Sống khỏe

Mây pha lê: Phép thử với công chúng Việt Nam

TTO - Mây pha lê được làm ròng rã suốt hai tháng, nhưng chỉ được trưng bày đúng hai tuần ngắn ngủi. Sự ra đi của Mây pha lê đã để lại nhiều câu hỏi.

Chiều 9-6, tại Hà Nội, những người đã từng có cơ hội ngắm Mây pha lê, và những người chưa có có cơ hội đã được chiêm ngưỡng Mây pha lê tại buổi tọa đàm Land Art (Nghệ thuật thực địa) và câu chuyện về Triển lãm Mây pha lê do salon văn hóa Cà phê thứ bảy tổ chức.

Tại đây, tác phẩm Mây pha lê là trường hợp điển hình để đưa ra làm ví dụ, giúp khán giả hiểu thêm về nghệ thuật thực địa (Land Art) vốn còn rất mới tại Việt Nam.

Mây pha lê: Phép thử với công chúng Việt Nam - Ảnh 1.

Tác phẩm Mây pha lê - Ảnh: NAM TRẦN

Sau khi xem Mây pha lê thông qua clip của nhà báo Mai Trung Kiên (VOV) quay, rất nhiều người đã tán thưởng vẻ đẹp kì diệu của công trình khi được ngắm nó từ trên cao, trong buổi sáng sớm cho đến khi chiều tà và màn đêm buông xuống.

"Công trình làm ròng rã suốt hai tháng nhưng chỉ được trưng bày đúng hai tuần", kiến trúc sư Lê Việt Hà, người hỗ trợ cặp nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao và Xavier Perrot thực hiện công trình nghệ thuật cảnh quan Mây pha lê nói trong tiếc nuối.

Triển lãm Mây pha lê - La Pán Tẩn năm 2018 đã khai mạc sáng 19-5-2018 tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Tác phẩm Mây Pha Lê 

Công trình này đã gây ra nhiều tranh cãi, khi cộng đồng mạng bày tỏ lo ngại tác phẩm sẽ làm ảnh hưởng đến đồi Mâm Xôi "huyền thoại".

Dù những người thực hiện đã đứng ra đảm bảo công trình không gây hại tới Đồi Mâm Xôi, nhưng rốt cục Mây pha lê đã không thể trụ được từ mùa nước đổ (tháng 5) đến ngày mùa lúa chín (tháng 10) như dự định. Chính quyền địa phương đã quyết định không để triển lãm kéo dài như dự định ban đầu.

Sau khi dỡ công trình, đội ngũ thực hiện đã tặng lại bà con lưới kẽm, cọc thép, còn những viên pha lê thì Andy Cao và Xavier Perrot phải đem về cho hãng pha lễ Swarovski.

Nhà báo Mai Trung Kiên cho biết khi anh đưa những bức ảnh đầu tiên về triển lãm Mây pha lê lên mạng xã hội, nhiều đồng nghiệp đã phản ứng dữ dội, thậm chí còn chế giễu anh.

Đến khi được lên Mù Cang Chải chiêm ngưỡng Mây pha lê tận mắt, đủ mọi thời gian trong ngày, Mai Trung Kiên cho biết với anh đây là một tác phẩm nghệ thuật rất đẹp.

Nhà báo này cho biết việc chỉ ngắm tác phẩm qua một bức ảnh, và được tới tận nơi, nhúng mình vào khung cảnh thật, cảm nhận tác phẩm là hai cảm giác hoàn toàn khác nhau.

Một khán giả tên Vân tham gia tọa đàm cho biết vì có công việc tại Mù Cang Chải nên chị đến đây vào rất nhiều mùa trong năm. Tới triển lãm Mây pha lê chị đã bị choáng ngợp vì vẻ đẹp của tác phẩm.

Cuộc tọa đàm đã chỉ ra rằng dân du lịch có thể coi Đồi Mâm Xôi là một tạo tác của thiên nhiên, nhưng với những người chủ ruộng ở La Pán Tẩn, Đồi Mâm Xôi đơn giản là cái ruộng để họ cấy lúa.

