TTO - Từ khi củ sâm Ngọc Linh có giá, có những dân làng bước qua tập tục tối kỵ là "trộm cắp". Người Xê Đăng trên núi cái bụng thật thà và thẳng tưng như hồn cây, ngọn cỏ.
Hoa sâm Ngọc Linh nở trong đêm - Ảnh: T.B.D.
Củ sâm như cái kho thóc, kho lúa. Ai trộm sâm thì cũng giống như lấy mất cái ăn của vợ con người khác
(người Xê Đăng ở núi Ngọc Linh nói với nhau vậy)
Nhưng những vụ trộm sâm Ngọc Linh xảy ra đã làm các già làng buồn lòng. Những ngôi làng bình yên trên núi cao bắt đầu có động vì những trận phạt vạ nghiêm khắc chẳng kém chốn pháp đình.
Đo lòng bàn chân tìm... kẻ xấu
Tháng 7-2015, hai vụ trộm sâm xảy ra cách nhau không xa đã làm những nóc làng như có động. Hồ Văn Thắng lấy vợ rồi siêng năng lên rừng làm ăn, hai vợ chồng kiếm cho mình được một đám đất rồi nhờ Nhà nước hỗ trợ giống, Thắng gầy được một vườn sâm 6 năm tuổi.
Với người dân, vườn sâm ấy là cả một gia tài và nhiều người mường tượng rằng nếu không có việc gì xảy ra thì chẳng mấy lâu nữa Thắng sẽ có trong tay bạc tỉ.
Vậy mà chuyện xấu xảy ra và cũng là vụ án mà gần như lâu nay chưa từng có ở Măng Pre. Một buổi sáng ra vườn, sau khi đi bộ khoảng 50 phút lên núi thì Thắng ôm mặt, đứng xót xa khi thấy những luống sâm của mình bị đào xới.
Chuột ăn? Không phải! Con heo rừng hư hỏng tràn vào quấy phá? Cũng không. Thắng kiểm tra kỹ và phát hiện trên đám lá mục giữa luống sâm có dấu những bàn chân người.
Rừng già mênh mông, xung quanh vườn sâm của Thắng có mấy hộ gia đình khác cũng đang gieo giống nhưng từ trước đến nay không giữ cho nhau thì thôi chứ chẳng ai lấy của nhau bao giờ.
Cái tin "vườn sâm nhà Hồ Văn Thắng" - công dân nóc Tắk Ngo 1, bị người xấu vào nhổ trộm mất mấy chục gốc sâm, thiệt hại khoảng 5 lượng sâm đã làm náo động và gây ngờ vực khắp làng Tắk Ngo 1.
Người buồn nhất làng không phải là chủ sâm mà có lẽ là già làng Hồ Văn Suốt - người uy tín bao nhiêu năm nay giữ cho mọi người trong làng sống tốt với nhau.
Khi Thắng đến trình báo, già làng Suốt chẳng nói gì, ngồi bên bếp lửa ánh mắt hướng ra núi, không ai biết già đang nghĩ gì.
Vụ trộm sâm là chưa có tiền lệ, kẻ trộm nhất định là người xấu, phải tìm cho ra được để trị tội và làm gương cho người làng. Ông Suốt quả quyết như vậy.
Ngay tối hôm đó từng gia đình được thông báo sáng hôm sau tập trung tại điểm trường học của làng để nhóm họp. Ai bận việc gì cũng phải gác hết bởi đó là lần họp hệ trọng.
Tờ mờ sáng hôm sau, mấy chục cái đầu đã lúc nhúc từ các hướng về ngồi chồm hổm dưới điểm trường. Già làng Suốt là người điều hành cuộc họp, tham dự có bí thư chi bộ Hồ Văn Lang, cán bộ thôn Hồ Văn Sác.
"Ở làng mình có việc rất xấu làm bà con bực cái bụng mà giờ chưa biết ai làm. Vườn sâm nhà Hồ Văn Thắng ở nóc Măng Pre bị trộm vào nhổ mất mấy chục gốc, không phải con heo, không phải con chuột ăn mà là con người. Ai trộm sâm thì đứng lên thú nhận để chịu phạt" - già làng cất tiếng.
