Sống khỏe

Nga nói Ukraine ‘khiêu khích’ với trò nhà báo ‘chết đi sống lại’

TTO - Sự kiện nhà báo Nga Arkady Babchenko bị ám sát hèn hạ tại Ukraine rồi đột nhiên sống lại để họp báo vẫn chưa làm nguôi dư luận.

Nga nói Ukraine ‘khiêu khích’ với trò nhà báo ‘chết đi sống lại’ - Ảnh 1.

Nhà báo Nga Arkady Babchenko (phải) còn vui vẻ gặp cả Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Kiev ngày 30-5. Nhưng chuyên gia cho rằng cách làm này của Ukraine lại làm hại uy tín đất nước - Ảnh: REUTERS

"Việc Babchenko còn sống là thông tin tuyệt vời. Luôn cứ nên như vậy. Tiếc là trong những trường hợp khác, trò chơi khăm kiểu này lại không ổn. Rõ ràng là chuyện này nhằm mục đích tuyên truyền và nó sẽ sớm bị rơi vào quên lãng của lịch sử", bà Maria Zakharova, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga viết trên Facebook.

Thậm chí theo đài RTBF của Bỉ, Bộ Ngoại giao Nga còn lên tiếng phản bác, tố cáo vụ việc là "một cú khiêu khích mới chống Nga".

Dẫu nghị sĩ Ukraine, ông Anton Guerachtchenko, cố vấn của bộ trưởng Nội vụ Ukraine, có lên Facebook biện hộ rằng vụ dàn dựng "bắn chết nhà báo Arkady Babchenko" là cần thiết để lần ra cả đường dây ám sát từ tên sát thủ cho đến những kẻ chỉ huy lẫn đặt đơn hàng thì vẫn nhiều người đặt ra vấn đề liệu "mục đích có thể biện minh cho phương tiện".

Nghị sĩ Guerachtchenko cố dẫn chứng: "(Thám tử) Sherlock Holmes từng sử dụng thành công phương pháp giả chết để làm sáng tỏ rất hiệu quả nhiều vụ án phức tạp" dù ai cũng biết Sherlock Holmes chỉ là nhân vật hư cấu trên tiểu thuyết trinh thám.

Điều đó càng cho thấy hành động dàn dựng của an ninh Ukraine là quá ngây thơ và thiếu suy xét.

Nga nói Ukraine ‘khiêu khích’ với trò nhà báo ‘chết đi sống lại’ - Ảnh 2.

Các nhà báo của đài ATR nơi Arkady Babchenko đang làm việc mừng rỡ khi hay tin anh ta còn sống - Ảnh: REUTERS

Nhiều tổ chức phương tây càng lúc càng phản ứng mạnh với kiểu "bắt sát thủ" của Ukraine bởi điều này đụng chạm đến một trong những quyền tối thượng của đất nước dân chủ là "quyền được biết sự thật của công chúng".

Chính trị gia Harlem Désir - đại diện mảng Tự do Báo chí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OSCE), viết trên Twitter: "Thật nhẹ nhõm khi biết Arkady Babchenko còn sống! Nhưng tôi thấy đau long trước quyết định công bố thông tin giả mạo nhưng thế về tính mạng của một nhà báo. Các quốc gia cần phải công bố thông tin chính xác cho công chúng".

Quả thực cách thức dàn dựng để chết, rồi để nhiều giờ cho các cơ quan truyền thông vào cuộc lẫn các chính trị gia tuyên bố qua lại rồi lại hoan hỉnh tổ chức họp báo với "người chết sống lại" là cách làm khó hiểu của chính quyền Kiev.

Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) đã lên án nặng nề cách làm này với tuyên bố "rất phẫn nộ khi phát hiện cách thao túng của an ninh Ukraine cho cuộc chiến thông tin của họ. Luôn rất là nguy hiểm khi các quốc gia tung hứng các sự việc theo kiểu như thế và nhất là lại diễn trò trên lưng các nhà báo".

