Sống khỏe

Đi ăn với... điện thoại

TTO - Thi thoảng tôi bắt gặp cuốn sách Đừng bao giờ đi ăn một mình. Nghĩ thấy buồn cười, thật ít gặp ai đi ăn một mình lắm!

Đi ăn với... điện thoại - Ảnh 1.

Trò chuyện, chơi đùa với nhau sẽ làm những giờ phút bên nhau vui vẻ hơn nhiều thay vì người lớn cầm điện thoại, con trẻ xem iPad - Ảnh minh họa: GIA TIẾN

Chẳng phải người ta luôn có bạn bè đồng nghiệp đối tác chung bàn đâu. Đơn giản là giờ ai nấy thường đi ăn với cái điện thoại của mình...

Tôi nhớ lần mình ở trong một cái quán vào buổi tối muộn nhưng vẫn khá đông khách. Chỗ ngồi hầu như kín hết, dường như mọi người bận rộn tới mức giờ này mới kịp ăn bữa tối. Bàn kế bên có hai người khác phái không quen biết đang ngồi đối diện. Mạnh ai nấy thưởng thức khẩu phần của mình và chú mục vào cái điện thoại.

Cuộc sống luôn là hiện tại, là bây giờ, là khoảnh khắc đang diễn ra, chứ nào phải ở thế giới phẳng hoặc mai sau để lãng phí giây phút đẹp đẽ lúc ấy

An toàn, yên tâm, đủ đầy với chiếc điện thoại

Không có ai ngại ngần hay mơ màng gì tới chuyện lãng mạn ngôn tình trong cảnh đèn vàng ấm áp nữa. Chỉ có riêng tôi, nhìn hình ảnh ấy và cảm giác cuộc sống sao mà xa lạ lạnh lẽo đến đáng buồn. Hay nhờ có điện thoại mà trong một thành phố công nghiệp vội vã, người ta đỡ phải đối mặt hoặc giao tiếp với nhau, trong một quán ăn, giữa một buổi tối khá buồn tẻ thế này?

Điện thoại dường như dần trở thành bạn đồng hành trong những trường hợp đơn lẻ. Có cái bấm bấm sẽ ít phải bối rối, tránh được các tình huống khó đỡ, dễ bề rút lui nếu lỡ bước vào cửa tiệm mà không muốn mua gì. Thậm chí, để tránh phải tiếp tục một cuộc trò chuyện hay tranh cãi, người ta chỉ cần "Xin lỗi, tôi nghe điện thoại" là xong ngay...

Hình như ai nấy bây giờ chỉ cảm thấy an toàn, yên tâm và đủ đầy khi xuất hiện cùng với điện thoại trên tay thì phải. Một tai nạn xảy ra, nhiều người cùng móc điện thoại nhưng mãi vẫn chưa thấy cứu hộ hay xe cấp cứu tới. 

Đơn giản, đâu mấy ai nghĩ tới một cuộc gọi thông báo, mà đa phần đều chỉ chụp ảnh hay quay phim lại. Không phải vì muốn lưu giữ hiện trường đâu. Bởi lý do gì, dù không-nói-ra-thì-ai-cũng-biết-là gì-đấy...

Tôi vẫn không quên lần mình đặt chân tới cái bể bơi vô cực Infinity nằm trên đỉnh của tòa nhà 57 tầng mang hình dáng chiếc thuyền của Singapore. Cảnh rất đẹp và hoành tráng. Thế nhưng, đa phần du khách không quan tâm tới việc bơi lội hay ngắm nghía gì cả, mạnh ai nấy... giơ cao điện thoại lên. 

"Tự sướng" cho mình, chụp cho người đi cùng, hay chụp giùm cho người dưng xung quanh. Những bức hình săn được ấy, nếu đẹp đẽ ưng ý thì đăng lên trang cá nhân mạng xã hội, nhận lại ít cái like và lời bình luận. 

Còn lại đa phần sẽ nằm trong bộ nhớ của máy, họa hoằn lắm mới có dịp lưu luyến lấy ra xem. Đơn giản, kho hình đó mỗi ngày mỗi đầy thêm, do đi đến đâu cũng quay cũng chụp, từ món ăn cho tới con chó đẹp, từ cảnh nhậu nhẹt cho tới dịp đứng bên chiếc xe hơi cáu cạnh của người khác, cũng đều phải bấm vài chục tấm thì mới cam lòng...

Cuộc sống luôn là hiện tại, là bây giờ, là khoảnh khắc đang diễn ra, chứ nào phải ở thế giới phẳng hoặc mai sau để lãng phí giây phút đẹp đẽ lúc ấy.

