Sống khỏe

Cây đàn organ mơ ước của thầy giáo nghèo

TTO - Vợ mất để lại hai con thơ, một bé bị viêm cầu thận tháng nào cũng đi bệnh viện, thầy Thái Văn Hiển ước mong có cây đàn organ để đánh đàn đám cưới kiếm tiền lo cho con...

Cây đàn organ mơ ước của thầy giáo nghèo - Ảnh 1.

Ba cha con thầy Hiển trong căn nhà rách bươm - Ảnh: QUỐC NAM

Từ huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình - một miền quê nghèo, cô Nguyễn Thị Lành, giáo viên Trường tiểu học Thanh Thủy, đã gửi đến Tuổi Trẻ câu chuyện buồn về đồng nghiệp, thầy Thái Văn Hiển.

Cô Lành viết: "Tôi là một người nằm trong ban chấp hành công đoàn trường, nơi có thầy Thái Văn Hiển (sinh năm 1985), giáo viên tổng phụ trách Đội, giảng dạy môn âm nhạc đang công tác.

Hoàn cảnh của thầy Hiển quá đặc biệt khiến tôi không thể không viết bức thư này gửi đến chương trình "Đồng hành cùng người thầy".

Số phận nghiệt ngã

Thầy Hiển năm nay bước sang tuổi 34. Thầy chưa từng dám nghĩ có ngày lại phải nương nhờ vào những chương trình nhân đạo, từ thiện từ các tổ chức xã hội, khi mà đáng lẽ ra những suất ưu tiên này nên để dành cho người nghèo khó hơn mình. Thế nhưng cuộc đời ai đoán biết được chữ ngờ...

Thầy Hiển sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha mẹ làm nông ngay trên chính mảnh đất Tuyên Hóa với bốn người con, thầy Hiển là con út. Thầy Hiển mất cha cách đây 10 năm.

Do hoàn cảnh gia đình bần nông nên bốn anh em đều sớm tự lo cho bản thân, lớn lên tự ai nấy mưu sinh. Dù vô cùng khó khăn nhưng thầy Hiển đã "bén duyên" được với nghề giáo và trở thành giáo viên âm nhạc.

Ra trường, thầy không quản xa xôi xin lên miền núi dạy học tại xã Lâm Hóa là xã xa nhất của huyện Tuyên Hóa. Được vài năm thì thầy lập gia đình. Vợ thầy cũng là một cô giáo miền núi nhưng dạy học cách chồng 180km.

Cưới nhau vài năm, hai vợ chồng có hai cô con gái. Những tưởng cuộc sống của gia đình nhỏ này cứ trôi qua êm đềm thì bất ngờ người vợ đã ra đi mãi mãi sau một tai nạn giao thông trên đường đi làm. Năm đó, đứa con gái thứ hai tròn 8 tháng tuổi. Đứa lớn mới hơn 3 tuổi.

Thầy Hiển như tan nát cõi lòng khi vợ mất, con thì thơ bé, mẹ đã già. Một tay thầy phải gồng gánh với gia đình còn lại suốt năm năm qua gồm đứa lớn đã học lớp 4, đứa bé bước vào lớp đầu cấp I. Ba cha con sống cùng bà nội trong căn nhà dột nát.

Số phận nghiệt ngã chưa buông tha thầy. Mới đây, đứa con đầu của thầy bị viêm cầu thận, hằng tháng phải vào Bệnh viện Trung ương Huế thăm khám và lấy thuốc... Bao nhiêu tiền bạc làm được thầy phải đổ theo cứu con.

Ước mơ về cây đàn organ

Nhiều bữa tâm sự với đồng nghiệp, thầy nói rất muốn làm thêm công việc gì đó để lo cho hai đứa con ngày càng lớn, chi phí sinh hoạt và học tập ngày càng cao. Một mình thầy và đồng lương giáo viên ngày càng không kham nổi.

Hầu như cuối tháng nào thầy cũng phải vay mượn thêm đồng nghiệp ít tiền để lo cho hai con, đầu tháng có lương lại trả. Cuộc sống chật vật đôi lúc cũng nản lòng, thế nhưng vì tình yêu con thầy đã cố gắng để vượt qua.

Thầy đảm nhận việc dạy môn âm nhạc cho tất cả 14 lớp với hơn 365 em học sinh toàn trường. Chính vì vậy, niềm mong mỏi bấy lâu nay của thầy là mua được cây đàn organ để làm thêm ngoài giờ bằng việc đi tham gia đánh đàn tại các chương trình đại hội hoặc cưới, hỏi...

Nhưng tích cóp mãi cũng không đủ vì phải lo cho con. Mỗi đám cưới ở quê thường trả cho người chơi nhạc khoảng 500.000 đồng. Thầy chỉ mong mỗi tháng nhận thêm được vài đám cưới vào mỗi cuối tuần là đỡ đi phần nào gánh nặng cơm áo.

Thầy nói sẽ không ngại khi mang cây đàn của mình đến trường để cùng với học trò ca hát. Học sinh được tiếp cận trực tiếp với nhạc cụ chứ không còn hát nhạc "suông" như trước nữa.

Một cây đàn organ có thể tuy chưa lớn đối với nhiều người, nhưng thật sự lớn và có ý nghĩa cho cuộc sống của đồng nghiệp tôi trong thời điểm hiện tại và cho cả mai sau".

"Đồng hành cùng người thầy" giai đoạn 2018-2020

Từ những câu chuyện xúc động giới thiệu về những tấm gương thầy cô giáo có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn kiên trì bám trụ, hết lòng chăm lo cho học trò, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng xa, năm 2017 chương trình "Đồng hành cùng người thầy" do báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức trao hỗ trợ 315 triệu đồng vốn không lãi suất cho 16 giáo viên làm thêm kinh tế gia đình trong hai năm.

Giai đoạn 2018-2020, chương trình tiếp tục triển khai nhằm tiếp sức cho các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn thuộc khu vực sáu tỉnh, thành Trung Trung Bộ và 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chương trình sẽ dành khoảng 1,5 tỉ đồng từ nguồn ủng hộ của bạn đọc để hỗ trợ vay vốn không lãi suất cho các thầy cô làm thêm kinh tế gia đình (không quá 20 triệu đồng/trường hợp) và các hỗ trợ khác dành cho những giáo viên vượt khó. Dự kiến lễ trao vốn khu vực Trung Trung Bộ được tổ chức vào tháng 6 và ĐBSCL là tháng 10-2018.

Bạn đọc có thể giới thiệu họ tên, số điện thoại và tóm tắt hoàn cảnh của những thầy cô đang giảng dạy có hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ đến với Tuổi Trẻ hoặc tham gia viết bài về những con người cao quý này. Bài viết phải là người thật việc thật, độ dài không quá 1.500 từ, chưa đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chương trình sẽ trao giải thưởng cho 10 bài viết hay (trị giá 3 triệu đồng/giải).

Thư giới thiệu hoặc bài viết gửi về ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: donghanhcungnguoithay@tuoitre.com.vn.

Thầy giáo 30 năm truyền cảm hứng môn văn cho trò Thầy giáo 30 năm truyền cảm hứng môn văn cho trò

TTO - 'Động lực của tôi rất đơn giản: các em truyền lửa dạy cho thầy, thầy cũng truyền lửa học lại cho các em', thầy Nguyễn Tấn Huy tâm sự.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,372,323       1/568