TTO - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội chiều 7-6: Công an xã đang duy trì từ trước đến nay về bản chất không phải là công an. Hiện nay sẽ cơ cấu theo hướng chỉ có một loại là công an chính quy.
Thượng tướng Tô Lâm (trái) - bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh - tại buổi thảo luận ở tổ về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi - Ảnh: VIỆT DŨNG
Đưa về nhưng không xin thêm biên chế
* Thưa bộ trưởng, đề án đưa công an chính quy về xã được thai nghén từ bao giờ? Tại sao đến thời điểm này mới đề cập?
- Thực ra trong Luật Công an nhân dân đã quy định công an là phải chính quy, được tổ chức theo 4 cấp. Nhưng trước đây chúng ta không đủ lực lượng và tình hình ở xã lúc đó chưa cấp bách.
Sẽ cơ cấu theo hướng chỉ có một loại là công an chính quy, đeo quân hàm, được đưa từ trên xuống chứ không có hai loại như lâu nay
Vừa rồi báo chí đưa các chuyện như công an bắn người, công an vi phạm... khi xem xét thì hoá ra chính từ lực lượng không chính quy này. Chúng ta gọi họ là công an nhưng thực sự họ chỉ là công an xã, mà công an xã thì bản chất không phải là công an, họ là lực lượng không chính quy.
Bây giờ phải bố trí chính danh, đưa vào chế độ chính sách cho họ chứ như lâu nay họ làm nhiệm vụ rồi hi sinh thì không có chế độ như công an, không chịu trách nhiệm, không được đào tạo quản lý...
* Với 3-5 công an chính quy về xã làm việc, liệu có làm gia tăng nhân sự?
- Chúng tôi đưa về nhưng không xin thêm một biên chế nào mà tự điều chỉnh trong lực lượng. Từ bộ tới tỉnh cho tới huyện phải sắp xếp tinh gọn lại.
Ví dụ trước đây huyện không có công an xã nên có một đội gọi là đội công an phụ trách xã. Bây giờ huyện đưa về xã luôn chứ không cần đội này nữa. Trước mắt có thể chưa giảm biên chế được nhưng về cơ cấu thì phải tiến hành.
* Như bộ trưởng đề cập thì sẽ tận dụng lực lượng bán chính quy làm công an xã lâu nay để tổ chức thành một lực lượng riêng. Như vậy bộ máy sẽ phát sinh thêm một lực lượng?
- Không thêm lực lượng nào nữa, lực lượng mà chúng tôi đề cập hiện đã có ở địa phương. Số công an xã không chính quy mà hiện không thể vào được chính quy thì chúng tôi huy động và tổ chức lại như hình thức của lực lượng dân phòng phường.
Hiện lực lượng dân phòng này đang hoạt động tốt nên chỉ tổ chức lại cho chặt chẽ, quy định rõ những việc gì được và không được làm, tạo hành lang cho họ hoạt động.
* Hành lang pháp lý này sẽ giải quyết được câu chuyện chính danh của những "hiệp sĩ" tại Bình Dương, TP.HCM?
- Đúng, khi các quy định được điều chỉnh, những lực lượng đó gọi là lực lượng tình nguyện. Họ không đi bắt cướp mà sẽ đi tuần, tham gia hỗ trợ công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Sẽ tổ chức lại lực lượng theo quy định pháp luật chứ như hiện nay thì chưa có quy định nào để họ hoạt động. Chúng ta rất khuyến khích đội ngũ đó nhưng phải đưa vào luật, hướng dẫn quản lý để đảm bảo an toàn, đồng thời có chính sách với họ.
Thượng tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - báo cáo về dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi sáng 7-6 - Ảnh: Quochoi.vn
Không vượt quá 205 tướng
* Nhiều ý kiến băn khoăn về việc bố trí, sắp xếp cán bộ hàm cấp tướng. Như phương án đưa ra thì sẽ có một số giám đốc cấp tỉnh được đeo hàm tướng, có tỉnh lại không. Điều này có gây ra tâm tư cho người đứng đầu công an các tỉnh không?
Theo tính toán thì mỗi tỉnh có những đặc trưng khác nhau. Đó cũng là một vấn đề cần nghiên cứu, trong bối cảnh mà chúng ta chưa hoàn thiện để có một chính sách như nhau. Đây cũng là một bất cập trong triển khai.
Thôi thì bước đầu cứ thử nghiệm, rồi sẽ giải quyết hoàn thiện trên thực tế chứ chưa thể hoàn thiện ngay được.
* Nghĩa là số lượng tướng sẽ không vượt quá quy định hiện nay là 205 tướng?
Không vượt quá quy định, số lượng đó.
* Người dân rất kỳ vọng với cương vị và trách nhiệm của mình, bộ trưởng sẽ có những chỉ đạo để hạn chế tiêu cực nảy sinh ở một bộ phận cán bộ, gây bức xúc cho dư luận?
Chúng tôi sẽ làm tốt trách nhiệm của mình.
* Trong dự thảo sửa đổi luật có nêu một đơn vị mới là "Cục đặc biệt". Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn về chức năng của cục này?
Cục đặc biệt là tên gọi để thực hiện một số chính sách đối với cán bộ. Nhưng cục này cũng được hiểu như là cục trực tiếp chiến đấu, hàng ngày hàng giờ đối diện với tội phạm, trực tiếp tham mưu, đặt ra những vấn đề chiến lược chung...
Do những yếu tố như vậy nên đơn vị này mang những yếu tố đặc biệt, ví dụ Cục đấu tranh chống tội phạm hình sự, Cục đấu tranh chống tội phạm ma tuý... Khi khái quát lên thì có một tên gọi chung là Cục đặc biệt.
* Các đại biểu Quốc hội có băn khoăn về việc phát sinh thêm Cục Đặc biệt. Ví dụ ở một số đơn vị y tế, ban đầu cứ đỏi hỏi phải có bệnh viện đặc biệt, sau đó tiếp tục có bệnh viện đặc biệt cấp 1, rồi đặc biệt cấp 2... Khi có quá nhiều cái đặc biệt thì sẽ không còn đặc biệt nữa. Liệu Cục đặc biệt mà Bộ Công an đang sắp xếp sẽ có một hay nhiều cái đặc biệt?
Có thể là có một số cục chứ không phải chỉ một cục.
Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo tại Quốc hội sáng 7-6 - Ảnh: Quochoi.vn