Sống khỏe

Siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua mạng?

TTO - Đây là một trong những quy định được Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị cần xem lại khi góp ý cho dự thảo xây dựng nghị định về phát triển và quản lý phân phối đang được Bộ Công thương lấy ý kiến.

Siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua mạng? - Ảnh 1.

Siêu thị đã trở thành một phần của cuộc sống đô thị ở Việt Nam - Ảnh: N.BÌNH

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết yêu cầu siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua điện thoại, qua Internet, bưu điện là không thực tế, do đó cần phải được loại bỏ. 

Theo bà Loan, không phải siêu thị nào cũng phải có dịch vụ này mà tùy thuộc vào cách kinh doanh của từng siêu thị.

Ngoài ra, các quy định tiêu chuẩn diện tích như siêu thị phải rộng từ 250m2 trở lên hay trung tâm thương mại phải rộng trên 10.000m2 cũng không đúng và giới hạn quy mô hoạt động của nhà bán lẻ. 

Theo hiệp hội, không nên quy định trần diện tích cho siêu thị, vì có trường hợp các siêu thị hiện tại lớn hơn 10.000m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào trung tâm thương mại thì sẽ được phân vào loại hình nào?

Bản góp ý cũng cho rằng thậm chí ngày cụm từ "trung tâm thương mại" cũng không còn phù hợp với thực tế, hiệp hội nhiều lần đề xuất sử dụng "trung tâm mua sắm" để thay thế.

Về các quy định khuyến mãi và quảng bá như các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá mỗi năm, mỗi đợt tối thiểu 30 ngày, các đợt giảm giá phải cách nhau ít nhất 30 ngày, trong đợt giảm giá ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị..., Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN cho rằng quy định này chưa hợp lý và nên để doanh nghiệp quyền tự quyết.

"Các điểm này cũng nên chờ theo nghị định mới về xúc tiến thương mại sắp được ban hành để đảm bảo tính thống nhất", bà Loan đề nghị.

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, kinh nghiệm của một số nước trong lĩnh vực điều chỉnh hoạt động lĩnh vực phân phối - bán lẻ cho thấy việc gom quá nhiều mục tiêu cũng như đối tượng vào một văn bản pháp luật như dự thảo này là thiếu tính khả thi và chưa hợp lý. Mục tiêu đề ra của dự thảo cũng quá rộng và thiết thuyết phục.

Trước đó, Phòng Công nghiệp & thương mại VN (VCCI) cũng đã có văn bản góp ý gửi đến Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương về dự thảo trên với cảnh báo một số quy định không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý trong dự thảo mới.

Theo VCCI, dù tập trung trên tinh thần điều chỉnh phát triển và quản lý chợ nhưng dự thảo này đã mở rộng phạm vi ra cả ngành phân phối trong đó các cửa hàng, trung tâm đấu giá hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng khiến cho các nội dung trong dự thảo khá lúng túng, thậm chí có dấu hiệu trái luật hiện hành.

Chẳng hạn dự thảo đề xuất siêu thị phải có diện tích trên 250m2 đến 10.000m2, trung tâm thương mại phải từ 10.000m2 trở lên, nếu không thì không được gọi là siêu thị, trung tâm thương mại, hay quy định thời gian mở cửa từ 10h sáng đến 10h tối... 

Các quy định này, theo VCCI là can thiệp quá mức vào thị trường đồng thời là trái Luật đầu tư do hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngay với cả đối tượng quản lý chính của dự thảo là chợ, với tính chất là một hình thức phân phối truyền thống, gắn với một bộ phận dân cư quan trọng, dự thảo cũng đưa ra các quy định cứng nhắc.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,405,352       4/951