Sống khỏe

Tai biến do lạm dụng corticoid

Rất nhiều người bệnh đang phải hàng ngày gánh chịu những hậu quả khôn lường do việc lạm dụng corticoid gây ra, trong đó, có những biến chứng nặng.

Tai biến do lạm dụng corticoid - Ảnh 1.

Loãng xương do corticoid. Ảnh: surtifamiliar.com

Hiện nay, tình trạng lạm dụng các loại thuốc glucocorticoid (thường gọi tắt là corticoid) như triamcinolone (biệt dược K-cort, Kenacort…), dexamethasone, prednisolone, methylprednisolon (biệt dược Solumedrol, Medrol, Medexa)… đang diễn ra khá phổ biến ở không ít các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Rất nhiều người bệnh đang phải hàng ngày gánh chịu những hậu quả khôn lường do việc lạm dụng các thuốc này gây ra, trong đó, có những biến chứng nặng có thể gây chết người hoặc tàn phế vĩnh viễn, trong khi căn bệnh chính thì vẫn ngày càng nặng lên. Chúng tôi thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm mũi xoang, viêm đa khớp, bệnh ngoài da…, đến khám với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm do quá liều corticoid như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội, chậm phát triển thể chất ở trẻ em…

Đáng nói là phần lớn những bệnh nhân này đều xuất hiện các biến chứng trên sau một thời gian dài được điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả cơ sở được cho là khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Nhiều trường hợp chỉ mắc các bệnh lý ngoài da thông thường, không nguy hiểm nhưng lại được điều trị với corticoid liều cao và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Thực tế hỏi bệnh và thăm khám những bệnh nhân này còn cho thấy, hầu hết những người bệnh được điều trị bằng cách tiêm các thuốc corticoid kéo dài đều không được kê đơn thuốc trước điều trị, không được cho biết tên thuốc và cũng không được giải thích về tác dụng chữa bệnh, các độc tính của thuốc và cách phòng ngừa. Chỉ đến khi xảy ra tai biến, một số người bệnh mới yêu cầu được biết loại thuốc corticoid mà mình đã sử dụng.

Corticoid là một những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới trong nhiều năm qua, hầu hết bộ phận trên cơ thể người đều có những bệnh lý cần được điều trị với nhóm thuốc này, có thể qua đường tiêm truyền, đường uống hoặc dùng tại chỗ (bôi, xịt, hít, tra mắt).

Các thuốc này thường được coi là con dao hai lưỡi, mà cả hai đều hết sức sắc bén. Nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian, các thuốc này có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, suy tuyến thượng thận, xơ cứng rải rác… Tuy nhiên, nếu dùng liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều các tai biến nguy hiểm cho người bệnh như đã được đề cập ở phần trên. Ngoài ra, nếu corticoid được dùng liên tục quá 15 ngày và bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm, với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải… Không chỉ có nguy cơ gây ra các tai biến do độc tính của thuốc, việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc, bệnh thường bùng lên mạnh mẽ mỗi khi hết "hơi" thuốc.

Hiện nay, với sự tiến bộ mạnh mẽ của y học hiện đại, rất nhiều các bệnh mạn tính nan y trước đây như hen phế quản, viêm đa khớp, vảy nến… đã có thể được điều trị và kiểm soát một cách hiệu quả và an toàn với nhiều loại thuốc mới ít độc tính. Việc sử dụng corticoid kéo dài hiện chỉ còn được giới hạn trong một số chỉ định. Để hạn chế nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm của việc điều trị này, cần có chế độ theo dõi điều trị chặt chẽ như định kỳ khám mắt, đo mật độ xương, đo nồng độ đường máu, canxi máu, nội soi dạ dày tá tràng… Ngoài ra, người bệnh cũng cần được giải thích trước về các tai biến có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc để có thể phát hiện sớm và có biện pháp ngăn ngừa các biến chứng nặng.

Trong thực tế tình trạng lạm dụng corticoid vẫn đang diễn ra hết sức phổ biến và chưa được quản lý một cách chặt chẽ, để tránh bị rơi vào cảnh "tiền mất tật mang" do lạm dụng corticoid, mỗi người bệnh hãy là những "người bệnh thông thái", hãy lựa chọn những cơ sở y tế có đủ độ tin cậy để gửi gắm tính mạng của mình, không nên dễ dàng nghe theo những lời mách bảo./.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,414,608       1/835