TTO - Lần đầu tiên có một bộ phim được chuyển thể, gợi tứ từ một MV ca nhạc, Em gái mưa tất nhiên rất gây tò mò với người xem.
Hai diễn viên chính Thùy Linh (vai Hạ Vy0 và Mai Tài Phến (vai thầy Vũ) trong bộ phim Em gái mưa
Nhưng câu chuyện "nhẹ tênh", không đủ sức nặng neo lại lòng người xem có lẽ là điểm yếu lớn nhất của bộ phim này.
Mặc dầu, tình yêu của lứa tuổi học trò vẫn rất trong trẻo, đáng yêu trong phim, nhưng sự non tay của ekip đã không thể đẩy bộ phim đi xa hơn được nữa.
Em gái mưa là bộ phim điện ảnh của đạo diễn Kawaii Tuấn Anh, cũng là đạo diễn của MV đạt trên 100 triệu lượt xem Em gái mưa của ca sĩ Hương Tràm.
Phim Em gái mưa sẽ chính thức ra rạp từ ngày mai, 1-6
Kawaii nổi tiếng là một đạo diễn mát tay cho những MV ca nhạc trẻ… Nhưng rõ ràng lợi thế đó không đủ "vốn liếng" để chàng đạo diễn 9X này có được một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa.
Em gái mưa khá thành công ở khâu casting nhân vật. Một Hạ Vy có khuôn mặt trong sáng, hiền lành, pha chút tinh nghịch của nữ diễn viên trẻ lần đầu đóng phim Thùy Linh.
Một Mai Tài Phến thư sinh, nhút nhát, có gương mặt và ánh mắt buồn đậm chất điện ảnh để vào vai thầy giáo Vũ luôn là "ẩn số" với những cô bé nữ sinh mộng mơ. Mai Tài Phến với ngoại hình và gương mặt đều rất phù hợp với nhân vật thầy giáo Vũ, nhưng thật tiếc anh không có nhiều dịp trổ tài diễn xuất với một bộ phim quá đơn giản như Em gái mưa.
Một Phương Anh Đào sắc sảo, nhưng vẫn là kẻ lụy tình đáng thương trong tình yêu. Một Việt Hương hài hước, vẫn mang lối diễn "over" của kịch lên phim.
Hay dàn diễn viên phụ hút fan như Trang Hý, Tiến Vũ… Tuy vậy, sự sáng sủa của dàn diễn viên "ăn tiền" này lại chẳng được trao cho cơ hội bộc lộ khả năng của họ trong phim.
Diễn viên Phương Anh Đào cũng là một vai phụ trong phim, nhưng vai diễn này sẽ khiến người xem thích thú
Em gái mưa xoay quanh câu chuyện về cô bé Hạ Vy, thầm thương trộm nhớ thầy giáo thực tập dạy môn Lý của mình (vai diễn của Mai Tài Phến).
Cô cùng nhóm bạn thân bày nhiều trò để gây sự chú ý với thầy giáo.
Nhưng thầy Vũ chỉ coi cô là "em gái mưa" bởi hình ảnh của Hạ Vy khiến Vũ nhớ về cô em gái đột ngột qua đời cách đây không lâu của mình!
Mười năm sau khi ra trường, họ vô tình gặp lại nhau và một câu chuyện mới lại bắt đầu…
Nữ diễn viên Thùy Linh vào vai chính Hạ Vy, một cô bé 17 tuổi mộng mơ, nghịch ngợm
Ý tưởng chuyển thể từ một MV ca nhạc thành phim thoạt nghe đã thấy liều lĩnh, nhưng hóa ra đến khi được chuyển thành phim thật thì mới thấy ekip này đã… quá liều, bởi độ mỏng tang của kịch bản.
Những rung động của tuổi học trò là điều quá đỗi bình thường ở độ tuổi 17, nhất là trước một thầy giáo thực tập điển trai, ngọt ngào như nhân vật thầy giáo Vũ trong phim.
Đó hoàn toàn không phải là bi kịch gì lớn lao để người mẹ (do Việt Hương thủ vai) phải gồng mình gào thét trước cửa nhà vào 11h giờ đêm, đánh con chỉ vì được thầy giáo chở xe đạp về tới nhà!
