TTO - Sâm có giá, có nghĩa là cuộc chiến chống trộm sâm cũng trở nên gian nan hơn khi Công an huyện Nam Trà My lần lượt lập các đội đánh án để đưa ra xét xử nghiêm các vụ trộm sâm.
Gốc sâm Ngọc Linh này được rao bán với giá vài trăm triệu đồng - Ảnh: T.B.DŨNG
Từ năm 2011 đến nay, trong số hàng trăm vụ trộm sâm xảy ra ở Ngọc Linh, Công an huyện Nam Trà My đã phá án 15 vụ nghiêm trọng, tất cả đều được khởi tố, xét xử
Sâm đắt ngang vàng. Sự ví von ấy chẳng hề ngoa khi chứng kiến người Xê Đăng bước lên từ nghèo khổ, lam lũ và đứng trước cơ hội đổi đời nhờ những củ sâm vốn lặng lẽ ngàn đời nay.
Ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) mấy củ sâm Ngọc Linh bọc trong gói lá môn rừng, dính bê bết bùn đất được người dân ra giá hàng trăm triệu đồng. Thậm chí một nắm lá sâm chỉ bằng nửa bó rau muống được bán với giá không dưới... 5 triệu đồng.
Sâm có giá, dĩ nhiên sinh ra kẻ trộm...
"Siêu trộm nhí"
Năm 2015 xảy ra hàng loạt vụ trộm sâm ở các vườn sâm trên đỉnh Ngọc Linh khiến người dân ở xã Trà Linh vô cùng hoang mang. Sự ngờ vực lẫn nhau giữa người làng đã biến nhiều cụm dân cư xáo động.
Nhận thấy tình hình phức tạp, công an huyện đã cử lực lượng xuống bản nằm vùng, thu thập thông tin, quyết tâm đánh án.
Qua sàng lọc, công an tập trung sự chú ý vào Hồ Văn Vôn (16 tuổi, thôn 2, xã Trà Linh) - một thiếu niên mới lớn nhưng đã quen thói ăn chơi, thường làm rầu lòng người Xê Đăng trên núi.
Việc uống rượu say, trộm cắp là lằn ranh cấm kỵ được người Xê Đăng tuân thủ từ nhiều đời nhưng Vôn thì không.
"Trước đây Vôn từng trộm sâm Ngọc Linh của người dân nhiều lần rồi nhưng vì chưa đủ tuổi thành niên nên chỉ bị xử phạt hành chính chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy cậu bé này ăn quen, lập băng để tiếp tục trộm sâm khiến người dân lo lắng", thiếu tá Thời kể.
Thu thập đủ hồ sơ vụ án, công an chờ đến lúc Vôn đủ 16 tuổi để thực hiện lệnh bắt khẩn cấp. Khi biết mình sắp bị bắt, Vôn đã vào rừng sâu lẩn trốn khiến các trinh sát rất khó khăn để tóm cậu ta.
Công an nhiều ngày trời băng rừng, lội suối lùng sục trên các khu rừng già mới bắt được "siêu trộm nhí" này trong một hang đá.
Năm 2016, TAND huyện Nam Trà My xét xử vụ trộm cắp tài sản (sâm Ngọc Linh) đối với Vôn và đồng bọn. Các chú này đã thực hiện bốn lần nhổ trộm sâm Ngọc Linh của dân bán lấy tiền tiêu xài, tổng thiệt hại 219 triệu đồng. Tòa đã tuyên Vôn 7 năm 6 tháng tù giam.
Tòa xử nhóm siêu trộm “nhí” Hồ Văn Vôn (thứ hai từ phải) - Ảnh: L.TRUNG
Vụ án "khởi điểm"
Lần giở cuốn sổ ghi chép những vụ án trộm sâm từ nhiều năm trước, thiếu tá Nguyễn Đức Thời, đội trưởng đội cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trà My, kể rằng có một vụ trộm làm anh nhớ nhất. Đó là vụ án khởi điểm cho nạn trộm sâm Ngọc Linh hoành hành ở vùng núi Ngọc Linh thời gian qua.