Bạn có ghét điện thoại giống tôi không?

Chồng tôi cả ngày đi làm, tối về mang theo điện thoại vào phòng ngủ. Bạn bè tôi hẹn nhau cà phê nhưng cắm cúi vào đó, bên ly nước đã có phần nguội lạnh và những câu chuyện nhạt nhòa. Thậm chí ngay lúc đó còn hào hứng "tung hứng" với nhau trên mạng hoặc... chat riêng, mặc dù đang ngồi kề bên.

Từng có lần tôi nghe hàng xóm khổ sở kể về thằng con "như bị điên" của chị ấy. Rằng thấy nó hay chơi game hay coi cái phim hoạt hình gì đó, chị muốn tách con ra khỏi món ấy nên thu lại điện thoại của nó. Vậy thôi mà nó sừng sộ giật lại. 

Rồi khi biết phản kháng bằng bạo lực không ăn thua gì khi cả ba mẹ đều cùng một phe, đứa con trai chị vẫn cưng yêu như trứng mỏng đã lăn ra đất ăn vạ, đập đầu vào tường theo kiểu bị ma nhập. Con chị bấy lâu vẫn là một đứa trẻ ngoan, giờ chỉ vì một cái điện thoại mà không còn có thể kiểm soát bản thân thật ư?...

Những câu chuyện như thế này không còn hiếm. Càng không phải ông bố bà mẹ nào cũng đủ quyết tâm và cứng rắn để tách con khỏi các thiết bị đầy ma mị ấy nữa. 

Ngay cả tôi cũng từng chưng hửng khi được cậu con trai lên sáu nhắc nhở: "Sao mẹ lúc nào cũng thích điện thoại vậy?". Đó là khi tôi đã lên giường nằm cùng con nhưng tay vẫn thi thoảng với lấy cái máy, nhìn vào đấy, bấm vài ba chữ, và lơ đễnh trong việc gãi lưng - món thằng nhóc ưa thích trước khi chìm vào giấc ngủ. 

Tôi đã xin lỗi con, hứa cùng con và với chính mình sẽ hạn chế bớt việc xài điện thoại. Chuyện nhỏ ấy mà.

Bạn cũng nghĩ giống tôi phải không? Nhưng bạn có thử nghiêm túc thực hiện bao giờ chưa? Tôi làm rồi, và cay đắng nhận ra thật chẳng dễ dàng gì. 

Cái thói quen "ăn điện thoại, ngủ điện thoại, vui điện thoại và buồn cũng điện thoại" nó đã hằn quá sâu vào mỗi chúng ta mất rồi. Tưởng nhỏ nhặt thôi mà đáng sợ vô cùng. Như cảm giác của tôi khi nhìn người ta thản nhiên ngồi ăn với cái điện thoại chung bàn...

Tắt điện thoại khi cần...

Để giữ gìn các mối quan hệ, đặc biệt là tình cảm gia đình, chúng ta đừng quên rằng:

- Điện thoại là công cụ, là phương tiện để giao tiếp chứ không phải mục đích hay là ông chủ.

- Cần tăng cường giao tiếp trực tiếp, đặc biệt là trong gia đình. Việc đề ra một vài nội quy về việc không sử dụng điện thoại trong những giờ sinh hoạt chung như ăn cơm rất cần thiết và người lớn phải làm gương triệt để.

- Tôn trọng những người ngay bên cạnh mình. Nên trong các buổi hẹn gặp khách hàng, hoặc các bữa cơm, buổi sinh hoạt của gia đình, không nên ngồi nhắn tin, chơi game, đọc báo, hoặc "tám" điện thoại với người khác.

Nếu cần nghe điện thoại thì việc đi ra ngoài nghe máy cũng rất cần thiết để không phá vỡ bầu không khí xung quanh. Chúng ta có thể tắt điện thoại với những dịp gặp gỡ quan trọng.

ThS tâm lý NGUYỄN NGỌC DUY - TẤN KHÔI ghi

Học sinh lớp 2 ‘ghét cái điện thoại của mẹ Học sinh lớp 2 ‘ghét cái điện thoại của mẹ' gây bão mạng

TTO - Trong bài luận cô giáo giao về nhà làm, một học sinh lớp 2 bày tỏ ‘Em ghét cái điện thoại của mẹ và ước gì không có nó’. Chia sẻ của em đang được lan truyền rất nhanh trên mạng.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,409,538       1/1,037