TTO - "Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 94 trong danh sách các nước dùng nhiều rượu bia. Đến năm 2016, đã tiến lên vị trí 64. VN đã tiến rất nhanh trong danh sách này".
Ỏ Việt Nam, tỷ lệ nam - nữ uống bia rượu trung bình là 77% - 11%
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới tại VN chia sẻ như trên tại hội thảo về dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ở Hà Nội sáng 8-6.
Theo ông Lâm, với lượng rượu bia tiêu thụ hiện nay tương đương 8,3 lít cồn/người/năm, ở khu vực Châu Á VN đang xếp thứ 3, cao hơn nhiều nước như Nhật, đứng thứ 64 trên thế giới về lượng cồn tiêu thụ.
Điều đặc biệt hơn nữa, theo ông Lâm, con số chung kể trên là tính bình quân/người, nhưng ở VN, nữ giới sử dụng rượu bia không nhiều mà chủ yếu người dùng là nam.
"Trung bình thế giới tỉ lệ uống rượu bia ở nam/nữ là 48% - 29%, trong khi ở VN là 77% - 11%. Do đó, nếu tính riêng số nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu bia thì một nam giới VN tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (con số năm 2010), mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 ở Châu Á và thứ 29 thế giới"- ông Tuấn Lâm cho biết.
Các doanh nghiệp sản xuất rượu bia và ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của bia rượu cũng đang có những tranh cãi xung quanh dự thảo.
Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng không cần thiết ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, do hiện nay có tới 85 văn bản từ Luật, Nghị định, nghị quyết, chỉ thị... quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia.
Ngoài ra, hiện bình quân người Việt mới tiêu thụ 4,4 lít cồn/người/năm và loại rượu gây ngộ độc, không kiểm soát được hiện nay chủ yếu là rượu sản xuất thủ công.
Tuy nhiên, ban soạn thảo Luật cho rằng trong 85 văn bản liên quan đến quản lý rượu bia thì chỉ còn 33 văn bản còn hiệu lực, chưa kể có khoảng trống lớn chưa được điều chỉnh, thiếu quy định phòng ngừa tác hại rượu bia.
Ban soạn thảo cũng cho rằng lượng rượu bia tiêu thụ thực tế hiện nay là nhiều (8,3 lít cồn/người/năm), không phải chỉ 4,4 lít cồn/người/năm như doanh nghiệp công bố.
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng cho biết đang tích cực hoàn thiện dự thảo này để trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm 2019. Đây là dự thảo có thời gian xây dựng dài nhất trong ngành y tế: Kể từ khi bắt đầu có ý tưởng, đặt bút viết đến nay đã gần 10 năm nhưng vẫn đang còn tiếp tục phải bàn thảo.
Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.