TTO - Sống ở chung cư, nhiều người vẫn thường xuyên tiệc tùng, ồn ào. Ở chung cư mà hát karaoke mới ghê! Cho trẻ ăn thì đưa ra hành lang, vào thang máy, ra cả khu vực hồ bơi. Khi con lỡ nôn, thấy có người thì dọn qua loa, không thấy người thì kệ.
Chung cư Vĩnh Hội, TP.HCM. Cư dân tầng dưới và người đi đường rất dễ hứng "vật rơi" từ tầng cao của những chung cư như thế này - Ảnh: Q.Đ.
Khi lựa chọn mua căn hộ chung cư, không ít người chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình mà chưa quan tâm điều ngược lại: cần trang bị ý thức và kỹ năng sống phù hợp với văn hóa chung cư.
Sáng sớm, tôi bước vào thang máy, gặp ngay một anh trai trẻ ngực xăm trổ, tay kẹp điếu thuốc lá bốc khói bất chấp biển cấm hút thuốc ngay trước mặt. Anh này là người mới dọn đến chung cư.
Những cư dân "cá biệt"
Lịch sự khi đi thang máy là xếp hàng, không chen lấn, giữ im lặng, hạn chế nghe điện thoại và không đùa giỡn. Thế nhưng, nhiều người vẫn oang oang nói chuyện trong thang. Có người vẫn ngang nhiên hút thuốc xong dụi đầu thuốc vào vách thang hoặc búng xuống sàn.
Họ không biết những hành vi thiếu ý thức này là nguy cơ dẫn đến cháy nổ rất cao bởi thang máy hoạt động bằng điện. Khói từ thuốc lá có nguy cơ gây ngạt và lửa từ thuốc có thể là nguồn cơn bùng phát gây cháy nổ.
Chung cư gần nơi tôi ở có 300 căn hộ, gần 1.000 dân, việc tổ chức tập huấn các kỹ năng phòng tránh cháy nổ, thoát hiểm, diễn tập PCCC được chủ đầu tư phối hợp ban quản lý tòa nhà, Cảnh sát PCCC, chính quyền địa phương chuẩn bị chu đáo, bài bản.
Mọi kế hoạch, công tác tổ chức được thông báo đến từng căn hộ, sắp xếp thời gian vào ngày nghỉ để tiện cho người dân tham gia. Thế nhưng cư dân tham gia lèo tèo, phần lớn cư dân báo vắng mặt với nhiều lý do: mắc công chuyện, về quê, ngày nghỉ để nghỉ ngơi. Thậm chí có người còn cho rằng: cháy có PCCC lo!
Ai cũng phải biết xuống hồ phải mặc quần áo bơi. Nhưng vẫn có người mặc đồ bộ ở nhà xuống hồ. Thấm nước hồ, áo ra màu, nhuộm màu đỏ nước hồ. Hồ bơi có hồ nhỏ cho trẻ em và hồ người lớn nhưng nhiều gia đình vẫn làm ngược lại: lơ là để trẻ chưa biết bơi xuống hồ lớn còn người lớn thì chơi trong khu vực hồ trẻ em.
Ở chung cư tại Q.9, TP.HCM có người nuôi chó sáng nào cũng cho chó cưng nhảy nhót dưới nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhiều người vẫn ớn chuyện mất vệ sinh khi trẻ chơi cùng với chó. Có người chở chó đi dạo, vào nhà xe cho chó đứng lên yên xe người khác, góp ý không nghe còn lớn tiếng: "Có bằng chứng không mà nói?".
Hầu hết các chung cư đều lập nhóm kín trên Facebook để dân cư tham gia ý kiến, chia sẻ thông tin: những câu chuyện cảnh giác, những gương người tốt việc tốt. Tuy nhiên, có một số trường hợp tranh cãi nhau trên thế giới ảo thành xích mích, cãi cọ ngoài đời.
Vẫn kiểu thuận tay, quen miệng?
