TTO - Giới chuyên gia về Triều Tiên nhận định sau các "sóng gió" từ đồng ý, rồi hủy, rồi lại tiếp tục xúc tiến, cuộc gặp thượng định Mỹ - Triều rõ ràng đã có một người thắng cuộc. Nhưng đó không phải là ông Trump!
Tổng thống Mỹ Donald Trump đónTướng Kim Yong Chol - "cánh tay phải" của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Nhà Trắng ngày 1-6 - Ảnh: REUTERS
Trong nhiều thập niên, Triều Tiên luôn mong muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh nghiêm túc với Mỹ và ông Trump đã giúp Bình Nhưỡng hiện thực hóa điều đó chỉ trong vài giây. Và sau 3 tháng trời, người chiến thắng đã lộ diện chính là ông Kim Jong Un, chứ không phải ông Trump.
Kim Jong Un - người thắng cuộc
"Hoàn toàn đúng như vậy!". Báo Huffington Post của Mỹ dẫn đánh giá của bà Jenny Town nói thẳng. Vị trợ lý giám đốc tại Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) này cho rằng: "Đó là một chiến thắng lớn dành cho ông Kim Jong Un".
Ngày 1-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un mà ông đã thông báo hủy tuần trước sẽ được xúc tiến như kế hoạch vào ngày 12-6 tới tại Singapore.
Tuy nhiên, chiến thắng của ông Kim Jong Un không nằm ở việc nối lại thượng đỉnh như ông Trump vừa tuyên bố. Theo bà Town, chiến thắng của ông Kim đã được ghi nhận ngay hôm 8-3, khi ông Trump hào hứng nhận lời mời của Bình Nhưỡng.
Thời điểm đó, ông Trump gần như thay đổi 180 độ cách nhìn về ông Kim. Nhà lãnh đạo Mỹ gọi ông Kim là người "rất xứng đáng được tôn trọng". Trong khi đó, hồi tháng 9-2017, chỉ hai tuần sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6, ông Trump đã gọi ông Kim là "Gã tên lửa".
"Ông Kim đã làm khá tốt. Ông ấy thật sự đã nỗ lực nhiều để phục hồi danh tiếng của mình" - bà Town bình luận.
Có lẽ ngày càng có nhiều hiểm nguy hơn mà Mỹ, Nhật Bản và đặc biệt là Hàn Quốc phải đối mặt, vì chính sự hăm hở của ông Trump để tham gia thượng đỉnh Mỹ - Triều đã cho ông Kim nhiều lực đòn bẩy hơn.
Ông Kim giờ đây chỉ cần đưa ra một số nhượng bộ để "đặt cọc" và đổi lại là bước vào một cuộc gặp đặt ông ngang hàng với lãnh đạo của siêu cường số 1 thế giới.
Như vậy sau các "sóng gió", Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) vẫn sẽ gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore vào ngày 12-6 tới - Ảnh: AFP
Donald Trump có phải là "tay mơ"?
Người ta cho rằng ông Trump không phải là tay mơ. Là một doanh nhân lão luyện, Tổng thống Donald Trump được cho đang áp dụng cung cách đàm phán của dân kinh doanh vào chuyện chính trị.
Ông Rudy Giuliani, luật sư riêng và là cố vấn của ông Trump, nói thẳng rằng ông Trump sẽ không thể nào để bị ông Kim qua mặt.
"Không đâu! Bạn sẽ không biết gì về ông Trump nếu bạn nghĩ (xấu về ông ấy) như thế. Ông ấy đã hiểu ngay từ khi bắt đầu những gì mình muốn" - ông Giuliani úp mở.
Tuy nhiên, các quan chức thân cận ông Trump lại đặt nghi vấn liệu nhà lãnh đạo Mỹ có hiểu gì về các cuộc đàm phán chính trị hay không. Đó không phải là chuyện ngày một ngày hai mà xong.
Theo họ, ông Trump vốn yêu thích tổ chức các cuộc họp báo nhỏ với các lãnh đạo nước ngoài, nhưng có lẽ ông chủ Nhà Trắng không để ý rằng chính ông Kim Jong Un và cha ông ấy - ông Kim Jong Il, đã nỗ lực để có được một cuộc gặp thượng đỉnh với một tổng thống Mỹ trong nhiều thập niên qua.
Một nhà cố vấn bên đảng Cộng hòa nói rằng ông Trump gần như không biết gì về sự rắc rối của quá trình giải trừ hạt nhân nói chung và việc giải quyết trường hợp hạt nhân của Triều Tiên nói riêng.
Các nhà báo nước ngoài đưa tin tại buổi phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên hôm 24-5. Tuy nhiên, Triều Tiên đã không mời các chuyên gia hạt nhân Mỹ và Hàn Quốc tới như đã hứa - Ảnh: REUTERS
"Tôi cho rằng tất cả những gì ông Trump sẽ làm là bước vào phòng họp với ông Kim trong 2 tiếng đồng hồ, và ông nghĩ rằng ông có thể giải quyết mọi chuyện" - vị cố vấn giấu tên cho biết.
Việc ông Trump khoái chí khi được đề xuất giải Nobel Hòa bình cùng các tuyên bố của ông rõ ràng đã cho thấy ông rất mong muốn thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra. Thậm chí lá thư đòi hủy thượng đỉnh gửi tới ông Kim hôm 24-5 cũng cho thấy ông Trump rất níu kéo.
Theo bà Town, điều mà ông Trump quan tâm nhất những ngày qua là khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim. Vẫn chưa có nền tảng nào dành cho một thỏa thuận được hoàn thiện, chẳng hạn việc biết được chính xác Triều Tiên đang sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân.
"Đó là nguy cơ chúng ta đối mặt vào lúc này. Đây không phải là ngoại giao chính thức" - bà Town nói.
Cũng đồng ý kiến với bà Town, ông Joshua Pollack - một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, nhận định: "Ông Trump dường như đánh đồng cuộc gặp với kết quả, và ông ấy có lẽ không quan tâm nhiều tới quá trình".