Sống khỏe

Thiếu vật liệu, Bình Dương đề xuất gia hạn nhiều cụm mỏ đá 'khủng'

TTO - Hai cụm mỏ đá thuộc “top” lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ tại thị xã Dĩ An, Bình Dương được đề xuất gia hạn khai thác sâu tới 130-150m để lấy đá làm vật liệu xây dựng, trong khi có những lo ngại về môi trường.

Thiếu vật liệu, Bình Dương đề xuất gia hạn nhiều cụm mỏ đá khủng - Ảnh 1.

Mỏ đá Tân Đông Hiệp nằm kế khu dân cư được đề xuất gia hạn khai thác tới cote -150 (tương đương độ sâu lớn nhất từ mặt đất tự nhiên xuống khoảng 170m) - Ảnh: B.SƠN

Ngày 9-6, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn tới 2030.

Quy hoạch này dù mới được tỉnh Bình Dương thông qua năm 2016 nhưng tới nay lại đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh vì nhận được đề nghị của các doanh nghiệp khai thác đá.

Đáng chú ý, theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương, có hai cụm mỏ đá được đánh giá là thuộc nhóm các mỏ đá lớn và tốt nhất Đông Nam Bộ được đề xuất gia hạn là: cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, diện tích gần 45ha, đề xuất gia hạn khai thác sâu cote tới -150m (cũ là -120m); cụm mỏ đá Núi Nhỏ, diện tích hơn 27ha, đề xuất gia hạn khai thác sâu cote tới -130m (cũ là -100m).

Thời gian gia hạn khai thác với cả hai cụm mỏ đá này là tới hết 31-12-2019 (cũ là tới hết năm 2017).

Có nhiều ý kiến cử tri băn khoăn việc gia hạn khai thác mỏ đá sâu như vậy có thể ảnh hưởng tới môi trường, an toàn và cuộc sống của người dân. Cả hai cụm mỏ đá đều nằm tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương - là khu vực gần với TP.HCM đã phát triển đô thị khá mạnh.

Thiếu vật liệu, Bình Dương đề xuất gia hạn nhiều cụm mỏ đá khủng - Ảnh 2.

Mỏ đá Tân Đông Hiệp đã khai thác sâu tới cote -120m, nay đề xuất khai thác sâu thêm tới cote -150m. Ảnh: B.SƠN

Ví dụ như đối với cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp chỉ nằm cách tuyến đường sắt Bắc - Nam vài trăm mét. Còn tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ nằm kế bên cụm mỏ đá này đã phải "nắn" tuyến để né mỏ đá, dẫn tới phải giải tỏa lần 2 nhiều hộ dân...

UBND tỉnh Bình Dương cho rằng mặc dù có những lo ngại nhất định nhưng việc khai thác thêm độ sâu của hai cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, Núi Nhỏ sẽ tận dụng được nguồn vật liệu đá xây dựng có chất lượng cao, trong khi không mở rộng diện tích mỏ, giảm suất đầu tư so với mở mỏ mới, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội. 

Vì vậy, UBND tỉnh vẫn trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh gia hạn các mỏ đá trong kỳ họp sẽ diễn ra trong tháng 6-2018.

Bổ sung nhiều quy hoạch khai thác đá, cát

UBND tỉnh Bình Dương cũng đề xuất gia hạn một số mỏ đá và bổ sung quy hoạch để khai thác cát tại một số khu vực khác như: gia hạn cụm mỏ đá Thường Tân III và Thường Tân IV tại huyện Bắc Tân Uyên tới cote -100m (cũ là cote -70m); bổ sung thăm dò, khai thác 27ha trong tổng số 200ha diện tích đã được đánh giá để khai thác cát tại khu vực Bàu Sen, huyện Dầu Tiếng....

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,364,946       1/259