Sống khỏe

Tranh cãi quanh việc biểu diễn xiếc thú: Cấm hay không cấm?

TTO - Câu hỏi 'Hạn chế nuôi thú hoang dã làm trò: được không?' đã nhận được những ý kiến nhiều chiều từ chính các du khách và khán giả cũng như đại diện của Tổ chức Động vật châu Á.

Tranh cãi quanh việc biểu diễn xiếc thú: Cấm hay không cấm?  - Ảnh 1.

Một tiết mục xiếc thú tại công viên văn hóa Đầm Sen - Ảnh: Q.Định

Một du khách tên Ngọc phản hồi trên Tuổi Trẻ Online cho biết du khách này đã khóc khi nhìn thấy các chú chó bị nuôi nhốt ở "nơi dơ bẩn, ẩm thấp, chật hẹp" tại khu du lịch Hồ Mây cáp treo trên núi ở Vũng Tàu.

"Tôi cũng khóc khi thấy 2 con tinh tinh loại gần con người nhất do Nhật tặng Thảo cầm viên Sài Gòn, bọn nó buồn bã khi bị giam cầm trong lồng kiếng chật hẹp, bị mọi người trêu chọc dòm ngó, không có một nơi riêng tư để trốn.

Còn rất nhiều trường hợp đau lòng ở các khu du lịch. Gần đây đến Vinpearl Phú Quốc, tôi thấy con rắn bị nhốt trong chiếc hộp kiếng nhỏ đến mức chỉ đủ cho nó quấn cuộn tròn người lại" - độc giả này viết.

Chó làm xiếc - Video: GIA TIẾN

Về khuyến nghị cấm sử dụng động vật hoang dã biểu diễn xiếc, một số phụ huynh đưa con em đến xem xiếc tại công viên Gia Định đồng tình cần cấm các hoạt động nuôi nhốt, cho động vật làm xiếc để mua vui.

Chị Trần Đỗ Thủy Tiên - một người dân ở Q.Gò Vấp - cho rằng với động vật hoang dã, việc nuôi nhốt để thuần phục sẽ khiến chúng phát triển sai lệch... rất đáng thương.

Nếu người hướng dẫn phải sử dụng đòn roi hoặc ép buộc chúng, đó càng là những hành động ngược đãi, cưỡng bức tinh thần động vật làm chúng dễ bị kích động, rất nguy hiểm.

Tương tự, anh Đoàn Thanh Hoàng - một khán giả xem xiếc - cũng bày tỏ việc xem xiếc thú có thể gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ nhỏ. Thay vì yêu thương động vật, các em sẽ có xu hướng hành hạ, ép vật nuôi làm theo ý của mình. Vì vậy, các rạp xiếc tại TP.HCM nên ngưng các hoạt động xiếc thú càng sớm càng tốt.

Ngược lại, anh Vũ Hoàng Châu - một người dân ở Q.Phú Nhuận - lại chia sẻ không nên cấm nuôi nhốt, tổ chức xiếc thú tại VN. Bởi vì các loài động vật đều có bản chất hoang dã, con người cần thuần hóa, tập cho động vật sống gần gũi với con người hơn.

Xiếc thú là một hình thức có từ lâu đời, đem lại niềm vui, những bài học bổ ích cho con người. Hơn thế nữa, nhờ xem xiếc thú, trẻ con sẽ học được đặc tính các loài động vật, yêu thương động vật hơn. Tuy nhiên, quá trình nuôi dưỡng, huấn luyện thú phải có cơ sở khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn.

Gấu đi xe máy - Video: GIA TIẾN

Không ủng hộ động vật nhà làm xiếc, nếu...

Bà Lola Webber - điều phối viên của Liên minh châu Á vì động vật - cho biết báo cáo của Tổ chức Động vật châu Á đã ghi nhận 16 cơ sở tại VN có sử dụng động vật biểu diễn xiếc tính tới tháng 8-2017.

Khi nghe Tuổi Trẻ thông tin một số đoàn xiếc VN dự kiến chuyển sang sử dụng động vật nhà như chó, mèo, gà... để phục vụ biểu diễn xiếc, bà Lola Webber nhận định:

"Một số loài động vật như gà sẽ sợ khi chúng bị buộc phải ở trong một khu vực đông đúc, vì trong tự nhiên chúng sẽ luôn tránh đến những nơi như vậy. Do đó, chúng tôi cũng sẽ không ủng hộ điều này vì có khả năng sẽ tác động tiêu cực đến phúc lợi của động vật".

Làm xiếc với cá sấu - Video: GIA TIẾN

Trong khi đó, một đại diện từ Tổ chức Động vật châu Á đặt lại vấn đề về nguồn gốc của động vật hoang dã đang được dùng biểu diễn xiếc:

"Theo nghị định 32/2006, những động vật thuộc nhóm 1B bị nghiêm cấm khai thác cho mục đích thương mại (xiếc thú rơi vào trường hợp này). Một số đơn vị có gấu con biểu diễn xiếc (như Đầm Sen, khu du lịch Long Phú ở Nha Trang, Rạp xiếc trung ương) tuyên bố gấu của họ có nguồn gốc rõ ràng và đã đăng ký để biểu diễn xiếc thú.

Tổ chức Động vật châu Á sẵn sàng tài trợ chi phí thực hiện xét nghiệm ADN để xác định nguồn gốc những gấu con này có đúng là sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt không thay vì có nguồn gốc tự nhiên". Theo vị này, nếu gấu có nguồn gốc hoang dã thì các đơn vị này đã vi phạm pháp luật.

Có lẽ việc cấm hay không cấm việc dùng thú hoang dã phục vụ cho các nhu cầu giải trí của con người sớm cần tiếng nói chính thức từ một đơn vị chủ quản của các hoạt động kinh doanh biểu diễn này.

Hạn chế nuôi thú hoang dã làm trò: Khó dẹp được xiếc thú Hạn chế nuôi thú hoang dã làm trò: Khó dẹp được xiếc thú

TTO - Trong khi việc nuôi thú để phục vụ du lịch cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa nhìn từ góc độ phúc lợi cho động vật và công tác bảo tồn, hiện trạng của việc nuôi thú để biểu diễn xiếc lâu nay thế nào?

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,413,787       7/881