Sự khiên cưỡng trong các tình huống khiến khán giả chẳng tin được rằng có một ông bố, bà mẹ nào lại thiếu nhạy cảm, thấu hiểu con cái đến thế, dù là bối cảnh những năm 2000.
Anh Bo - Đan Trường, thần tượng của những nữ sinh một thời trở lại trong một vai khách mời trong phim
Không khí học đường trong phim là thời điểm những năm 2000, nhưng xem ra đạo diễn không còn "mánh nghề" nào khác là việc lồng ghép những thần tượng ca nhạc, những cuốn báo Hoa học trò, những chương trình phát thanh "kinh điển" như Làn sóng xanh - điều đã được sử dụng khá nhiều trong những bộ phim học đường trước đó và dần trở nên sáo mòn với người xem để tái hiện không khí thời đi học trong phim.
Nhưng có vẻ như những chất liệu để tạo ra không khí học đường đang dần đi vào lối mòn của sự nhàm chán
Bi kịch của thầy giáo Vũ cũng hết sức khó hiểu bởi bi kịch của gia đình thầy đến vô cùng đột ngột!
Người xem không hiểu được tình thương mà thầy dành cho cô bé Quỳnh Hương - người em gái đã mất đơn thuần chỉ là anh em ruột hay bởi cha thầy đã mất, thầy muốn yêu thương em bằng cả tình thương của người cha cộng lại mà thầy nguyện bỏ tất cả, chỉ để trở thành một thầy giáo theo mong muốn của em gái?
Những chi tiết không có sức nặng, người xem cũng không hề thấy sự gắn bó nào giữa hai anh em để có thể đồng cảm được cùng nhân vật người thầy trong phim.
Ngay cả câu chuyện nữ sinh yêu, hoặc có những rung động với thầy giáo của mình cũng chẳng phải chuyện gì quá "động trời", mà hầu như thời học trò nào cũng có, ở quốc gia nào cũng có.
Khởi chiếu gần nhất tại Việt Nam cách đây chưa lâu, bộ phim Thầy ơi em yêu anh của điện ảnh Nhật Bản cũng là câu chuyện của một nữ sinh 17 tuổi yêu thầy giáo của cô, hay trước đó những năm 90, khán giả Việt hẳn vẫn chưa quên Vĩnh biệt mùa hè - một bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức với bộ đôi Lê Công Tuấn Anh và Việt Trinh một thời...
Tuy vậy, chuyện tình cảm thầy trò trong Em gái mưa lại không tạo được xung đột, cũng chẳng khiến người xem phải quan tâm bởi đơn giản nó không có sự day dứt, không đủ quyết liệt để buộc phải quan tâm!
Tiến Vũ của Tháng năm rực rỡ được giao cho một vai phụ của phụ trong Em gái mưa
Đáng thương nhất trong phim này là... hotboy Tiến Vũ! Anh chàng đẹp trai, hát hay khiến bao cô gái "xin chết" của Tháng năm rực rỡ ngày nào được giao cho một vai diễn không thể phụ hơn.
Người xem có thể đếm được số lần được thoại của nam diễn viên, và thậm chí nếu cắt vai diễn này đi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến câu chuyện vốn đã rất nhạt nhòa của phim.
Một nỗ lực đáng ghi nhận của ekip đó là sự thức thời, tạo sự quan tâm, thu hút của người trẻ dành cho dự án.
Thời điểm ra mắt phim cũng được "cân chỉnh" rất phù hợp với thời điểm những học sinh cuối cấp chia tay mái trường, và có thể tình tiết đáng giá nhất phim thuộc về… Hương Tràm, khi cô xuất hiện cùng ca khúc Nhắn gửi tuổi thanh xuân trong không gian bịn rịn của ngày chia tay tuổi học trò.
Nhưng giây phút cuối phim đơn giản nhưng lại tạo được chút ít cảm xúc cho Em gái mưa
Em gái mưa, dù là một sản phẩm được đầu tư rất chỉn chu về mặt hình ảnh với những góc quay đẹp mắt về Đà Lạt, vì thế chỉ dừng lại ở một "hiện tượng" một thời của Em gái mưa, chưa thể là một sản phẩm điện ảnh riêng lẻ tạo được sự đồng cảm từ phía người xem.