TTO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary nhấn mạnh với tư cách là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai thế giới, việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của nước Pháp.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary - Ảnh: DUY LINH
"Là một trong 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Pháp có quyền và trách nhiệm trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trên các vùng biển quốc tế.
Trong bối cảnh tranh chấp đang xảy ra giữa một số bên tại Biển Đông, sự hiện diện của hai tàu chiến Pháp ở Việt Nam lần này là chỉ dấu cho thấy sự thiện chí và cam kết của nước Pháp đối với trách nhiệm duy trì tự do hàng hải và hàng không tại khu vực".
Phát biểu trên đài chỉ huy tàu sân bay trực thăng Dixmude đang ở thăm Việt Nam ngày 1-6, Đại sứ Lortholary khẳng định châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng hưởng lợi từ việc đảm bảo dòng chảy thương mại được tự do và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương.
Điều này xuất phát từ thực tế mậu dịch giữa các nước châu Âu và châu Á liên tục tăng trong các năm gần đây, trong đó vai trò đầu tàu kinh tế thế giới ngày càng dịch chuyển về châu Á.
"Đảm bảo hòa bình, ổn đinh trong khu vực không chỉ giúp cho sự phát triển của châu Á mà còn có lợi cho châu Âu xa xôi", Đại sứ Lortholary nhấn mạnh.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh việc tàu chiến lớn thứ hai của Pháp liên tiếp trong 3 năm thăm Việt Nam là minh chứng cho niềm tin chiến lược lẫn nhau và ngày càng sâu sắc giữa hai nước.
Điểm khác biệt của chuyến thăm lần này là việc hai tàu chiến Pháp sẽ tiến hành một cuộc diễn tập chung trên biển với Hải quân Nhân dân Việt Nam vào ngày 5-6.
Tàu sân bay trực thăng Dixmude của Pháp tại cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: DUY LINH
Việt - Pháp hợp tác sản xuất vũ khí?
Được sự đồng ý của chính phủ Việt Nam, hai tàu Surcouf và Dixmude trong khuôn khổ Chiến dịch Jeanne d'Arc sẽ ghé thăm và có các hoạt động giao lưu trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 5-6.
Chiến dịch Jeanne d'Arc 2018 nhằm mục đích huấn luyện các học viên sĩ quan hải quân Pháp. Tuy nhiên, theo Đại sứ Lortholary, trong thành phần tham dự Chiến dịch Jeanne d’Arc năm nay còn có các chuyên gia kỹ thuật của một số nước châu Âu.
Mượn chuyện vừa dẫn ra, Đại sứ Lortholary nhấn mạnh: "Điều này cho thấy sự cởi mở của Pháp trong việc hợp tác với các nước trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực".
Đại diện ngoại giao Pháp tại Việt Nam cũng để ngỏ khả năng hai nước sẽ bắt tay nhau trong một số dự án phát triển và sản xuất vũ khí, xem đây là cách để tăng cường quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Đại sứ Lortholary dẫn ra ví dụ sau khi Malaysia và Úc chọn trở thành đối tác chiến lược của Pháp trong lĩnh vực tàu ngầm, quan hệ quốc phòng giữa Pháp và hai nước này đã tăng tốc và ngày càng gần gũi.
"Tôi hi vọng là trong tương lai nếu Việt Nam chọn đặt niềm tin vào Pháp trong lĩnh vực quốc phòng thông qua một dự án cụ thể, đây sẽ là đà rất lớn để hai nước tăng tốc quan hệ", đại sứ Pháp bày tỏ hi vọng.
"Chúng tôi không muốn phân chia ra từng giai đoạn hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Nếu nói về lòng tin, tôi nghĩ niềm tin chiến lược trong hợp tác quốc phòng giữa Pháp và Việt Nam đã tồn tại từ lâu. Do vậy, tôi hi vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian tới sẽ ngày càng thắt chặt hơn nữa".