Sống khỏe

Không ngừng đảm bảo đầu ra cho trái dừa Bến Tre

Thời gian gần đây, tình hình giá dừa tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long… có nhiều biến động.

Cơ quan chức năng cho biết, đây là xu hướng chung của thị trường dừa thế giới, và hiện tượng này đang theo quy luật chung.

Giá biến động theo quy luật cung cầu

Qua thống kê số liệu hàng năm, giá dừa những tháng đầu năm đều giảm theo quy luật. Riêng những tháng đầu năm 2017, giá dừa tăng liên tục do tình trạng hạn mặn nghiêm trọng năm 2016 khiến sản lượng dừa giảm, cung không đủ cầu.

Hiện nay, diện tích và sản lượng dừa của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% của thế giới. Tỉnh Bến Tre - được xem là thủ phủ dừa của cả nước, có hơn 71.000 ha trồng dừa, chiếm 50% diện tích dừa của cả nước, với nhiều vùng chuyên canh nông dân chỉ sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ cây dừa. Do vậy, rất khó tác động vào giá, mà chủ yếu lệ thuộc vào giá dừa trái và giá bán các sản phẩm từ dừa trên thị trường thế giới.

Trong khi, giá dừa trái trên thế giới những tháng đầu năm 2018 cũng liên tục sụt giảm từ 222 USD/tấn vào tháng 1 xuống còn 184 USD/tấn vào tháng 3.

Đại diện cơ quan chức năng giải thích thêm, giá dừa có xu hướng không ổn định, theo diễn biến giảm từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, vì đây là mùa ăn chay của các nước Hồi giáo. Trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu dừa trái lại dồi dào, do đang vào mùa thu hoạch chính của các nước có "nền kinh tế dừa" hùng mạnh như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ.

Bên cạnh đó, khoảng 1 tháng nay các tàu Trung Quốc đã rút khỏi các sông trên địa bàn tỉnh - nơi thương lái thường neo đậu sà lan để thu mua trong khi dừa đang vào vụ thu hoạch rộ. Ngoài ra, hiện tượng "dừa treo" (thời điểm cây dừa giảm năng suất, cho ít trái) xảy ra đối với nhóm dừa cao từ tháng 9 - 10, còn đối với nhóm dừa lùn (dừa uống nước) thường xảy ra trong khoảng tháng 3 - 4. Thế nhưng, dừa ở Việt Nam trong những tháng gần đây vẫn cho ra nhiều trái bởi được chăm sóc hợp lý.

Các nguyên nhân kể trên đã tác động làm giá dừa giảm trong những tháng đầu năm và thị trường tỉnh Bến Tre cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Chia sẻ lợi ích với người trồng dừa

Theo các chuyên gia, phần lớn sản lượng dừa thu hoạch đang đổ dồn vào các nhà máy chế biến trong tỉnh. Mặc dù, không tránh khỏi những khó khăn, nhưng các doanh nghiệp tại địa phương đã thể hiện đúng cam kết và chia sẻ lợi ích với người trồng dừa.

Theo thông tin, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Chế biến dừa Á Ch âu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex)… vẫn duy trì sản xuất và thu mua dừa cho nông dân, góp phần nâng giá dừa tại tỉnh cao hơn so với mức giá chung của khu vực các nước trồng dừa.

Hiện tại, hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn yên tâm canh tác. Theo một số nông dân ở huyện Mỏ Cày Nam, trước Tết, thương lái thu mua dừa khô với giá hơn 100 nghìn đồng/chục (12 quả), sau đó xuống 70 nghìn đồng/chục.

"Đến nay, giá có phần giảm nhưng vẫn ở mức 60 nghìn đồng/chục. Chúng tôi vẫn được thu mua với giá ổn định và đã được ký hợp đồng dài hạn với công ty", một nông dân cho biết.

