Sống khỏe

Nhà máy đường Ấn Độ nợ thuế hơn 110 tỉ, dân ôm đường trừ nợ

TTO - Sau khi làm hợp đồng với nhà máy lấy đường để trừ nợ, người dân thuê bãi chuyển đường về cất giữ. Tuy nhiên, số đường này không hề có hoá đơn vì trước đó, nhà máy NIVL đã bị Cục thuế tỉnh Long An đề xuất rút giấy phép vì nợ quá nhiều.

Ngày 9-6, ông Cao Văn Tạo – cục trưởng Cục thuế tỉnh Long An – cho biết, đơn vị này đã có văn bản yêu cầu rút giấy phép hoạt động đối với Nhà máy đường Ấn Độ (NIVL, xã Lương Hoà, Bến Lức, Long An) vì nợ thuế dài hạn không chi trả.

Hết cách để giải quyết thuế

"Hiện tại, số tiền NIVL nợ thuế còn hơn 110 tỉ đồng. Việc nợ tiền thuế này kéo dài qua các năm. Cục thuế Lonh An cũng đã đề xuất UBND tỉnh tạo điều kiện nhiều lần, gia hạn để công ty có cơ hội thực hiện việc trả nợ. Tuy nhiên, do đơn vị này vẫn không chi trả nên chúng tôi phải sử dụng những biện pháp khống chế theo quy định. Trong đó có cả việc ngừng cung cấp hóa đơn biên lai đối với nhà máy này", ông Tạo nói.

Nhà máy đường Ấn Độ nợ thuế hơn 110 tỉ, dân ôm đường trừ nợ - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Văn Hiền đành chặt bỏ hơn 2 mẫu mía để dưỡng đất vì không thể bán tiếp cho NIVL. Ảnh: SƠN LÂM

Trong khi đó, bà Đinh Thị Phương Khanh – phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Long An – cho biết vụ 2017-2018, toàn tỉnh Long An có hơn 8.000 ha mía ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa và Đức Huệ.

Hiện tại, có khoảng 7.000 ha đã thu hoạch, với sản lượng hơn 470.000 tấn mía. Tính đến giữa tháng 4-2018, Công ty cổ phần NIVL đã thu mua 215.000 tấn mía. Ngoài ra còn có một số công ty tham gia thua mua mía tại Long An như: Công ty cổ phần Thành Công Tây Ninh (mua 54.000 tấn), Nhà máy đường Bến Tre (thu mua 127.000 tấn), Nhà máy đường Phụng Hiệp (7.000 tấn), Nhà máy đường Sóc Trăng (2.000 tấn).

"Riêng nhà máy NIVL sau khi thu mua mía cho người dân, đến nay vẫn còn nợ 36 tỉ đồng tiền thu mua vụ mía năm nay, cộng thêm khoản nợ cũ 68 tỉ vẫn chưa thể thanh toán", bà Khanh nói.

Chiều 8-6, anh Huỳnh Văn Hiền vẫn đứng trên ruộng mía cách nhà máy chưa đầy 1km của mình để chặt mía. Nhưng anh Hiền không phải chặt để thu gom, mà chặt để xô ngã xuống bỏ đi. "Nhà máy còn nợ tui hơn 2 tỉ đồng tiền mía. Giờ nhà máy cũng không còn khả năng thu mua, tiền thu hoạch, vận chuyển cũng rất tốn kém mà cũng không biết chuyển đi đâu để bán. Thôi thì đành chặt bỏ để dưỡng đất chứ đâu còn cách nào khác", anh Hiền nói.

Năm ngoái, vì cũng còn một số nợ trong nhà máy nên anh Hiền vẫn tiếp tục đầu tư trồng mía để bán, hy vọng năm nay sẽ khác. Mỗi ha mía, anh Hiền để vào hơn 40 triệu để trồng, thu được hơn 70 tấn. "Năm nay chi phí đầu tư xem như là chi phí lỗ trắng", anh Hiền mếu máo.

Hợp đồng 3.500 tấn đường để trừ nợ

Trong khi đó, vì đang phải chịu "xiết" từ Cục Thuế tỉnh Long An, nhà máy NIVL cũng không thể tiếp tục bán số đường tồn kho kiếm tiền vì không có hóa đơn. Quá sốt ruột, nhiều người dân đã đến làm "hợp đồng" với nhà máy NIVL, lấy đường để trừ nợ. "Ban đầu thì tụi tui cũng không chịu, nhưng giờ đâu còn cách nào khác. Đành phải lấy đường đỡ chứ tiền thì chắc chắn không đòi được rồi", ông Nguyễn Chí Hoàng, một người nhà máy còn hơn 5 tỉ đồng, cho biết.

Với giá hai loại đường là 12.500 đồng/ kg và 13.000đồng/kg, ông Hoàng "đổi" ra được khoảng 400 tấn đường trong kho của nhà máy.

Làm hợp đồng lấy đường rồi vẫn chưa yên tâm, ngày 8-6, ông Hoàng và một số người dân khác đã hùn nhau thuê một nhà kho gần đó để chuyển đường ra cất giữ. "Nhà kho này thuê 125 triệu/tháng, nhưng thà vậy cũng yên tâm hơn để trong nhà máy", ông Hoàng nói. Trong chiều 8-6, người dân đã cho xe vào chuyển ra hơn 100 tấn đường để vào kho.

Nhà máy đường Ấn Độ nợ thuế hơn 110 tỉ, dân ôm đường trừ nợ - Ảnh 2.

Người dân hùn nhau thuê kho với giá 125 triệu đồng/ tháng để chuyển đường từ nhà máy ra cất giữ cho yên tâm. Số đường này vẫn chưa có hóa đơn. Ảnh: SƠN LÂM

Tuy nhiên, điều ông Hoàng lo lắng nhất hiện nay là số đường này không biết bán cho ai. Hợp đồng mà người dân ký với NIVL, thể hiện việc người dân sẽ lấy số đường trong kho của nhà máy có giá trị tương đương với số nợ, sau này nhà máy sẽ xuất hóa đơn sau.

"Đem bán sỉ thì không được, lấy ra bán lẻ tẻ thì đâu ai mua … Giờ chỉ còn mong nhà nước có phương pháp gì giải cứu giúp không", ông Hoàng nói như chực khóc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 9-6, ông Phạm Văn Cảnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Long An – cho biết đã nhận được báo cáo từ UBND huyện Bến Lức có khoảng 3.500 tấn đường được NIVL làm hợp đồng với dân để trừ nợ.

"Số đường này không có hóa đơn nên không thể mua bán. Tỉnh vừa nghe việc dân chuyển đường ra khỏi kho nhà máy nên đã chỉ đạo UBND huyện nhanh chóng tiếp xúc, hướng dẫn, giải thích cho người dân những vấn đề liên quan để tỉnh có hướng xử lý tiếp theo", ông Cảnh nói.

Về việc tiêu thụ mía tại Long An, ông Cảnh cho biết thêm tỉnh vẫn đang nỗ lực "năn nỉ" thêm các nhà máy về hỗ trợ tiêu thụ với số diện tích gieo trồng ban đầu. "Tuy nhiên, NIVL vẫn ra giá cao hơn một chút để dành hợp đồng với người dân. Lúc này NIVL vẫn trong quá trình hoạt động, việc người dân chọn lựa nhà máy để hợp đồng là quyền của họ nên không thể can thiệp",ông Cảnh nói thêm.

Hiện tại, nhà máy NIVL đang trong thời hạn 90 ngày "thử thách", nếu không trả được nợ thuế, tỉnh Long An sẽ rút giấy phép hoạt động.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,364,893       1/259