Cửa thang máy vừa mở ra, người bên trong thang chưa kịp bước ra, người bên ngoài đã lật đật bước vào. Trẻ con hiếu kỳ không nói, cả người lớn cũng hành động như vậy luôn. Thử hỏi: Nếu người bên trong không bước ra, làm gì có chỗ cho người bên ngoài bước vào. Chẳng lẽ ban quản lý chung cư phải dán thông báo hướng dẫn cách ra vào thang máy?
Sống ở chung cư, nhiều người vẫn thường xuyên tiệc tùng, ồn ào. Ở chung cư mà hát karaoke mới ghê! Cho trẻ ăn thì đưa ra hành lang, vào thang máy, ra cả khu vực hồ bơi. Khi con lỡ nôn, thấy có người thì dọn qua loa, không thấy người thì kệ.
Khi đi, người lớn vẫn cho con cầm theo thứ gì con thích. Và chuyện trẻ vẽ nguệch ngoạc lên tường cũng không hiếm hoi. Chuyện bày biện giày dép ra hành lang với một số nhà là chuyện bình thường, có nhắc nhở rồi cũng cứ vậy.
Ở lầu cao nhưng nhiều người vẫn còn thói quen tiện tay ném rác, tạt nước từ bancông, cửa sổ xuống đất, gây nguy hiểm, dơ bẩn cho người đi bên dưới. Mấy vụ này rất dễ dẫn đến cãi nhau vì khó "bắt tận tay". Nếu không rơi trúng ai thì coi như người ném rác không có lỗi gì, "có sao đâu, có người thì sẽ có rác, sẽ có người dọn rác mà!".
Ở chung cư cao cấp hơn, có người nước ngoài sinh sống, người Việt gặp trẻ nước ngoài cứ hồn nhiên xoa đầu, cưng nựng, bình luận đủ thứ... Điều này khiến ông bố bà mẹ và cả những đứa trẻ đó khó chịu, phản ứng.
Có lần tôi chứng kiến trong thang máy, vài phụ nữ Việt trẻ vừa xoa mái tóc xoăn tít vừa trầm trồ đôi mắt to đen láy của một bé người Malaysia. Một chị còn cúi xuống định hôn lên đầu bé mà chợt dừng lại nói rất lớn: Ôi hôi cà ri quá! Kèm ngay sau đó là hàng loạt trao đổi bình phẩm đủ thứ về người nước ngoài.
Thang dừng ở tầng trệt, cha của cậu bé đã nói bằng tiếng Việt, rất lịch sự: "Chúng tôi cần sự văn minh" và kéo đứa trẻ bước ra ngay, bỏ lại sau lưng những ánh mắt ngạc nhiên của các chị.
Các kiểu hồn nhiên gây phiền cho người khác như thế này, tiếc thay, vẫn chưa giảm ở các chung cư!
Không xuê xoa với những hành vi thiếu văn hóa
Một người hành xử thiếu văn hóa sẽ gây phiền cho nhiều người khác. Cần phải kiên quyết yêu cầu người vi phạm khắc phục hậu quả: để con em "tè bậy" thì người lớn phải giội rửa, viết vẽ trên tường phải thuê thợ sơn lại như cũ, làm bẩn hành lang, lối đi chung phải lau sạch sẽ...
Thời gian gần đây nhiều chung cư tổ chức diễn tập PCCC, kỹ năng thoát hiểm cho người dân. Sẽ càng hiệu quả hơn nếu lồng ghép nội dung cảnh báo những thói quen không tốt dễ gây ra các sự cố nguy hiểm, đe dọa tính mạng và tài sản cho cư dân. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".
HẰNG NGA
Làm sao xây dựng văn hóa chung cư? Ngoài những thói quen xấu mà bạn đọc Bùi Nguyễn vừa kể, người Việt còn có những kiểu 'thuận tay, quen miệng' nào khác không phù hợp khi ở chung cư? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!