Sống khỏe

Cuộc sống ở Triều Tiên qua truyện kể của sinh viên Mỹ

TTO - Sinh viên Mỹ đầu tiên học tập ở Triều Tiên chia sẻ cuộc sống ở "vương quốc ẩn sĩ" rất cơ bản và mọi thứ đều được đưa vào khuôn phép.

Cuộc sống ở Triều Tiên qua truyện kể của sinh viên Mỹ - Ảnh 1.

Jeppesen chụp ảnh kỷ niệm trong thời gian theo học ngôn ngữ tại Triều Tiên - Ảnh: TRAVIS JEPPESEN

Mùa hè năm 2016, Travis Jeppesen trở thành người Mỹ đầu tiên du học tại một trường đại học của Triều Tiên. Đó cũng là lúc nhiều thứ từ bất ngờ này đến bất ngờ khác hiện ra trước mắt anh.

Ấn tượng đầu tiên

Tại một vườn bách thú ở thủ đô Bình Nhưỡng, Jeppesen nhìn thấy nhiều chó và mèo giống địa phương bị nhốt trong lồng, thu hút khách tham quan y hệt các loài động vật hoang dã.

Đột ngột, Jeppesen bị cắt ngang bởi một cảnh tượng mà cậu không thể tin vào mắt mình. Một bà cụ bán kem và kẹo bên ngoài cổng sở thú bị hai cảnh sát đuổi đi bằng bạo lực. Họ nhấc bổng bà cụ sang chỗ khác. Jeppesen nhìn theo cho đến khi biến khỏi tầm mắt.

Cuộc sống ở Triều Tiên qua truyện kể của sinh viên Mỹ - Ảnh 2.

Bìa quyển sách "Hẹn gặp lại bạn ở Bình Nhưỡng: Chuyến hành trình tới Triều Tiên của Kim Jong Un" của tác giả Jeppesen được xuất bản bởi Nxb Hachette Books - Ảnh: TWITTER

Đó là những gì mà sinh viên người Mỹ này kể lại trong quyển sách vừa mới xuất bản của anh, có tựa đề: "Hẹn gặp lại bạn ở Bình Nhưỡng: Chuyến hành trình tới Triều Tiên của Kim Jong Un".

Jeppesen - một sinh viên và tác giả người Mỹ đến từ thành phố Charlotte thuộc bang Bắc Carolina, đã đến Triều Tiên 3 lần trước đó trong các chuyến thăm ngắn ngày. Tuy nhiên, chuyến đi lần này, được sắp xếp bởi công ty Tongil Tours (Úc), đã cho phép Jeppesen học tiếng Triều Tiên tại một môi trường đúng nghĩa trong khoảng thời gian một tháng.

Đã 36 tuổi với một tấm bằng cử nhân từ trường The New School (Mỹ) và bằng tiến sĩ về Viết phản biện, Jeppesen có cơ hội theo học tại Đại học Sư phạm Kim Hyong Jik - ngôi trường được đặt theo tên cha của cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành).

Trong suốt thời gian học tại đây, Jeppesen ở tại khách sạn Sosan, thủ đô Bình Nhưỡng. "Khách sạn tọa lạc trên một chỗ dốc nhìn qua một sân bóng và các tòa nhà xung quanh dùng để dạy taekwondo và tập thể dục" - Jeppesen nhớ lại.

Anh cho biết tiền sảnh của khách sạn "nguy nga" và "trống vắng". Jeppesen và hai người nước ngoài khác là các vị khách hiếm hoi ở tầng 28 trong số 30 tầng của khách sạn. Hai người nước ngoài này, gồm một người Pháp và một người Úc đứng đầu Tongil Tours, ở chung một căn phòng nằm đối diện với phòng của Jeppesen.

"Phòng của tôi có hai giường cỡ lớn mới toanh cùng các món đồ trang trí lấp lánh do Trung Quốc chế tạo, một tủ để đồ lớn, một ban công nhìn qua thành phố, và một chiếc máy điều hòa" - Jeppesen viết. Khách sạn cũng phục vụ buffet sáng với các món Tây và món Trung Quốc.

Jeppesen lên lớp 2 tiếng mỗi sáng, từ thứ Hai đến thứ Sáu, còn "các buổi trưa và cuối tuần thì dành cho việc làm bài tập và tham quan".

Mỗi du khách nước ngoài sẽ có hai "hướng dẫn viên" có nhiệm vụ đi theo và giám sát mỗi khi họ xuất hiện ở nơi công cộng. Đi theo Jeppesen là một cô gái 26 tuổi tên Min và một người đàn ông lớn tuổi hơn tên Roe.

Cuộc sống ở Triều Tiên qua truyện kể của sinh viên Mỹ - Ảnh 3.

Khách sạn Sosan ở thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: REUTERS

Một thế giới rất "cơ bản"

Vào buổi sáng đầu tiên, Jeppesen nghe thấy một âm thanh kỳ lạ bên ngoài phòng anh lúc 5 giờ. Và những ngày sau đó cũng như vậy.

Hóa ra cả thành phố đều được đánh thức bởi một bài hát có tên: "Ngài ở đâu hỡi Tướng kính mến?". Bài hát để tỏ lòng biết ơn với lãnh tụ Kim Il Sung được phát qua loa phát thanh trên khắp thủ đô Bình Nhưỡng.

