dứt hợp đồng lao động, chốt sổ bảo hiểm để đi tìm việc khác nhưng không được giải quyết.
Băng rôn đòi tiền bảo hiểm xã hội được treo ngay cửa ra vào công ty Triyards sáng 31-5 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Theo công nhân, từ ra tết đến nay họ mới chỉ được công ty trả hai lần lương, mỗi lần 1,5 triệu đồng.
Có người được công ty trả sổ bảo hiểm nhưng trong sổ chỉ thể hiện đóng đến tháng 12-2016, trong khi hàng tháng đều bị công ty trừ tiền bảo hiểm.
Sáng cùng ngày, một lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết hiện Triyards đã nợ tiền bảo hiểm xã hội 46 tỉ đồng. Chiều nay, Ban quản lý và ngành chức năng sẽ làm việc với công ty.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, ngoài nợ lương công nhân, bảo hiểm xã hội, Triyards còn nợ rất nhiều đối tác là doanh nghiệp trong nước và các ngân hàng.
Triyards có 100% vốn Singapore, hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu biển. Công ty này vào VN hoạt động từ 2007. Đến nay đã 5 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Lần mới nhất thay đổi giấy chứng nhận đầu tư là ngày 29-6-2016.
Đại diện theo pháp luật của Triyards tại Việt Nam là ông Chan Eng Yew, quốc tịch Singapore.
Trước đó, vào ngày 17-4, công nhân Triyards đã đình công. Công ty đã gặp gỡ công nhân với sự giám sát của ngành chức năng và xác nhận số tiền nợ bảo hiểm xã hội đã lên đến 36 tỉ đồng. Đại diện Triyards hứa sẽ trả 50% lương cho công nhân.
Thế nhưng, từ đó đến nay công ty chỉ trả được 1,5 triệu đồng và chưa giải quyết dứt điểm chế độ bảo hiểm.