TTO - Theo nhà đầu tư, từ khi xây dựng đến nay đã chịu lãi suất 80 tỉ đồng. Sau 6 tháng thu phí, dự án BOT đường tỉnh 830 (Bến Lức - Đức Hòa, Long An) sẽ thông qua lượt xe được đếm lại để quyết toán, điều chỉnh thời hạn thu phí.
Nhà đầu tư cho biết sẽ đổi tên "thu giá" trên biển báo trạm sau khi có hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ - Ảnh: SƠN LÂM
Sáng 7-6, ông Phạm Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết tỉnh này đã có văn bản thống nhất phương án thu phí đối với dự án BOT đường tỉnh 830 Bến Lức - Đức Hoà.
Theo đó, sau khi tổ chức nghiệm thu xác định dự án đã 100% hoàn thành, UBND tỉnh Long An chấp thuận để nhà đầu tư là Liên danh Băng Dương - Bambo Capital bắt đầu tổ chức công bố, niêm yết mức phí tại các địa phương và bắt đầu thu phí đối với dự án này trong tháng 6-2018.
Theo phương án được thống nhất, giá vé qua trạm trong khoảng từ 25.000 đồng đến 165.000 đồng tùy vào tải trọng xe. Xe đi qua hai trạm trên cùng hướng trong cùng ngày chỉ trả tiền cho một lần mua vé. Giá vé tháng 750.000 - 4.950.000 đồng, vé quý 2.025.000 - 13.365.000 đồng.
Bên cạnh đó, phương tiện kinh doanh có chủ sở hữu nằm trong các xã An Thạnh, Lương Hoà, Lương Bình, Tân Hoà (huyện Bến Lức) và xã Hựu Thạnh (huyện Đức Hoà) nếu mua vé tháng và vé quý sẽ được giảm 20%.
Các phương tiện từ 30 ghế ngồi trở xuống của chủ sở hữu trong phạm vi hai trạm thu phí sẽ được miễn phí.
Thời gian thu phí dự kiến 19 năm. Đặc biệt, sau 6 tháng thu phí, dự án sẽ được quyết toán, đếm lại lưu lượng xe, tính toán chi phí doanh thu cụ thể để điều chỉnh lại.
Ông Phạm Văn Cường, đại diện chủ đầu tư, cho biết tổng mức đầu tư dự án là 1.079 tỉ đồng, trong đó, nhà đầu tư vay vốn ngân hàng 80%. Lãi suất ngân hàng trong thời gian xây dựng dự án tính đến nay là 80 tỉ đồng.
Ông Cường cũng cho biết thêm khi lập phương án tài chính từ năm 2015, nhà đầu tư đã thuê đơn vị đếm và xác định lưu lượng xe trong khoảng 4.500 - 4.700 lượt/ngày đêm.
"Phương án tài chính của nhà đầu tư dựa trên số lượt xe này. Tuy nhiên, phải qua tình hình thực tế 6 tháng thu thì mới có thể tính toán lại. Bởi khu vực này còn có nhiều cung đường khác để người dân lựa chọn" - ông Cường nói
Về tấm biển ghi "thu giá" đang đặt ở hai trạm, ông Cường cho biết hoàn toàn theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ, hiện vẫn đơn vị đang chờ văn bản hướng dẫn để thực hiện theo chỉ đạo chung.
Cũng theo ông Cường, nhà đầu tư sẽ cố gắng đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động vào cuối năm 2019. Nguyên do được nhà đầu tư đưa ra là mức đầu tư hệ thống này còn rất cao, khoảng 80 tỉ đồng, nên hiện tại chưa thể cân đối phương án tài chính.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, dự án BOT đường tỉnh 830 được phê duyệt và khởi công xây dựng từnăm 2016 với chiều dài toàn tuyến 24km, mặt đường rộng 15m có giải phân cách 4 làn xe lưu thông.