"Bài hát mang nỗi buồn sâu thẳm và kỳ lạ vô cùng. Đó là một trong những thứ để gợi nhắc bạn rằng ‘Lãnh tụ kính mến’ luôn ở bên bạn dù bạn ở phương trời nào và bất cứ lúc nào" – Jeppesen kể lại.

Thứ mà người dân Triều Tiên thiếu thốn chính là điện. Trường đại học danh giá mà Jeppesen theo học ngôn ngữ cũng thường xuyên không có điện.

"Tiền sảnh tối thui. Không có hệ thống ống nước thật sự trong các phòng tắm. Cũng dễ hiểu vì đây là một nước nghèo của thế giới thứ ba. Mọi thứ đều rất cơ bản" - sinh viên người Mỹ tường thuật.

Một thứ khác mà anh để ý thấy là mỗi hộ gia đình đều có một người giám sát đến dò xét. Người này được gọi là inminbanjang, thường là một phụ nữ lớn tuổi hoặc trung niên. Trách nhiệm của inminbanjang là biết mọi thứ về người dân và sau đó báo cáo lên chính phủ.

Thậm chí một inminbanjang giỏi sẽ biết chính xác có bao nhiêu cái thìa và bao nhiêu đôi đũa trong nhà bếp của mỗi gia đình. "Nhiệm vụ của bà ấy là ‘tăng cường tinh thần cảnh giác cách mạng’ y như các áp phích tuyên truyền ghi" - Jeppesen viết.

Trong khi hầu như mọi công dân Triều Tiên đều mặc các loại đồng phục cho đến ngày nay, thì hiện cũng có một chút cảm giác tự do ăn mặc hơn. Nam giới Triều Tiên giờ cũng nhiều người mặc "áo ngắn tay với đủ loại màu sắc và thiết kế".

Jeppeson nhận thấy nuôi thú cưng không phổ biến ở Triều Tiên như ở nhiều nước hiện nay. "Nuôi thú cưng chưa bao giờ là một phần của nền văn hóa. Việc bạn phải cho thú cưng ăn trong khi chính bạn không có đủ miếng ăn là một sự xa xỉ" - công dân Mỹ kể lại.

Cuộc sống ở Triều Tiên qua truyện kể của sinh viên Mỹ - Ảnh 4.

Cảnh đường phố Bình Nhưỡng vào một ngày tháng 5-2016 - Ảnh: REUTERS

Người Triều Tiên thường tiếp cận với các sản phẩm văn hóa nước ngoài thông qua đĩa, USB lậu. Một số người còn hiểu biết về thế giới bên ngoài nhiều hơn những gì mà hầu hết mọi người nghi ngờ, Jeppesen viết.

Sống ở Triều Tiên, Jeppesen đối diện với rất nhiều áp lực, từ việc bị giám sát chặt chẽ khi ra ngoài cho đến bị hạn chế trong việc gọi điện cho người thân.

"Những lúc tôi ở một mình và không ai giám sát tôi, tôi cảm thấy rùng mình vì tôi đã quen với việc bị giám sát. Thậm chí khi không bị giám sát, mọi người cũng nhìn chằm chằm vào tôi vì tôi là một người da trắng và họ không quen với việc thấy người nước ngoài ở Triều Tiên" - Jeppesen cho biết.

Jeppesen nói rằng anh có thể mua một thẻ SIM dành cho người nước ngoài tại Triều Tiên để truy cập Internet. Tuy nhiên, anh đã không sử dụng vì anh "không muốn tài khoản e-mail cá nhân bị theo dõi".

Anh cho biết trường hợp Otto Warmbier - sinh viên 22 tuổi đến từ Đại học Virginia bị bắt vào tháng 1-2016 vì lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền của Triều Tiên, cũng không khiến anh lo sợ.

Cuộc sống ở Triều Tiên qua truyện kể của sinh viên Mỹ - Ảnh 5.

Một góc bên trong hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới của Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: CNN

"Tôi đã nhận thức rõ về các quy định mà một người nào đó phải tuân theo khi đi du lịch tại CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, tôi vốn chuẩn bị tâm lý về những nguy cơ và cái mình có được khi đến đây" - Jeppesen chia sẻ.

Sau khi hoàn thành chương trình học tiếng Triều Tiên sơ cấp và được cấp bằng, Jeppesen đã rời khỏi Bình Nhưỡng. Anh đã quay lại Triều Tiên trong hai tuần để tham gia các lớp học thêm vào mùa xuân 2017. Anh dự định sẽ tiếp tục đến Triều Tiên vào tháng 9 năm nay để dẫn một tour du lịch giới thiệu về nghệ thuật và kiến trúc cho Tongil Tours.

Tranh cổ động Triều Tiên: mỏ vàng hàng triệu đô-la Tranh cổ động Triều Tiên: mỏ vàng hàng triệu đô-la

TTO - Nhiều nhà sưu tập thế giới 'chết mê chết mệt' với Triều Tiên cũng là vì các bức tranh cổ động đa màu sắc. Đó vừa là nghệ thuật, vừa là một bảo bối giúp quốc gia này thu về hàng chục triệu USD.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,250,550       1/1,181