"Rất nhiều người nói Đồi Mâm xôi quá đẹp và không cần thêm bất cứ một tác phẩm nào ở đó. Thực tế Đồi Mâm Xôi rất đẹp vào mùa lúa chín và mọi người chủ yếu biết tới ngọn đồi thông qua những bức ảnh mà thôi.

Còn lại những tháng khác trong năm nó cũng đầy cỏ và tam giác mạch. Với người dân ở đây, Đồi Mâm Xôi cũng giống như ruộng cấy lúa như dưới xuôi thôi", kiến trúc sư Lê Việt Hà nói.

Để thực hiện được tác phẩm Mây pha lê, ê-kíp phải thuyết phục được chủ ruộng Đồi Mâm Xôi, xin phép chính quyền địa phương, đồng thời phải tự lo kinh phí thực hiện.

Yêu cầu của hai nghệ sĩ Andy Cao và Xavier Perrot đặt ra là công trình không được ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và người dân sẽ tham gia thực hiện tác phẩm. Sau khi công trình hoàn thành, chính người dân địa phương là người hướng dẫn du khách nên thăm công trình.

Mây pha lê: Phép thử với công chúng Việt Nam - Ảnh 3.

Hai nghệ sĩ Andy Cao và Xavier Perrot đã hướng dẫn người dân đính pha lê, tạo thành tác phẩm - Ảnh: NAM TRẦN

"Thực tế đã có rất nhiều người đã đề nghị đưa Mây pha lê về chỗ họ nhưng Andy Cao nói tác phẩm này không phải cái đèn chùm để có thể treo ở nhà nào cũng được. Nếu đơn vị nào muốn thực hiện thì anh sẽ phải căn cứ vào cảnh quan họ có để thực hiện tác phẩm riêng".

Kiến trúc sư Lê Việt Hà

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người đã lên Mù Cang Chải ngắm Mây pha lê vào giờ chót cho biết: "Tôi đã ngắm tác phẩm khổng lồ này vào cả sáng và tối. Vào ban đêm nó tạo ra khung cảnh cổ tích vô cùng lộng lẫy.

Điều thú vị nhất của Mây pha lê là tác phẩm này đã kích thích tôi phải đi 400km để tìm một điều gì đẹp đẽ, và tôi đã được ngắm một vẻ đẹp xứng đáng. 

Còn mọi người ở nhà ngắm tác phẩm thông qua một bức ảnh nhỏ xíu, theo tôi, họ cũng nhận được cảm giác tương xứng với bức ảnh thôi. Tôi đã muốn tác phẩm này có vòng đời dài hơn".

Điêu khắc gia Đào Châu Hải nhận định: "Nhóm tác giả làm Mây pha lê rất chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật thực địa (Land Art), từ việc chọn địa điểm, chất liệu, tương quan của tác phẩm với địa hình, hiệu ứng thị giác…

Hiện nay khắp đất nước chúng ta bị tra tấn thị giác bởi đèn màu quán karaoke, những công trình bắt chước châu Âu một cách rẻ rúng, Phan Xi Păng đẹp thế mà cũng bị biến thành nơi xô bồ...

Tác phẩm Mây pha lê đã mang đến chúng cho ta một nghệ thuật mới lạ, rất đương đại, có thẩm mĩ, mà muốn hiểu chúng ta phải học hỏi".

Mây pha lê - La Pán Tẩn: sao không mở lòng mà cứ chửi rủa ném đá? Mây pha lê - La Pán Tẩn: sao không mở lòng mà cứ chửi rủa ném đá?

TTO - Triển lãm sắp đặt 'Mây pha lê - La Pán Tẩn năm 2018' (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) vừa khai mạc sáng 19-5 với số lượng du khách tới tham quan không quá đông và đột biến.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,201,928       3/576