Sống khỏe

Những người chăm sóc tâm hồn chiến sĩ

TTO - Nghệ sĩ của Đoàn văn công Quân khu 7, bằng "vũ khí" là giọng hát và điệu múa, chăm sóc tâm hồn chiến sĩ khắp mọi miền đất nước.

Những người chăm sóc tâm hồn chiến sĩ - Ảnh 1.

Đoàn văn công Quân khu 7 trong lần biểu diễn chung với các bạn Lào - Ảnh: Q.K.

Đoàn văn công Quân khu 7 gồm có đội ca, múa, nhạc, ca cổ. Mỗi năm đoàn biểu diễn trên 100 buổi ở nhiều đơn vị, nhiều nơi.

Giữ sự dẻo dai của diễn viên

Đến Đoàn văn công Quân khu 7 vào một buổi chiều. Lúc này, những nghệ sĩ, diễn viên đang miệt mài luyện tập để hôm sau đi diễn ở Long An. Trung úy có gương mặt xinh đẹp Đỗ Thị Phương Thảo, diễn viên múa, cho biết: "Không chỉ có chương trình biểu diễn thì mới tập luyện, mà chúng tôi diễn tập hằng ngày. Bản thân mình là một diễn viên múa để giữ được sự dẻo dai thì lại càng phải luyện nhiều hơn".

Cha là ca sĩ của Đoàn văn công Quân khu 5 nên Thảo "bén duyên" với nghệ thuật từ sớm. Học xong cấp II ở Đắk Lắk, Thảo khi ấy 15 tuổi, một mình ra Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội (Hà Nội) học múa. Kết thúc ba năm học, Thảo về Đoàn văn công Quân khu 7 và gắn bó đến nay là tám năm. "Công việc của một diễn viên múa khá vất vả nhưng đã yêu, say mê thì chẳng thấy khó khăn gì. Với mình, đoàn văn công như ngôi nhà thứ hai" - Thảo chia sẻ.

Cũng là cô gái năng động, Nguyễn Thị Lan Chi (24 tuổi, TP.HCM) - người chơi đàn organ - gắn bó với đoàn văn công này như một cái duyên. Tốt nghiệp khoa sư phạm âm nhạc Trường đại học Sài Gòn, Lan Chi tham gia ban nhạc cho một câu lạc bộ. Lúc nghe tin đoàn văn công đang tuyển người, dù chưa hình dung thế nào là một người người lính nhưng Chi vẫn đăng ký thi tuyển.

Cô gái này ấn tượng ngay lần đầu tiên: "Hôm đó vừa vào đơn vị thì mình nghe một bản nhạc rất hay nên nghĩ ai đó mở đĩa. Nhưng khi biết đó là các cô chú, anh chị đang tập luyện mình rất bất ngờ. Môi trường quá chuyên nghiệp khiến mình khao khát trở thành một nhạc công nơi đây".

Nhiều người đã gắn bó cả tuổi xuân của mình với đoàn văn công như đại úy Đào Trọng Khoa từ năm 27 tuổi đến nay đã 18 năm làm tại đoàn. Bên cạnh lớp diễn viên trẻ thì có NSƯT Thiên Lan, NSƯT Kim Thủy, NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Hoàng Vĩnh, NSƯT Thu Giang. Thượng tá, NSƯT Thu Giang hiện là đoàn trưởng Đoàn văn công Quân khu 7, đã 30 năm cống hiến cho nghệ thuật quân đội, trong đó có 25 năm tại Đoàn văn công Quân khu 7.

Thiêng liêng

Dưới ánh đèn sân khấu, những lời ca vút bay, những điệu múa uyển chuyển say mê. Đằng sau đó là những vất vả thầm lặng. Những khi làm chương trình gấp, các nghệ sĩ chiến sĩ tập luyện liên tục từ sáng đến tối. 

Có những hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, thời gian phối hợp 3-4 tháng trời. Có thành viên khi diễn bị trượt chân vì trời mưa phải nghỉ để điều trị mất nửa năm. Rồi có những lần di chuyển liên tục từ nơi này qua nơi khác khi địa bàn diễn là chín tỉnh thành thành miền Đông Nam Bộ và Campuchia, Lào. 

"Có lần đi diễn ở Vũng Tàu về đến TP.HCM là 2h sáng, chưa kịp chợp mắt thì mọi người lại dậy trang điểm để kịp 4h chạy lên Lâm Đồng. Đi liên tục ai yếu cũng thành khỏe luôn" - Lan Chi cười vui.

Đại úy Đào Trọng Khoa luôn mang theo mẩu giấy chép bài hát để học mọi lúc mọi nơi. Anh Khoa bộc bạch: "Có những bài mới nhận trước khi biểu diễn vài ngày nên phải cố gắng học thuộc. Khi đi diễn ở Campuchia, Lào hát những bản nhạc của bạn khó nhớ, khó thuộc, mình ghi phiên âm ra học, rồi tự vỡ bài bằng cây đàn piano, ghi âm lại học".

"Vất vả nhưng tự hào" là cảm nhận của trung úy Phương Thảo trong hai lần đi diễn ở Trường Sa. "Lần nào đi cũng xúc động. Nhớ lúc ở Trường Sa Lớn, khi đoàn chào tạm biệt cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo, họ hát vang: "Vì nhân dân quên mình", mình cũng hát theo mà nước mắt chảy. Cảm xúc dâng trào, thấy yêu Tổ quốc vô cùng" - Thảo nhớ lại.

Đại úy Khoa đã ba lần đặt chân lên đảo Trường Sa. "Hát cho chiến sĩ ở Trường Sa là cảm xúc đặc biệt" - anh Khoa tâm sự.

Chuyến đi 5.000km

Lần đi diễn ở Oudomxay (Lào) vào tháng 9-2017 nhân kỷ niệm 55 thiết lập quan hệ Việt Nam - Lào là "ấn tượng khó phai" với các thành viên Đoàn văn công Quân khu 7. Xe 16 chỗ từ TP.HCM ra Quảng Trị và đi Vientiane (Lào). Từ đây đi Luang Phrabang rồi lên Oudomxay.

Riêng đoạn đường từ Vientiane đến Oudomxay xe chạy hai ngày mới tới. "Hai ngày đó như đi tàu lượn siêu tốc. Mọi người cố gắng để ngủ vì đường ngoằn ngoèo quanh sườn núi, mở mắt ra là thấy đang quẹo cua, toàn dốc. Có bạn say quá phải truyền nước" - Lan Chi nhớ lại.

Phương Thảo nói: "Chuyến ấy đi khoảng 5.000km, gần 20 ngày nên mặt mày ai cũng đen thui, da dẻ xù xì".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,366,477       1/876