Được biết, đây là hợp đồng được ký giữa người nông dân với công ty. Theo đó, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ thu mua cao hơn giá thị trường khi giá dừa xuống thấp, nếu giá thị trường cao hơn thì doanh nghiệp sẽ thu mua theo giá thị trường.

Động thái này không chỉ giúp người nông dân tránh tình trạng bị thương lái ép giá mà còn góp phần hạn chế tối thiểu rủi ro cho bà con khi giá dừa biến động.

Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã theo dõi và nắm bắt tình hình chu kỳ giá và sản lượng của dừa trong thời gian vừa qua.

Bộ đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp chế biến lớn trong việc thu mua sản phẩm dài hạn cho bà con nông dân, đảm bảo đầu ra kịp thời. Các doanh nghiệp lớn cũng đã vào cuộc tích cực, nhanh chóng. Ngoài mua dừa tại Bến Tre, để chủ động nguồn cung cho công tác sản xuất, các doanh nghiệp lớn đã vào cuộc, thu mua dừa ở các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long...

Đại diện Betrimex cho biết, bên cạnh việc nhân viên công ty thu mua trực tiếp từ nông dân, đơn vị này còn đẩy mạnh phát triển thu mua thông qua các hợp tác xã cũng như thuê hợp tác xã làm gia công các công đoạn lột vỏ, tách xơ và vận chuyển về nhà máy để sản xuất... Quá trình này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí nhân công, mà còn đi đúng định hướng chủ trương nội dung giai đoạn 2 phát triển hợp tác xã kiểu mới từ 2018 - 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt để hỗ trợ tốt hơn nữa cho nông dân Việt Nam.

Không ngừng đảm bảo đầu ra cho trái dừa Bến Tre - Ảnh 1.

Nhà máy của Betrimex tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Tấn Minh

Cũng theo đại diện đơn vị này, nhu cầu nguyên liệu của Betrimex sẽ tăng mạnh từ quý IV/2018 do đơn vị này đã hoàn thành lắp đặt nhà máy sản xuất VCO theo công nghệ Châu Âu, công suất 3000 tấn VCO/năm.

"Hiện nhà máy đang trong giai đoạn chạy thử và sẽ bắt đầu sản xuất thương mại từ tháng 10-2018. Song song đó, chúng tôi đang triển khai đầu tư dây chuyền sản xuất nước cốt dừa đóng lon với công suất 12 triệu lít/năm, dự kiến đầu tháng 12-2018 sẽ đưa vào sản xuất thương mại. Những kế hoạch cụ thể này cùng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sẽ góp phần tăng tính kết nối với nông dân, tạo nên sự ổn định đầu ra, khuyến khích bà con gắn bó và yên tâm phát triển vườn dừa", vị đại diện này cho biết.

Các chuyên gia cho biết năng suất dừa năm 2018 đang phục hồi trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng. Tổng sản lượng dừa toàn tỉnh Bến Tre quý I/2018 đạt 170 triệu trái, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Dự báo năm nay, tỉnh sẽ đạt sản lượng dừa 600 triệu trái, đạt mục tiêu sản lượng dừa của năm 2020.

Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội của các hộ nông dân trồng dừa nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội đẩy mạnh tiêu thụ dừa tại các địa phương trọng điểm.

Đại diện Betrimex - một doanh nghiệp có truyền thống làm dừa lâu đời ở Bến Tre cho biết chính sách hỗ trợ người dân của đơn vị này đã triển khai từ năm 2012, trực tiếp đến 1.600 hộ nông dân, với 1.490 ha diện tích vườn dừa đạt chứng nhận Organic (tiêu chuẩn EU và USDA-NOP) và JAS (tiêu chuẩn Nhật Bản) với sản lượng hơn 14 triệu trái dừa/năm.

Trong tháng 6, đơn vị này sẽ được chứng nhận thêm 1.200 ha diện tích trồng dừa Organic, nâng tổng diện tích lên đến 2.700 ha và mở rộng công tác thu mua đối với phần diện tích này.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,415,773       1/837