Sống khỏe

Đời sống văn hóa: Để hồn nhiên ở lại...

TTO - Mở các lớp vẽ miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; sử dụng tranh của trẻ em khuyết tật, tự kỷ đưa vào sản phẩm bán ra thị trường và trả tác quyền cho các em; mở ngân hàng tranh trực tuyến giới thiệu và bán tranh miễn phí cho trẻ em...

Đời sống văn hóa: Để hồn nhiên ở lại... - Ảnh 1.

Một buổi dạy vẽ miễn phí của Tòhe tại Trung tâm Phúc Tuệ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Đó là những gì mà Tòhe đã làm hơn 10 năm qua. Với Tòhe, những hoạt động đó không phải là làm từ thiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mà chính là góp phần lan tỏa tới cộng đồng tinh thần sống hồn nhiên, hạnh phúc như những đứa trẻ.

Lớp học đặc biệt

Một buổi chiều mùa hè Hà Nội bỏng rát, căn phòng chỉ chừng 10m2 của Trung tâm dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ Phúc Tuệ rộn rã tiếng cười nói, những trò nghịch ngợm, say mê cùng với màu nước và bút lông của những đứa trẻ. Năm cô giáo mà các em gọi là chị đang chăm chú với công việc của mình. Đây là một trong những lớp dạy vẽ miễn phí dành cho trẻ em thiệt thòi mà Tòhe thực hiện hằng tuần tại hàng chục trung tâm giáo dục, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, tự kỷ trên cả nước suốt 12 năm qua.

Bốn tình nguyện viên và một nhân viên của Tòhe không chỉ dạy vẽ mà còn tổ chức cho các em chơi trò chơi, lau màu bị nhòe cho bạn này, xắn tay áo giúp bạn kia, khích lệ bạn nọ và dỗ dành một bạn hiếu động khác... Những đứa trẻ tìm mọi cách thu hút sự chú ý của các chị, các cô khiến lớp học nhiều lúc như đàn ong vỡ tổ. 

Lớp học kết thúc, khi các bạn nhỏ vui vẻ ra về với thành quả là những bức tranh, Nguyễn Thị Mộng Thu - nhân viên của Tòhe - ghi vào sổ: "Thành hôm nay vẽ đẹp. Bách, Thế mất kiểm soát hơn, ồn ào hơn. Dạo này Phương Linh trầm hơn. Phạm Ngọc ít trò chuyện riêng, tập trung hơn vào bài học...". 

Gắn bó với công việc này một năm qua, Thu bảo niềm vui lớn nhất của cô sau mỗi buổi dạy vẽ là được ghi vào sổ tổng kết hôm nay bạn này vẽ đẹp, bạn kia vui vẻ, bạn nọ ít thở dài hơn.

Các lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ là một trong bốn mảng hoạt động của Tòhe, gọi là Tòhe Fun. 

Ngoài ra, Tòhe còn có Tòhe Play - tổ chức các chương trình nghệ thuật, triển lãm có thu phí dành cho trẻ em thành phố; Tòhe Style - thiết kế, in ấn, sản xuất, phân phối các sản phẩm thời trang, phụ kiện từ tranh vẽ của trẻ em thiệt thòi và trả 5% doanh thu cho các em và Tòhe Bank - ngân hàng tranh trẻ em trực tuyến miễn phí, trưng bày, giới thiệu và bán tranh vẽ của trẻ em.

Vẽ như một đứa trẻ

Nguyễn Đinh Nguyên - ông chủ của Tòhe - vốn tự nhận mình là kẻ có trí óc "leng beng", dân Hải Phòng nên "cứ tơn tớn ra chứ không biết thực dụng, chăm chăm kiếm tiền". Bởi "leng beng", bởi "ham chơi", năm 2006, khi đã khá thành công với một công ty thiết kế - quảng cáo, anh Nguyên lại có ý tưởng mở thêm Tòhe - doanh nghiệp xã hội - để có cơ hội giúp đỡ trẻ em ở các trung tâm bảo trợ - những nơi anh và bạn bè vẫn hay lui tới tổ chức các buổi vui chơi cùng các em.

