Sống khỏe

'Tôi sẽ thành bạn của trẻ đặc biệt'

TTO - Cô gái tuổi 18, có cha Nhật, mẹ Việt vừa giành suất học bổng 75.000 đôla Úc sau cuộc thi “Thực hiện ước mơ”, thuyết phục người xem vì việc lựa chọn nghề nghiệp có lòng trắc ẩn và nhân văn.

Tôi sẽ thành bạn của trẻ đặc biệt - Ảnh 1.

Yamashita Hồng Ân (bìa trái) chơi và học với trẻ tự kỷ để hiểu thêm, làm quen với môi trường nghề nghiệp tương lai - Ảnh: Q.L.

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, Yamashita Hồng Ân (Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM), người giành chiến thắng, kể càng tìm hiểu bạn càng thấy thế giới của trẻ tự kỷ còn rất nhiều điều cần làm. Bạn xác định sẽ trở thành chuyên gia giáo dục trẻ đặc biệt để có thể góp một tay cho thế giới ấy.

Với tôi, có thể giúp cho bất kỳ bạn trẻ tự kỷ nào tìm ra thế mạnh bản thân, phát huy thành điểm mạnh trong cuộc sống thì đó cũng là thành công của chính tôi

YAMASHITA HỒNG ÂN

* Từ khi nào bạn trở nên thân thiết và gắn bó với những bạn trẻ tự kỷ?

- Trước đây, tôi biết rất ít thông tin về người tự kỷ. Tôi từng nghĩ đó là bệnh mãi cho đến khi tìm hiểu kỹ mới biết rằng ấy là hội chứng bẩm sinh của những người bị rối loạn hệ thần kinh. Tôi nhớ lại và biết rằng mình từng tiếp xúc với những người như thế khá nhiều nhưng lúc gặp còn nghĩ sao họ không thèm nói gì với mình, hổng lẽ mình nói chuyện vô duyên quá!

Chuyến đi tình nguyện đưa tôi đến với các em nhỏ tự kỷ tại một bệnh viện. Trong hai tháng tham gia dự án tình nguyện này giúp tôi vỡ ra nhiều điều. 

Càng tiếp xúc, tôi càng nhận ra rằng nhiều bạn tự kỷ có khả năng đặc biệt. Có bạn giỏi học toán, bạn giỏi logic, có bạn lại vẽ rất đẹp. Và trong tôi hình thành suy nghĩ trở thành chuyên gia giáo dục làm việc với trẻ đặc biệt, nhất là với các bạn tự kỷ.

* Gia đình nói gì trước lựa chọn nghề nghiệp tương lai của bạn?

- Tôi vốn nhút nhát nhưng may mắn luôn được tự chọn, tự quyết trong học hành, công việc tương lai và ba mẹ thường chỉ giúp thêm thông tin, tư vấn chứ hoàn toàn tin vào quyết định của tôi. Khi tôi tham gia cuộc thi "Thực hiện ước mơ" cũng vậy, ba mẹ rất ủng hộ, luôn ở bên động viên nhưng thi thế nào tôi tự lo hết.

Cuộc thi đã cho tôi lời khẳng định chắc chắn hơn với chọn lựa nghề nghiệp của mình. Tôi thật sự muốn giúp gì đó để tự bản thân những bạn tự kỷ thể hiện khả năng vượt trội của họ, giúp các bạn ấy có thể ngày càng tự lập để hòa nhập tốt hơn, có giao tiếp xã hội tốt hơn, khả năng ngôn ngữ cũng cải thiện hơn để các sinh hoạt thường ngày bớt vất vả hơn.

* Bạn đã chọn du học, Nhật Bản nhưng xem chừng suất học bổng có làm "đảo lộn" mọi thứ?

- Cũng chưa đến mức đảo lộn, có chăng chỉ là hơi hoang mang chút thôi (cười). Tôi thích văn hóa phương Đông và chọn du học Nhật Bản, một phần cũng vì đó là quê nội của tôi. Tôi đã chọn được trường có chuyên ngành giáo dục trẻ đặc biệt luôn rồi nhưng đúng là sau cuộc thi phải thay đổi. 

Tôi đang trong thời gian hoàn thiện khả năng tiếng Anh và chờ nhận lời mời từ ĐH ở Úc, ngôi trường trao suất học bổng cho người chiến thắng.

Tìm hiểu qua các ngành học của trường, có lẽ tôi sẽ chọn một chuyên ngành về khoa học xã hội nhân văn hoặc tâm lý vì trường không có chuyên ngành giáo dục trẻ đặc biệt. Ba mẹ tôi có chút lo lắng vì họ không có nhiều thông tin về chuyện học tại Úc. 

Nhưng không sao cả, tôi vốn thích nghi tốt. Chỉ cần học để trở thành một chuyên gia giáo dục, mà giáo dục trẻ đặc biệt là một mảng trong đó, và tôi sẽ làm được.

Được truyền cảm hứng

Yamashita Hồng Ân kể Susan Boyle là nhân vật mà khi tìm hiểu về thế giới của người tự kỷ đã truyền cho bạn nhiều cảm hứng. Là hiện tượng của thế giới khi tham gia một cuộc thi âm nhạc tại Anh, Susan Boyle đã từng mắc chứng tự kỷ, kém giao tiếp nhưng chính giọng hát trời cho đã giúp cô ấy hòa nhập tốt hơn và trở nên nổi tiếng.

Một người khác giúp Ân tự tin với chọn lựa của mình là Satoshi Tajiri, cha đẻ của nhiều trò chơi điện tử tại Nhật, nổi tiếng với nhân vật Pokémon, trở thành cảm hứng không chỉ cho nước Nhật. Ông bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ nhưng là người có óc sáng tạo, lập dị và ẩn dật.

"Tôi được truyền cảm hứng từ những tấm gương như thế. Tôi thích làm việc trong môi trường sáng tạo và có trẻ em. Tiếp xúc nhiều với trẻ tự kỷ, tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể giúp các bạn ấy phát huy được thế mạnh, thể hiện khả năng qua môi trường giáo dục" - Hồng Ân chia sẻ.

Ông chủ trẻ đứng lên từ lầm lỗi Ông chủ trẻ đứng lên từ lầm lỗi

TTO - 29 tuổi, Trần Tuấn Hải (thôn Khương Hà 5, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) mở mô hình du lịch Ồ Ồ Lake Silence, kết hợp ăn uống và đưa du khách đến Phong Nha, trở thành một điểm đến thú vị.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,364,845       1/259