TTO - Qua việc Quốc hội lùi Luật Đặc khu sau khi lắng nghe dư luận, trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận định người dân rất quan tâm đến những bộ luật có ảnh hưởng kinh tế - xã hội lớn.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Ảnh: V.D
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 11-6 sau khi các đại biểu tán thành lùi thời gian thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nói: "Trên 85% đại biểu tán thàng thể hiện sự nhất trí rất cao, rằng các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, những hoạt động của Quốc hội cũng được người dân rất quan tâm và nêu ý kiến của mình".
Qua sự việc này, bà Hải chia sẻ với nhận định mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra sáng nay: Người dân rất quan tâm đến những vấn đề Quốc hội đang thảo luận, đặc biệt là những bộ luật có ảnh hưởng lớn tới những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
"Đó là điều rất tự nhiên, thể hiện trách nhiệm của công dân, người dân với sự phát triển của đất nước. Cách thể hiện qua rất nhiều kênh, như qua phản ánh kiến nghị, tiếp xúc cử tri, các phương tiện thông tin đại chúng khác", bà Hải nói.
"Chúng tôi, những đại biểu Quốc hội, và Ban Dân nguyện không có khoảng cách với cử tri và người dân, vì chúng tôi là do người dân bầu nên. Do vậy, chúng tôi tiếp thu kiến nghị, phản ánh của cử tri và thận trọng cân nhắc, xem xét những kiến nghị này để có báo cáo với Quốc hội, để dự thảo luật đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của cử tri".
Theo trưởng ban Dân nguyện, việc Quốc hội thống nhất cho lùi Luật đặc khu đã phần nào đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri.
"Sau khi bấm nút thông qua đầu giờ họp, ngay tại giờ giải lao lúc 9h30, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự thống nhất, đồng tình và đánh giá cao các đại biểu Quốc hội và Quốc hội đã lắng nghe ý kiến kiến nghị của cử tri", bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, trước thực tế là việc bày tỏ mong muốn, nguyện vọng một cách chính đáng của người dân khó tránh được những hình thức quá khích, ảnh hưởng tới hoạt động thông thường như đã xảy ra ở một số địa pương, trưởng ban Dân nguyện càng nhấn mạnh các kênh tiếp thu ý kiến cử tri và nhân dân trong thời gian tới phải hoạt động rất tích cực hơn.
Trước một số ý kiến cho rằng xảy ra tình trạng tụ tập đông người lộn xộn trong ngày hôm qua 10-6 là do chưa có Luật Biểu tình, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết dự luật này rất được quan tâm soạn thảo, nhưng do chất lượng dự thảo chưa được như mong muốn nên vẫn chưa được đưa ra xem xét.
"Tất cả các vấn đề này là nhu cầu của người dân và đảm bảo thực hiện theo quy định của Hiến pháp 2013. Việc xây dựng dự thảo luật phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng nguyện vọng của người dân, đảm bảo thể chế hoá và hiện thực hoá quan điểm của Hiến pháp một cách chính xác nhất", trưởng ban Dân nguyện nói.
Được biết trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 cũng vẫn chưa có Luật Biểu tình.