Sống khỏe

World Cup rồi về đâu?

TTO - Vài ngày nữa, World Cup 2018 sẽ khai mạc có lẽ không theo cách hào hứng như đa phần dân hâm mộ bóng đá trông đợi, giữa hai động bóng Nga và Saudi Arabia. Vì sao?

World Cup rồi về đâu? - Ảnh 1.

Tuyển Nga tập luyện chuẩn bị cho World Cup 2018 - Ảnh: REUTERS

Bóng đá Nga hùng mạnh một thời với vô vàn giai thoại lần đầu tiên tổ chức giải đấu nhằm vào đúng nền bóng đá của họ suy yếu, nếu ta xem bảng xếp hạng FIFA là một căn cứ xác đáng. Chưa có đội chủ nhà nào bước vào giải với vị thế đó.

Trước đây, đá trận khai mạc World Cup là vinh dự dành cho đội đương kim vô địch. Còn cách nào "làm nóng" cho giải đấu tốt hơn là đưa đội vô địch ra. Và nhiệt độ của giải đấu nhiều khi tăng cấp kỳ ngay từ trận mở màn, với các bất ngờ như Cameroon hạ Argentina 1-0 tại World Cup 1990 hay Pháp gục ngã 0-1 trước Senegal tại World Cup 2002.

Thay đổi bắt đầu từ World Cup 2006, các nước chủ nhà vinh dự đá trận khai mạc. Đức hay Brazil mở màn giải đấu thì được, không khí sôi lên ngay. Nam Phi thì không, và Nga thì chả chắc, nhưng cứ chờ xem đã.

Tất nhiên, sẽ là quá nóng vội nếu chúng ta muốn thấy "cực điểm" ngay từ trận mở màn, nó sẽ đến từ từ vào phần sau. Nhưng nếu xét về khía cạnh chuyên môn thuần túy, World Cup có còn là "cực điểm" của mọi hoạt động bóng đá trên thế giới? 

Không!

Thời kỳ vàng của World Cup là khoảng thời gian 1970-1990, 4 năm mỗi lần, trong vòng 4 tuần, bên cạnh không khí lễ hội, các đội bóng còn mang đến những phát kiến, tinh thần phát triển. 

World Cup rồi về đâu? - Ảnh 2.

Sự vắng mặt của Bale là điều đáng tiếc ở World Cup 2018 - Ảnh: REUTERS

Các đội bóng vĩ đại như Brazil của Pele, Hà Lan của Johan Cruyff hay Tây Đức của Franz Beckenbauer mang đến World Cup những thứ vượt xa trình độ bóng đá CLB thời điểm đó. Tới năm 1990, HLV Arrigo Sacchi còn hào hứng nhận xét rằng các CLB sẽ không bao giờ đạt đến trình độ của các ĐTQG.

Nhưng không lâu sau đó, Sacchi đã sai. 

Thương mại hóa bóng đá đã hoán đổi thứ bậc giữa bóng đá ĐTQG và bóng đá CLB. Tiền đổ vào UEFA Champions League và các giải đấu quốc gia ở Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý lớn chưa từng thấy và không có dấu hiệu dừng lại. World Cup 2018, đội vô địch được nhận 38 triệu USD tiền thưởng cộng 1,5 triệu USD tiền chuẩn bị. Đấy là giải đấu 4 năm tổ chức một lần.

Champions League mùa vừa kết thúc, đội vô địch Real Madrid nhận 64,5 triệu USD tiền thưởng từ kết quả thi đấu cộng với 42,5 triệu USD từ tiền chia bản quyền truyền hình, cộng lại là 107 triệu USD, gấp 3 lần vô địch World Cup. Mà Champions League thì năm nào cũng có. 

Chỉ nói chuyện tiền thôi, World Cup đã không là "cực điểm" rồi.

World Cup 2018 thiếu vắng nhiều siêu sao, có thể kể vài cái tên Gareth Bale, Alexis Sanchez, Arjen Robben. Gianluigi Buffon ngồi nhà xem Tunisia gặp Panama. Nếu bạn lấy tạp chí Four Four Two số gần nhất ra xem, trong danh sách 100 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới họ xếp, có 69 cầu thủ sẽ đến nước Nga trong khi 95 cầu thủ đã xuất hiện ở vòng bảng Champions League mùa qua.

Còn nói về chuyện HLV, khoảng cách lớn hơn. 

Chỉ có 3 trong số 32 HLV đến Nga từng dẫn dắt một đội dự Champions League trong vòng 5 mùa giải trở lại đây: Jorge Sampaoli (Argentina), Age Hareide (Đan Mạch), Julen Lopetegui (Tây Ban Nha).

Ngày trước, ở các kỳ World Cup thường xuất hiện các HLV ngôi sao, giành được các phần thưởng cao nhất ở cấp bóng đá CLB trước khi làm ĐTQG, như Rinus Michels, Ernst Happel, Arrigo Sacchi, Marcelo Lippi, Vicente del Bosque… nhưng bây giờ không có.

Đây là World Cup đầu tiên kể từ năm 1970, không có sự góp mặt của HLV nào từng đoạt cúp C1/Champions League; và là World Cup đầu tiên kể từ năm 1958, không có sự góp mặt của HLV nào từng vô địch Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý.

Nếu dựa vào bảng xếp hạng FIFA để chọn đội được dự World Cup thì sẽ có 27/32 đội đến từ châu Âu và Nam Mỹ. Nhưng toàn cầu hóa bóng đá không thể thực hiện theo cách đó được. Tuy nhiên, ý tưởng nâng số đội tham dự World Cup thành 32 lên 48 đội thì quả là một sự pha loãng quá thể. 32 đội như thế này đã loãng rồi.

World Cup còn lại gì, vâng đúng, màu sắc, âm thanh, lối sống các nền văn hóa hòa trộn với nhau, trong vòng 1 tháng. Cả các giây phút xúc động, lắng đọng, rùng mình, nghẹt thở. Song hình như những thứ đó ngày càng nhàn nhạt. Bộ não con người 30 năm trước tiếp nhận chỉ tiếp nhận 5 điều mỗi ngày. 30 năm sau, kích cỡ bộ não vẫn vậy, mà phải tiếp nhận vào 500 điều, đọng lại gì? 

Ta vẫn nhớ "cú xoay người Cruyff", bàn tay của Chúa và pha ghi bàn tuyệt vời nhất lịch sử World Cup của Maradona trong cùng trận đấu, cú chuyền như có mắt sau lưng của Pele cho Luis Alberto ghi bàn trong trận chung kết năm 1970. 

Nhưng ai nhớ gỡ hòa cho Ý ở trận chung kết năm 2006 là cầu thủ nào, bàn thắng mang cúp về cho Tây Ban Nha năm 2010 được Andres Iniesta thực hiện ra sao?

Bàn thắng ghi trong trận chung kết World Cup vào tháng tới cùng lắm cũng chỉ được nhớ như cú ghi bàn "xe đạp chổng ngược" tuyệt vời của Bale trong trận chung kết Champions League tháng trước, rồi nhanh chóng bị hòa tan giữa những ký ức khác.

Ai là những sao không vượt qua vòng loại World Cup 2018? Ai là những sao không vượt qua vòng loại World Cup 2018?

TTO - Ngoài việc bị chấn thương hay bị HLV loại, một lý do chính khiến nhiều cầu thủ phải ngồi nhà chính là việc đội tuyển của họ không thể vượt qua vòng loại World Cup 2018?

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,364,968       1/259