Một buổi sáng tháng 10-2009, anh Phương, nhân viên trạm dược liệu Trà Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My), hốt hoảng đến trực ban công an huyện báo mất một số lượng sâm rất lớn với hàng trăm cây.
Lãnh đạo công an huyện chỉ đạo phải triển khai lực lượng phá án và đưa vụ này thành án điểm để răn đe loại tội phạm mới mẻ này.
"Thời điểm này lên trại sâm ở đỉnh Ngọc Linh rất khó vì chưa có đường. Anh em phải băng rừng lội bộ, dầm mưa mất hơn một ngày mới tới được", thiếu tá Thời nhớ lại.
Sau một đêm dựng lều ngủ dưới những tán rừng già, sáng hôm sau các trinh sát khám nghiệm hiện trường, tỏa ra các lối ở vườn sâm rộng chừng 1,5ha để tìm dấu vết của "đạo chích".
Khám nghiệm hiện trường, khoanh vùng ban đầu, các điều tra viên nhận định kẻ trộm là người địa phương.
Qua quá trình thu thập thông tin, sàng lọc, các điều tra viên có được một thông tin rất quý giá: A Vinh (người Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) trước đây hay qua Trà Linh buôn bán nhưng tầm một tháng trở lại đây không thấy xuất hiện.
Các điều tra viên băng rừng lội bộ qua huyện Tu Mơ Rông, giáp ranh huyện Nam Trà My để tìm A Vinh. Nhưng đối tượng này luôn thay đổi địa điểm tạm trú. Nhiều người dân cho biết A Vinh đã bỏ xứ đi nơi khác.
Sau một thời gian dài, cuối cùng công an cũng xác định nơi ẩn nấp của A Vinh và tổ chức phục bắt tại đèo Lò Xo, huyện Phước Sơn (Quảng Nam).
Tại cơ quan điều tra, A Vinh thừa nhận cùng đồng bọn là Nguyễn Văn Toàn (ở Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) cùng thực hiện vụ trộm trên.
Hồ Văn Báo, người trộm sâm của chính anh ruột mình, bị xét xử lưu động để răn đe - Ảnh: L.TRUNG
Trộm của anh ruột
Ông Hồ Văn Bút, phó bí thư đảng ủy xã Trà Linh, cho biết kẻ trộm sâm vườn nhà ông lại chính là đứa em trai ruột của ông. Khi ông đang làm việc ở cơ quan thì vợ hớt ha hớt hải đến gặp và báo vườn sâm nhà bị kẻ trộm nhổ 32 cây sâm từ 3-5 năm tuổi.
Tiếc của, ông báo cho công an huyện.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong ngày hôm sau kẻ trộm đã bị công an bắt giữ khi đang trên đường đem sâm đi bán.
Theo công an, 32 cây sâm Ngọc Linh đó có trọng lượng 0,69kg, trị giá trên 15 triệu đồng. Và kẻ trộm không ai khác hơn là Báo, em ông Bút.
"Trước đó nó có ăn trộm sâm của người khác trong xã rồi nhưng tôi không nghĩ nó lại nhổ luôn sâm của anh ruột mình", ông Bút nói.
Dù ông có làm đơn giảm tội cho em trai nhưng Báo vẫn bị Tòa án huyện Nam Trà My xét xử lưu động nhằm răn đe những thanh niên khác, tòa tuyên 12 tháng tù giam.
Nhân viên bảo vệ rừng cũng trộm sâm
Tháng 2-2017, một vụ trộm 500 gốc sâm với khối lượng gần 10kg của năm hộ dân tại nóc Tăk Ngo, thôn 2, xã Trà Linh khiến người dân hoang mang.
Quá trình điều tra, công an huyện xác định kẻ trộm là Phan Quốc Duân (28 tuổi, trú huyện Bắc Trà My, là nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh).
Duân được giao nhiệm vụ đo đạc, cắm mốc phục vụ việc cho thuê rừng để các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh tại khu vực núi Ngọc Linh. Tháng 3-2017, Duân và đồng bọn bị bắt giữ.
>> Kỳ tới: Dùng luật làng để chống trộm