Sống khỏe

Ngoại trưởng Nga làm gì ở Triều Tiên?

TTO - Chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Nga tới Triều Tiên trong vòng 9 năm qua chuyển tải thông điệp nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp sửa diễn ra.

Ngoại trưởng Nga làm gì ở Triều Tiên? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nâng ly cùng người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho trong cuộc gặp ngày 31-5 - Ảnh: REUTERS

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Triều Tiên, chiều 31-5 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại nhà khách chính phủ Paekhwawon ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Lavrov đã chuyển lời chúc tốt đẹp nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, khẳng định Matxcơva đánh giá cao tuyên bố mà Triều Tiên và Hàn Quốc đã ký kết sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng hỗ trợ để hiện thực hóa tuyên bố này.

Sau Trung Quốc, đến lượt Nga, một trong những nước tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong quá khứ, bị đánh giá là đã bị đẩy ra khỏi cuộc chơi trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi Bắc Kinh đã kịp gây ảnh hưởng và tạo chút sóng gió - như ý Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ngờ vực, Matxcơva hầu như im lặng và chỉ lên tiếng hoan nghênh chung chung trước các diễn biến sôi động giữa Mỹ và Triều Tiên trong mấy tuần gần đây.

Phát biểu trong cuộc gặp với ông Kim Jong Un, ông Lavrov đã cố gắng xua tan hình ảnh nước Nga như một người đứng ngoài cuộc, khẳng định Matxcơva quan tâm đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc dàn xếp kho vũ khí hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định của toàn bộ khu vực Đông Bắc Á. Ông Lavrov sau đó chuyển lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Nga.

Nói như Anthony Rinna, cây bút phân tích của trang Sino-NK, cuộc gặp riêng của ông Lavrov và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cho thấy sự lo lắng lẫn kỳ vọng của Nga vào tương lai trên bán đảo Triều Tiên.

"Về ngắn hạn, Nga không thể để việc nước này sẽ bị nhớ tới như là một nước chẳng có vai trò gì trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 12-6 tới. Còn về lâu dài, Matxcơva muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với cả Triều Tiên và Hàn Quốc", ông Rinna viết.

Ngoại trưởng Nga làm gì ở Triều Tiên? - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Nga đặt hoa và nghiêng mình trước tượng của hai cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng - Ảnh: REUTERS

Có một chi tiết đáng lưu ý trong cuộc hội đàm của ngoại trưởng Lavrov với người đồng cấp nước chủ nhà Ri Yong Ho.

Phát biểu sau cuộc gặp, ông Lavrov kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt theo từng giai đoạn đối với Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chừng nào các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng chưa được dỡ bỏ.

Nhà lãnh đạo ngoại giao Nga nêu rõ đây là điểm bắt đầu cho mọi cuộc thương lượng về giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Quan điểm này ở một chừng mực nào đó giống với suy nghĩ của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, song lại khiến tổng thống Mỹ Trump không hài lòng.

Washington luôn cho rằng chiến lược gây áp lực tối đa về kinh tế đã buộc Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán sớm, vậy nên chiến lược này sẽ được tiếp tục cho tới khi đạt được một thỏa thuận đúng theo ý Mỹ.

Bất kỳ sự nới lỏng hay dỡ bỏ trừng phạt nào vào lúc này có thể khiến mọi chuyện thay đổi.

Về vấn đề này, ngoại trưởng Nga nêu rõ Chính phủ Nga không cho rằng Matxcơva phải đóng vai trò tích cực trong cuộc hội đàm giữa Triều Tiên với Mỹ.

Tuy nhiên, ông khẳng định Nga sẵn sàng ủng hộ các thỏa thuận cụ thể mà Triều Tiên và Mỹ đạt được nếu chúng đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Triều Tiên, trong trường hợp những thỏa thuận này được xem xét tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tàu Trung Quốc lại bí mật bán dầu cho Triều Tiên? Tàu Trung Quốc lại bí mật bán dầu cho Triều Tiên?

TTO - Tàu Trung Quốc tiếp tục bị phát hiện mua bán qua lại trái phép với tàu Triều Tiên, trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm vào Bình Nhưỡng vẫn chưa được dỡ bỏ.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,413,431       10/1,273