Tổ chức phi chính phủ RSF cho rằng không có gì có thể biện hộ cho cách làm như thế dù điều đó thể hiện "một giai đoạn mới trong chiến tranh thông tin giữa Kiev và Matxcơva".

Nga nói Ukraine ‘khiêu khích’ với trò nhà báo ‘chết đi sống lại’ - Ảnh 3.

Nhiều người dân đến dán ảnh tưởng niệm "nhà báo vì dân chủ" Arkady Babchenko bị sát hại vào hàng rào của đại sứ quán Nga ở Kiev (Ukraine) ngày 29-5 sau khi hay tin về vụ ám sát - Ảnh: REUTERS

Thật tốt khi biết Babchenko còn sống nhưng tôi tin rằng đây là vụ việc làm ảnh hưởng nặng đến nghề báo và có thể là cả với uy tín của đất nước Ukraine bởi vì chẳng còn ai sẽ tin tưởng họ nữa" Jill Dougherty - cựu nhà báo gạo cội của đài CNN

Ngày 29-5, xuất hiện thông tin nhà báo Babchenko đã bị bắn 3 phát đạn từ phía sau ở cầu thang chung cư mà gia đình ông đang cư ngụ ở Kiev.

Sau đó tại cuộc họp báo ở trụ sở Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ngày 30-5, tướng Vasyl Grytsak - người đứng đầu SBU, cho biết cái chết giả của nhà báo Babchenko là một phần trong chiến dịch đặc biệt để ngăn chặn một âm mưu thực sự nhằm ám sát người này.

Theo ông Grytsak, Cơ quan An ninh Ukraine đã làm giả vụ Babchenko bị sát hại nhằm truy bắt kẻ đã tìm cách giết nhà báo này.

Ông Grytsak khẳng định SBU đã bắt giữ một công dân Ukraine (truyền thông đưa ra con số 2 người) có liên quan đến vụ mưu sát Babchenko.

Theo đó, đối tượng bị bắt giữ đã được tuyển dụng để thực hiện vụ ám sát và được cho đã nhận được 40.000 USD.

Nga nói Ukraine ‘khiêu khích’ với trò nhà báo ‘chết đi sống lại’ - Ảnh 4.

Nhà báo "chống Putin" Arkady Babchenko tươi cười tại cuộc họp báo ngày 30-5 ở trụ sở Cơ quan an ninh Ukraine - Ảnh: REUTERS

Arkadiy Babchenko, 41 tuổi, là nhà báo chiến trường làm việc cho tờ Moskovsky Komsomolets và nhiều tờ báo khác có trụ sở ở Matxcơva và là tác giả của nhiều cuốn sách viết về đề tài quân sự được dịch sang 16 thứ tiếng.

Hồi tháng 12-2016, phản ứng của Babchenko trước vụ rơi chiếc máy bay Tu-154 ở Sochi, miền nam Nga từng gây tiếng vang. Máy bay chở các nhà báo cùng đoàn nghệ sĩ trên đường sang Syria ủy lạo binh sĩ đang trú đóng dịp cuối năm.

Nhà báo Babchenko sau đó rời Nga sang CH Czech và Israel trước khi chuyển tới thủ đô Kiev của Ukraine làm việc từ tháng 8-2017 cho đài truyền hình ATR.

Ngày 29-5, xuất hiện thông tin nhà báo Babchenko đã bị bắn 3 phát đạn từ phía sau ở cầu thang chung cư mà gia đình ông đang cư ngụ ở Kiev.

Tin tức về vụ việc này đã làm bùng phát một cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine, đồng thời làm rúng động cộng đồng nhà báo ở hai nước.

Hội đồng Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ các nhà báo của Nga đã phải yêu cầu Kiev mở một cuộc điều tra toàn diện vụ việc này.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,413,793       10/902