TTO - Các đô thị lớn trên thế giới đều không tránh được nhà cao tầng san sát. VN vừa bắt đầu cao ốc hóa, nhưng một số nơi đã quá tải. Cần cấp bách chuẩn bị hạ tầng hay cấm?...
Nhiều chuyên gia cho rằng không thể cấm xây nhà cao tầng, mà cần tăng chuẩn bị hạ tầng để giảm tình trạng kẹt xe, quá tải ở đô thị - Ảnh: L.HOÀI
Đó là nội dung quan trọng được đưa ra bàn ở hội thảo quốc tế "Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn...", do Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN tổ chức ngày 5-6.
Cao ốc chằng chịt lại quên kết nối dự án
Theo KTS Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, tại các đô thị lớn trên thế giới và cả VN, xây dựng nhà cao tầng là giải pháp quan trọng trong quy luật phát triển đô thị. Điều này dễ dàng nhận thấy ở Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, Tokyo, New York...
"Quỹ đất ngày một ít đi, trong khi nhu cầu nhà ở cấp thiết. Nếu cấm xây cao tầng, nhiều nơi sẽ lụp xụp mãi" - ông Chính nhận định và cho rằng nhà cao tầng vốn mang tiếng là "tội đồ" gây ra ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng nhưng điều đó cần phải được... "giải oan".
Tuy nhiên, ông Chính nhấn mạnh trước khi cho phép triển khai dự án, cơ quan quản lý phải yêu cầu nhà đầu tư thuyết minh và chứng minh được việc kết nối dự án đó với giao thông công cộng. Phải nêu được các giải pháp để chống ùn tắc, quá tải lên hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.
Theo ông Chính, khi xây dựng nhà cao tầng ở nội ô, kể cả ngoại ô... bên cạnh các tuyến buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, metro ngầm, các nút giao thông... cần phải tính đến các công trình, lối đi ngầm, nổi, trên cao để liên kết giao thông nhà cao tầng với hệ thống giao thông đô thị hiện có. "Việc này buộc phải được làm khoa học, thực chất" - ông Chính nói.
Đồng quan điểm, ông Christoph Panfil - phó chủ tịch Công ty WATG (Singapore) - cho biết nhà cao tầng không phải là vấn đề gây ra ách tắc giao thông, vấn đề là VN cần phải quy hoạch hạ tầng để giải quyết các điểm nghẽn của mật độ.
Nếu không, dù là tòa nhà cao tầng hay các tòa nhà có chiều cao trung bình, thấp tầng đều có thể là nguyên nhân gây nên ách tắc. Do đó theo ông, vấn đề cần thiết là VN cần tích hợp các tòa nhà cao tầng vào một quy hoạch tổng thể của thành phố, chứ bản thân việc xây nhà cao tầng không chỉ đơn thuần là làm một tòa tháp ở giữa một khu đất.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) - đưa ví dụ tại Hà Nội, trước đây đi dọc trục đường Lê Văn Lương (nối quận Thanh Xuân, Đống Đa với lối thoát ra quận Hà Đông) rất thông thoáng, tuy nhiên hiện nay đã rất chật chội. Hay ở trục đường Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng cao ốc xây chằng chịt nhưng đường nhỏ hẹp, vỉa hè không có, không ai tính tới việc mở rộng đường đi.
"Thủ phạm", theo ông Tiến, chính là việc "quên" tính toán việc kết nối không gian bên trong dự án với không gian bên ngoài dự án, không gian từ dự án thoát ra các hướng khác.
Ảnh: NVCC
Sẽ báo cáo Thủ tướng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Chính cho hay do tính chất quan trọng của chủ đề hội thảo, hội đã báo cáo và được sự chấp thuận của Thủ tướng để tổ chức.
"Sau hội thảo, toàn bộ ý kiến và tham luận của các chuyên gia trong nước và nước ngoài đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc) sẽ được tập hợp để tiếp tục báo cáo Thủ tướng" - ông Chính thông tin.
Tính toán hài hòa mật độ xây dựng, dân số
Với kinh nghiệm tư vấn cho các dự án ở ngoài nước, chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Công ty tư vấn CPG Consultants (Singapore), khẳng định việc xây dựng nhà cao tầng là một hình thức tăng hiệu quả sử dụng đất đai; là quy luật, nhu cầu của thị trường không thể đi ngược lại. Dù Singapore có nhiều nhà cao tầng nhưng theo ông Dũng, nhiều tuyến đường nội ô của họ được chạy tốc độ cao, trong khi tại Hà Nội hầu hết đều phải chạy... tốc độ "rùa bò".
Ông Dũng cho rằng việc quá tải hạ tầng ở Hà Nội, TP.HCM ngoài năng lực giao thông kém, phần lớn còn do bài toán thiết kế, vận hành. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần xoáy sâu vào các yếu tố về mật độ bởi giải pháp thiết kế chưa tối ưu nên gây ùn tắc: các dự án cần phải tính toán hài hòa mật độ dân số, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất.
Nêu ví dụ cảnh tắc nghẽn trước các cổng trường học mỗi giờ tan tầm, ông Dũng khẳng định các dự án cao tầng cũng cùng chung đặc thù. "Vấn đề xây nhà cao tầng là bắt buộc giống như xây trường học, không thể vì tắc ở cổng trường mà dời trường đi hay không xây trường. Nhưng có ùn tắc, quá tải hay không là phụ thuộc vào thiết kế dự án đó, ngôi trường đó, điều tiết việc ra vào ra sao, các lối mở để thoát, khu vực dừng đỗ, đưa đón..." - ông Dũng ví von.
TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh (Viện Nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn - IPU) cho rằng trên thực tế, khá nhiều dự án nhà cao tầng phát triển dựa vào hạ tầng đô thị có sẵn hoặc chỉ đầu tư hạ tầng cho các khu vực nội bộ, mà không đầu tư cho tuyến giao thông đô thị hoặc tuyến giao thông kết nối.
Do đó để tránh gây chất tải làm quá tải hạ tầng, trước khi lập dự án cao tầng cần đánh giá kỹ hạ tầng khu vực lân cận. "Từ đó tiến hành cấp phép xây dựng dựa trên năng lực hệ thống giao thông hiện có, hoặc các cam kết tăng khả năng giao thông" - TS Minh đề xuất.
Tăng diện tích làm đường, trồng cây
Ông Nguyễn Đỗ Dũng tính toán 1ha đất nếu quy hoạch thấp tầng, xây 100% diện tích đất chỉ chứa được 400 người. Ngược lại, nếu 1ha đó chỉ cần dành 10% đất xây một cao ốc 25 cao tầng sẽ có sức chứa tương đương. Như vậy, 90% đất đai còn lại có thể được dùng để mở rộng đường, xây công viên, trồng cây xanh...
Theo KTS Trần Ngọc Chính, phải giám sát được mật độ, trong đó cho phép tăng mật độ dân số (theo tỉ lệ nhất định), tăng chiều cao công trình nhưng phải đảm bảo mật độ xây dựng, theo hướng càng giảm càng tốt. Việc này nhằm để dành diện tích đất cho trồng cây xanh, xây công viên, công trình phục vụ cộng đồng, không gian tổ chức giao thông...