Sống khỏe

Nuôi tôm công nghệ cao: dễ mà khó

TTO - Bạc Liêu đang trên đường xây dựng “thủ phủ” tôm, trong đó đặc biệt với sự phát triển mạnh mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Điểm đáng chú ý là mô hình này giúp kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi, thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước; hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí lại hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải đang dần hình thành.

Nuôi tôm công nghệ cao:  dễ mà khó - Ảnh 1.

Khu vực đang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và đang được quy hoạch là khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích hơn 400ha của tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

“Điều mà Bạc Liêu hướng tới là không phải ra văn bản để phạt những ai xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, mà phải làm cho người nông dân tự giác việc gìn giữ môi trường nuôi, bởi thải ra là “tự mình giết mình” (do chế độ bán nhật triều nên nước thải sẽ không bị đẩy ra xa khỏi khu vực được thải ra)

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Nuôi là… trúng

Có thể "minh chứng" về đánh giá này từ một số thành công như mô hình của Công ty TNHH một thành viên Long Mạnh với tổng diện tích 6ha, quá trình nuôi không thay nước trong giai đoạn tôm dưới 1,5 tháng tuổi, lượng chất thải từ tôm được tách lọc lại ao chứa, chất cặn bã sử dụng làm biogas, nước sau khi lắng cặn được qua hệ thống ao lắng xử lý và tái sử dụng. Với công nghệ và cách nuôi này, công ty đã thu được năng suất bình quân 150-180 tấn/ha, lãi trung bình 59.000 đồng/kg.

Nuôi tôm công nghệ cao:  dễ mà khó - Ảnh 3.

Nuôi công nghệ cao năng suất tăng gấp 10

Tại hội nghị về các giải pháp phát triển bền vững ngành tôm vừa được tổ chức ngày 3 - 6 tại Bạc Liêu, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định việc áp dụng công nghệ trong sản xuất siêu thâm canh đã làm sản lượng tôm tăng gấp 10 lần so với nuôi thâm canh trước đây. Chính sức hấp dẫn của mô hình này mà tại Cà Mau, cuối năm 2017 diện tích nuôi siêu thâm canh chỉ khoảng 900ha thì đến nay đã "nở" tới 1.700ha. Ông Sử tính toán nếu diện tích nuôi tôm tăng 1.000ha, nhưng áp dụng công nghệ nuôi siêu thâm canh thì thực tế diện tích tăng tương đương 10.000ha nuôi thâm canh. Nếu cộng các địa phương cả nước thì sản lượng rất "khủng". Đây là vấn đề cần cập nhật vào để xem xét trong quan hệ cung - cầu để đưa ra nhận định, khuyến cáo về giá tôm được chính xác. Tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cũng cho biết tỉnh này cũng manh nha các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 220ha.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đến nay toàn tỉnh đã có:

- 6 doanh nghiệp và hơn 155 hộ dân đã, đang thực hiện mô hình nuôi công nghệ cao

- Tổng diện tích 1.384ha

Qua 2 - 3 vụ nuôi vừa qua, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho kết quả khả quan:

- Tôm nuôi hầu như ít bệnh

- Tỉ lệ thành công cao (từ 85-90%)

- Năng suất giữa các mô hình dao động khoảng 25 tấn/ha/năm

Trong khi đó, ở quy mô nông hộ, phong trào nuôi tôm công nghệ cao cũng phát triển mạnh mẽ từ năm 2017 với sự tham gia của các doanh nghiệp, đa phần hộ nông dân đều thành công và năng suất đạt rất cao. Điển hình như ông Đặng Văn Hường (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) nuôi 1.400m2 thu được 6 tấn tôm (mô hình của Công ty C.P), ông Tạ Hoàng Nhiệm (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) nuôi tổng cộng 500m2 thu mỗi năm 3 đợt với tổng sản lượng là 30 tấn tôm…

Nuôi tôm công nghệ cao:  dễ mà khó - Ảnh 6.

Nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nhưng nuôi… không dễ

Nuôi thì trúng, nhưng để nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao không phải dễ. Lý do là mô hình này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, nên đa số những hộ đã nuôi ở Bạc Liêu thời gian qua chủ yếu là những hộ có tiềm lực sẵn có, không phải vay vốn.

Ông Đặng Văn Ngọc (Hợp tác xã 30 Tháng 4, huyện Hòa Bình), cho biết ngoài vấn đề vốn, bà con nuôi tôm theo mô hình này sợ nhất là… cúp điện và luôn lo lắng đầu ra. Bản thân ông muốn có điện 3 pha nuôi tôm phải xài ké và kéo 500m vào khu vực nuôi. Nhưng mỗi khi cúp điện thì nông dân phải chạy máy bằng dầu rất tốn kém (khoảng 2 - 3 triệu đồng cho 2 ao nếu bị cúp điện 1 ngày). Điều đáng lo khác chính là câu chuyện đầu ra, bởi nuôi theo công nghệ cao vốn đầu tư rất lớn mà đầu ra không ổn định hoặc không có giá thì nông dân sẽ không có lời.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh còn hạn chế và chưa có chính sách hỗ trợ giá điện. Hiện 100% hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đều phải mua sắm máy phát điện dự phòng dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Còn về đầu ra, sở này nhận định giá các yếu tố đầu vào luôn biến động theo chiều hướng tăng, trong khi giá sản phẩm đầu ra không ổn định và có chiều hướng giảm bất thường, tạo tâm lý lo lắng cho người nuôi.

Nuôi tôm công nghệ cao:  dễ mà khó - Ảnh 7.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng việc lo lắng nhất hiện nay trong vấn đề nuôi tôm công nghệ cao là nước thải, bởi nếu không kiểm soát được môi trường nước thì thời gian không xa nữa sẽ trở về thời kỳ tôm chết của mô hình nuôi quảng canh mà trước đây tỉnh gặp phải.

Lý do là nuôi theo mô hình siêu thâm canh thì việc sử dụng nguồn nước, lượng thức ăn rất lớn, môi trường sẽ bị quá tải. Trước thực tế này, ông Trung yêu cầu làm sao công nghệ xử lý nước (như trường hợp của Công ty Long Mạnh nêu trên) có thể đến được với từng nông hộ chứ không chỉ loanh quanh ở những "ông lớn" trong ngành tôm.

Về câu chuyện giá cả và đầu ra, ông Trung khẳng định nếu tiếp tục làm ăn nhỏ lẻ, manh mún thì sẽ tiếp tục với vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá". Vì vậy, vai trò của chính quyền là sẽ "nắm tay doanh nghiệp đến với người nuôi" bởi một bên cần vùng nguyên liệu, vùng sản xuất ổn định, một bên cần giá bán tốt. Ông Trung cho biết, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị riêng để gặp gỡ doanh nghiệp xoay quanh vấn đề này.

Về vấn đề vốn nuôi tôm, ông Trung nhận định đúng là các ngân hàng còn cân nhắc, e dè cho bà con vay. Vì vậy, ngân hàng cần mạnh mẽ hơn nữa, bởi việc cho người dân vay cũng là cứu ngân hàng (vì hầu như hộ nuôi nào cũng đang nợ ngân hàng).

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,235,880       2/834