TTO - Đề thi môn văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm học 2018-2019 được lọt ra ngoài từ rất sớm khi thí sinh mới chỉ làm bài được 1 tiếng (50% thời gian).
Thí sinh dự thi môn văn tại Hà Nội sáng 7-6 - Ảnh: NAM TRẦN
Vào thời điểm này, hầu hết các điểm thi cho biết chưa có học sinh nào ra khỏi khu vực thi, nhưng bản đề thi được chụp lan truyền trên mạng giống hệt đề chính thức.
Theo quy chế thi, chỉ sau 2/3 thời gian làm bài thi, nếu thí sinh đã hoàn thành bài thi và nộp bài, ký xác nhận mới được ra khỏi khu vực thi.
Như vậy bản đề thi lọt ra ngoài nhiều khả năng không phải do thí sinh mang ra mà do người trong điểm thi chuyển ra ngoài dưới dạng ảnh chụp. Và ngay lập tức bản đề thi này lan truyền trên mạng.
Nếu dự đoán này đúng thì có nghĩa đã có hành vi vi phạm quy chế và có thể xem là đề thi bị lộ. Lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đang kiểm tra sự việc này.
Trong khi đó nhận xét về đề thi văn năm nay, cô Hà Song Hải Liên - giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, cho biết đề thi cũ mòn, dễ học tủ.
Cụ thể, đề có nhiều câu hỏi vụn, nhiều câu quen thuộc có thể học tủ và cũng có câu có định hướng, "mớm" ý quá rõ.
Đề nghị luận cũng mang dáng dấp rất cổ điển, quen thuộc khi yêu cầu thí sinh nêu cảm nghĩ về vai trò gia đình. Trong khi các đề nghị luận theo hướng đối thoại, để thí sinh được đưa ra quan điểm cụ thể, đồng ý với một nhận định nào đó hay không, để các em được bày tỏ quan điểm, nhìn thí sinh dễ đi vào những luận đểm quen thuộc, khó tìm ra cái mới, khó có những cảm thụ đậm đặc dấu ấn cá nhân.
Với đề này, nhiều câu cũ, dễ "học tủ". Còn đối với giáo viên, khi chấm bài, có thể gặp nhiều bài viết hao hao giống nhau vì các em có thể đã học thuộc lòng.
Ngay trong câu 2 phần 1 trích dẫn hai câu trong bài "Đoàn thuyền đánh cá" ("Thuyền ta lái gió với buồm trăng. Lướt giữa mây cao với biển bằng"), rồi đặt câu hỏi: "Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ này có tác dụng gì" cũng đã "mớm" sẵn biện pháp tu từ cho thí sinh rồi. Dạng đề đó đáng lẽ phải là tìm biện pháp tu từ , rồi nêu cảm nhận về biện pháp tu từ đó để thí sinh tự phát hiện biện pháp tu từ và cảm nhận cái hay, cái đẹp của nó..
Nếu so sánh với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương khác thì sẽ càng thấy rõ hơn sự khác biệt khi nhiều nơi bắt nhịp rất nhanh với xu hướng đổi mới thi, đánh giá cũng như hơi thở đổi mới của văn chương.
Đề thi của TPHCM năm nay được giáo viên dạy văn chúng tôi đánh giá rất hay và thú vị. Tuy nhiên, không chỉ có thành phố lớn, năng động như TPHCM mới có những đề thi hay, khơi gợi nhiều cảm hứng cho thí sinh.
Ngay như một số đề thi ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa cũng có những đổi mới đáng khích lệ. Ví dụ đề thi của Lào Cai năm nay rất cập nhật, bắt rất nhanh với đề thi THPT quốc gia.
Khi họ ra đề như vậy, họ cũng phải tính toán khả năng để học sinh toàn tỉnh- trong đó có cả những học sinh vùng núi cao, học ính dân tộc- có thể đáp ứng. Khi đã mạnh dạn ra đề thi cập nhật với xu hướng đổi mới của thi THPT quốc gia như vậy, chắc chắn họ đã xác định được lộ trình đổi mới thi cử dài hơi.
Học sinh chuyển từ THCS lên THPT được thử thách như vậy, các em sẽ bắt nhịp tốt hơn khi vào học THPT. Còn với đề thi lỏng tay và nhẹ nhàng như Sở GD- ĐT Hà Nội đưa ra, học sinh vào THPT sẽ có "độ vênh" và mất thời gian nhiều hơn để bắt nhịp cách học, cách thi đổi mới.