TTO - Đêm nhạc Ứng dụng âm nhạc trị liệu vào đời sống của nhạc sĩ Miên Đức Thắng ngày 2-6 tại Sài Gòn như một buổi tâm tình, chia sẻ của ông cùng bạn bè trí thức, cựu học sinh Hàm Nghi, Huế.
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng trong đêm chia sẻ về âm nhạc trị liệu, về những đau đớn thể xác, tinh thần người đời thường gặp - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG
Trong chương trình, Miên Đức Thắng nêu thực trạng cuộc sống con người ta còn nhiều tham vọng, sân hận… Và tiền là căn nguyên của những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Bởi thế, ông biên dòng thơ Tiền là động vật có vú: "Thời gian như dòng sông / Chẳng lạ là dòng đời / Đồng tiền cũng có vú / Như động vật sinh sôi/ Em - anh - cùng tiền trôi / Muộn phiền cũng từ đó / Bất hạnh cũng từ đây / Thành lịch sử đồng tiền / Thành lịch sử con người / Tiền - động vật có vú / Anh ơi!".
Sau mỗi phần thuyết giảng, khán giả lão thành được dịp hòa ca vỗ tay theo phần trình diễn các tác phẩm âm nhạc trị liệu của Miên Đức Thắng như Mai kia lòng độ lượng, Lạ lùng, Khất thực nụ cười…
Hỏi một năm qua nhạc sĩ Miên Đức Thắng hoạt động nghệ thuật thế nào, ông vui vẻ "khoe" đã sáng tác hơn 20 ca khúc trị liệu để áp dụng cho người tập yoga, thiền. "Sáng tác đã có, nhưng tôi cùng bạn bè đang biên tập lời ca, giai điệu, hòa thanh, tiết tấu cho phù hợp với bộ môn yoga, thiền. Tôi hi vọng đây là liệu pháp an thần cho mọi người".
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng còn vẽ tranh, vẽ gốm, làm thơ. Nói đến đây, ông không giấu được xúc động khi cho biết sắp tới sẽ ra mắt tập thơ có tên Hầu hạ hư không gồm 47 bài thơ mới toanh được ông sáng tác trong năm qua. "Một ngày tôi đi qua trăm tuổi / Giới hạn vô biên cũng thế thôi / Trôi lăn trong cuộc đời viễn mộng / Vũ khúc tâm thân đã rã rời" - bài thơ Một ngày được Miên Đức Thắng "bật mí" riêng cho độc giả Tuổi Trẻ.
Hơn ba tiếng đồng hồ cho buổi văn nghệ hàn huyên của nghệ sĩ và khán giả luống tuổi trôi qua, nhạc sĩ Miên Đức Thắng bắt tay chào khách ra về. Một ông lão vận quần âu, áo sơmi trắng đóng thùng lịch thiệp che dù cho bà xã, tay còn cầm nhành hoa hồng nhạc sĩ Thắng tặng kèm cái ôm thân tình, dẫu ngoài kia trời vẫn mưa…
Cần định bệnh khi trị liệu bằng âm nhạc
Có mặt tại đêm nhạc, nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Hải Đăng đã giới thiệu một số loại hình âm nhạc có thể áp dụng trị liệu như ca trù, hò, lý, hát lễ... Tuy nhiên, anh cho hay âm nhạc trị liệu khác âm nhạc thưởng thức ở chỗ: "Nhạc thưởng thức ai nghe cũng được, nhưng âm nhạc trị liệu phải xác định được bệnh tình, mục đích, phương pháp trị liệu của mỗi người mới áp dụng cho phù hợp".
Nhạc sĩ Hải Đăng cho rằng đời sống âm nhạc trị liệu còn manh mún, đang tự phát. Điều cần thiết để "phủ sóng" âm nhạc trị liệu là nâng cao nhận thức, tư tưởng của người làm quản lý văn hóa, cần cái bắt tay chặt chẽ giữa y học và nghệ thuật.