Cuối năm 2006, trong một chuyến đi Tây Ban Nha, khi vào Bảo tàng Picasso, nhìn dòng chữ ghi câu nói của danh họa: "Tôi dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ", anh Nguyên giật mình. Bản thân từng vẽ tranh, nhận ra tranh của trẻ em rất đẹp bởi các em vẽ bằng cảm xúc, anh tự hỏi tại sao không thử đưa tranh của các em vào các sản phẩm thương mại. 

Vậy là anh quyết định cùng vợ và một người bạn mở Tòhe. Đến nay Tòhe đã 12 tuổi, nhưng công ty mới chỉ có lãi rất nhỏ trong 2-3 năm nay, chục năm trước "toàn lỗ" bởi nhóm người thích các sản phẩm này không nhiều.

Vài năm gần đây, Tòhe sử dụng nhiều tranh của các bạn nhỏ tự kỷ để đưa vào các sản phẩm, trong đó nhiều nhất là tranh của Văn Minh Đức và Nem - Hà Đình Chí. Anh Nguyên cho biết từ năm 2015 tới nay, mỗi năm Nem và Đức nhận 30-40 triệu đồng tiền "tác quyền" từ Tòhe. Ngoài ra, Tòhe Bank cũng giúp bán được cho Nem và Đức mỗi em hơn chục triệu đồng tiền tranh.

Lá thư của một phụ nữ Nhật

Anh Nguyên tâm sự ban đầu anh cũng nghĩ mình làm mô hình này để giúp trẻ con, coi nó là dự án xã hội để được làm điều tốt đẹp cho người khác. Nhưng khi bắt tay vào làm một thời gian, anh và các cộng sự dần nhận ra chính mình đã học được nhiều thứ từ bọn trẻ và đang nhận được rất nhiều từ các em.

"Các em ấy có một phẩm chất rất đặc biệt. Là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mình cứ nghĩ chúng thấy khổ, buồn lắm. Nhưng các em vẫn rất vui vẻ. Sự hồn nhiên giúp các em ấy trong hoàn cảnh nào cũng vẫn vui. Đó là một phẩm chất rất đáng quý mà người lớn rất cần học" - anh Nguyên chia sẻ. Từ đây, anh nghĩ rằng sứ mệnh lớn nhất của Tòhe không phải là giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi, mà là khuyến khích người lớn quay lại sống hồn nhiên như trẻ con. "Đó mới thực sự là thứ chúng tôi muốn làm" - anh Nguyên khẳng định.

Hai năm trước, lá thư của một phụ nữ Nhật Bản càng làm anh Nguyên chắc chắn hơn về sứ mệnh lan tỏa sự hồn nhiên trong cộng đồng của Tòhe. Anh nói khách hàng người Nhật ấy kể cô bị bạo hành và bị stress nặng nề. Nhưng rồi khi nhìn thấy một sản phẩm Tòhe, cô đã rất xúc động. Sự hồn nhiên và niềm vui sống của trẻ em thiệt thòi đã làm trỗi dậy trong cô tình yêu cuộc sống và nghị lực. Không có lý do gì để trầm cảm, cô quyết định thay đổi, suy nghĩ tích cực hơn.

Riêng với ông chủ Tòhe, các thiên thần nhỏ đã cho anh nhận ra điều ý nghĩa: chọn một công việc để có thể hạnh phúc với công việc ấy, chứ không phải chỉ là một công việc kiếm tiền.

Thêm một ngôi nhà cho trẻ tự kỷ

Gần 8 tháng đồng hành với con trai bé bỏng Bình Minh tham gia các buổi học - chơi tại Tòhe, chị Kiều Thị Thúy Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) vui mừng lắm khi thấy con mình như có thêm một ngôi nhà thứ hai với các thầy cô, các bạn ở Tòhe.

Tuy chưa có tác phẩm được Tòhe ứng dụng vào các sản phẩm, nhưng Bình Minh tiến bộ rõ rệt với niềm đam mê vẽ tranh của em.

"Trước đây, chỉ các gia đình có con tự kỷ tự xoay xở lập nhóm, lập hội với nhau để chia sẻ, giúp đỡ nhau cũng như để các con được giao lưu cùng nhau. Nay thì có các cô giáo ở Tòhe giúp sức đầy tận tâm, nên các gia đình có con tự kỷ chúng tôi cảm thấy được chia sẻ, hỗ trợ rất nhiều" - chị Quỳnh nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,222,602       5/1,113