TTO - Tôi - phóng viên Huy Đăng của Tuổi Trẻ - là một trong ba phóng viên báo viết ở Việt Nam được FIFA cấp thẻ tác nghiệp chính thức tại World Cup 2018.
Phóng viên Huy Đăng của báo Tuổi Trẻ trước sảnh sân vận động Luzhniki - nơi diễn ra trận khai mạc và chung kết World Cup 2018 sáng 5-6
Sáng 5-6 (giờ Nga), tôi chính thức nhận được tấm thẻ tác nghiệp World Cup cùng khoảng 200 phóng viên bản địa sau hơn 1 giờ dầm mưa xếp hàng ở sân vận động Luzhniki - địa điểm diễn ra trận khai mạc và chung kết của giải.
6 tháng trời đăng ký và chờ đợi, đến lúc này mới có thể yên tâm.
Ngoài thẻ tác nghiệp, các phóng viên còn được cấp một tấm thẻ sử dụng phương tiện giao thông công cộng (tàu điện ngầm, xe buýt...) miễn phí xuyên suốt mùa World Cup 2018.
Để có được 2 tấm thẻ này là cả một hành trình gian nan.
Hàng trăm phóng viên đội mưa sáng 5-6 chờ đợi trước trung tâm kích hoạt thẻ của FIFA - Ảnh: H.Đ.
32 tháng - đó là hành trình của vòng loại World Cup 2018 trên cả thảy 6 lục địa để chọn ra 32 đội bóng mạnh nhất hành tinh tham dự ngày hội bóng đá sôi động nhất. Và một hành trình khác - của những phóng viên theo chân các đội bóng đến Nga hè này cũng gian nan chẳng kém.
Cùng với Olympic, World Cup là một trong hai sự kiện thể thao thu hút đông đảo cánh phóng viên nhất thế giới. Nhưng hành trình sở hữu tấm thẻ thì còn gian nan hơn gấp bội. Bởi Olympic có 207 quốc gia tham dự, nhưng World Cup chỉ có 32.
Hàng ngàn phóng viên khắp thế giới háo hức chờ đợi đăng ký thẻ tác nghiệp World Cup, nhưng không phải muốn sớm là được. Đến tận tháng 1-2018, FIFA mới mở cửa cho các phóng viên đăng ký. Vì sao phải đợi lâu đến thế, vì FIFA phải chờ đến sau giai đoạn vòng loại để xác định đủ 32 cái tên.
Và hiển nhiên, phóng viên của 32 cường quốc bóng đá ấy cũng may mắn hơn so với những đồng nghiệp nước ngoài. Panama được dự World Cup, và giới truyền thông Panama cũng được cấp thẻ nhiều hơn.
Bàn làm việc kích hoạt thẻ của FIFA - Ảnh: H.Đ.
Là một quốc gia hoàn toàn đứng ngoài cuộc chơi, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 3 suất tác nghiệp dành cho báo viết, được FIFA cấp thông qua Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Và Tuổi Trẻ là một trong ba cơ quan truyền thông nhận được suất này.
Có code của VFF, phóng viên vẫn phải tự mình thực hiện 2 giai đoạn thủ tục để truy cập vào trang web chính thức của FIFA. Nhưng đó chỉ mới là xong phần đăng ký. Các phóng viên vẫn phải chờ đến tận cuối tháng 3 mới nhận được câu trả lời của FIFA. May mắn, tôi được duyệt. Thẻ sẽ nhận được tại các sân bóng tổ chức World Cup.
Nhưng mọi thứ vẫn chưa xong. Có thẻ của FIFA, có vé, và dẫu có là cơ quan truyền thông uy tín đi nữa cũng không có nghĩa sẽ được chính phủ Nga cấp visa. Trước thềm World Cup 2018, phóng viên lừng danh người Đức Hajo Seppelt của kênh truyền hình ARD đã bị Nga từ chối cấp visa.
Nhân viên hỗ trợ các phóng viên trong việc kích hoạt thẻ - Ảnh: H.Đ.
Nhưng với phần lớn phóng viên, có thẻ tác nghiệp của FIFA giúp họ thuận lợi hơn nhiều trong việc xin cấp visa. Tôi may mắn được Tổng lãnh sự Nga ở TP.HCM hỗ trợ rất nhiều nên chỉ 3 ngày sau khi nộp, tôi đã nhận được visa nhập cảnh Nga (bình thường phải chờ đến khoảng 2 tuần).
Và đến ngày 4-6, tôi chính thức đặt chân đến Moscow hoa lệ, trong bầu không khí rộn ràng của ngày hội bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh - trở thành 1 trong 3 phóng viên Việt Nam chính thức tác nghiệp cho mùa World Cup 2018.
Tấm thẻ tác nghiệp mùa World Cup và vé sử dụng phương tiện giao thông miễn phí dành cho phóng viên - Ảnh: H.Đ.