Vì không ai nhận nên màn "truy vấn" bắt đầu.
Trong buổi sáng, lần lượt từng người được gọi lên, tới phiên Đinh Văn Hảo được gọi lên thì người này cúi gằm mặt. Hảo lọt vào diện "nghi can số 1" trong làng vì bị coi là "lười biếng, không chịu làm ăn, chỉ lo uống rượu".
Ông Hồ Văn Đoàn - người trực tiếp "điều hành" cuộc họp hôm ấy - nói rằng phải mất hơn nửa ngày tra khảo, tới 4h chiều Hảo mới bất ngờ thú nhận: "mình là kẻ trộm" khi chủ sâm Hồ Văn Thắng đưa mắt soi kỹ bàn chân Hảo, rồi nói to giữa làng rằng "cái bàn chân này rộng bằng cái vết chân để lại trên rẫy".
Để tâm phục khẩu phục, người làng dẫn "nghi can" lên vườn sâm mất trộm để đặt bàn chân của Hảo vào cái vết lõm chân người giữa luống sâm. Khi bàn chân ấy được nhấc lên rồi nằm gọn lỏn, khít rịt trong vết chân để lại, người làng mới ồ lên và đồng ý đưa Hảo về xử án.
Mức án được đưa ra là Hảo phải đền 5 triệu đồng cho Hồ Văn Thắng, đồng thời trình báo công an.
Những củ sâm giống được chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới - Ảnh: T.B.D.
Củ sâm độc
Không phải kẻ trộm sâm nào cũng bị phát hiện. Chủ vườn sâm Hồ Văn Đoàn nói rằng cần phải có sự chứng giám của Yang thì kẻ trộm mới cúi đầu nhận tội. Vụ việc vườn sâm của ông và ông Hồ Văn Dương mất sâm là một ví dụ.
"Vườn của mình và Dương đêm qua bị kẻ xấu vào nhổ trộm. Mỗi người mất 5 lượng sâm" - ông Đoàn nói.
Sáng hôm sau Dương và Đoàn nhờ già làng tập hợp dân làng để tìm ra kẻ cắp. Cuộc họp cũng diễn ra gay cấn như chốn pháp đình.
Theo thông lệ xử án được làng đặt ra, từng người trong làng phải đứng lên đối chất. Ai cũng phải khai đêm hôm vườn sâm bị mất trộm mình đã ở đâu, làm gì, đi với ai, uống rượu chỗ nào.
Truy mãi nhưng vẫn không có đối tượng tình nghi nào chịu thú nhận mình là kẻ trộm sâm.
Lúc này già làng đưa một củ sâm ra và bảo nếu ai ăn trộm thì sẽ không dám nếm củ sâm này bởi có... Yang chứng kiến. Ai không trộm thì nếm sâm chẳng bị sao, ngược lại kẻ trộm nếm củ sâm sẽ phát độc, người xấu sẽ lăn quay ra chết trong đau đớn.
Khi củ sâm được chuyền qua Hồ Văn Hơn thì anh ta nhất quyết không ăn. Chủ sâm Hồ Văn Đoàn và Hồ Văn Dương hỏi tại sao không ăn thì Hơn bảo "mình không có lấy trộm sâm của Dương, Đoàn".
"Không lấy trộm sao không cắn củ sâm này? Mày mà lấy trộm rồi thì cắn củ sâm này thì sẽ chết một cách đau đớn". Lúc này Hơn mới thừa nhận chính mình đã lấy trộm.
Nạp phạt bằng... ché quý
Hồ Văn Đoàn - một chủ vườn sâm bị mất trộm - Ảnh: T.B.D.
Chủ sâm Hồ Văn Đoàn nhớ lại: "Lúc nó nhận xong thì mình bực lắm nhưng không có đánh nó. Còn ông Dương thì bặm môi, vung tay... bạt tai Hơn một cái làm nó té ra nền.
Người làng thấy thế níu tay Dương can lại. Họ bảo củ sâm đã nhổ bán đi rồi thì không lấy lại được, Hơn phải đền cho Đoàn và Dương bằng ché và các vật dụng có giá trị trong nhà".
Kỳ tới: Khi kẻ trộm sâm là... chuột