Sống khỏe

Có dữ liệu công dân: tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển lành mạnh

Trong công văn vừa gửi các tổ chức tín dụng, Ngân hàng nhà nước chấn chỉnh tín dụng tiêu dùng. Để hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, các chuyên gia khuyến nghị cần phải giảm lãi suất cho vay.

Có dữ liệu công dân: tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển lành mạnh - Ảnh 1.

Nhu cầu vay tiêu dùng hiện nay rất lớn. Ảnh: K.G

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng phát triển tài chính tiêu dùng là xu hướng chung trên toàn thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Trên thực tế, nhu cầu vay vốn của bộ phận người có thu nhập thấp và trung bình thấp rất lớn. Báo cáo của NHNN tính tới cuối năm 2017 cho thấy, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trong nền kinh tế đã tăng gấp 4,8 lần, từ khoảng 230.000 tỉ đồng năm 2012 lên 1,1 triệu tỉ đồng.

Tiềm ẩn rủi ro

Thời gian qua, trên thị trường có không ít trường hợp khiếu nại lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính quá cao, lên 30-40%/ năm, gấp 2,5-3 lần lãi suất cho vay thông thường tại các ngân hàng.

Theo các công ty tài chính, trung bình cứ cho vay 10 món, công ty tài chính phải chấp nhận mất hai món. Do đó, ngoài chi phí cho bộ máy vận hành, lợi nhuận, lãi suất cho vay tiêu dùng còn phải cõng 2 khoản vay bị mất kia. Chưa kể giá vốn huy động của công ty tài chính cao gấp nhiều lần ngân hàng… Đó là lý do tại sao lãi suất cho vay tiêu dùng lại cao như vậy.

Về vấn đề này, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho rằng vấn đề mấu chốt là làm thế nào để các ngân hàng có đủ năng lực kiểm soát rủi ro.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng nhà nước Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động này.

Ông Tú Anh phân tích, người đi vay chủ yếu là còn rất trẻ, ít kinh nghiệm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Mặt khác, các khoản vay tiêu dùng thường có lãi suất thả nổi. Nên khi không có đủ kiến thức để lường hết rủi ro thì người vay rất dễ sa vào nợ nần. Trường hợp hàng loạt khách hàng không có khả năng trả nợ cho khoản vay thì các tổ chức tín dụng cũng sẽ gặp khó khăn.

Nếu nợ quá hạn sẽ không được vay nữa

Để hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, trong đó giảm lãi suất cho vay, theo ông Kiên, Việt Nam phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân của quốc gia. Dữ liệu này phải được cập nhật thường xuyên và được chia sẻ rộng rãi, dùng chung cho cả xã hội chứ không chỉ phục vụ cho ngành công an, tư pháp…

"Muốn giảm lãi suất, trước hết chúng ta phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân của quốc gia. Ngân hàng căn cứ vào lịch sử vay vốn cũng như các thông tin của khách hàng mà quyết định khoản vay và mức lãi suất phù hợp" – ông Kiên nói.

Chia sẻ ý kiến trên, tiến sĩ Nghĩa cho biết ở các nước khác, nếu ai có lịch sử vay vốn không "đẹp", tức là có nợ quá hạn… thì gần như không thể được vay tiếp ở tổ chức tín dụng nào.

Do đó, để kiểm soát được hoạt động cho vay tiêu dùng thì phải có cơ sở dữ liệu về khách hàng thật tốt, phân loại, xếp hạng khách hàng… Nếu khách hàng không trả được nợ thì sẽ hạ cấp xuống và như vậy họ sẽ rất khó khăn trong việc vay vốn của những công ty tài chính hoặc ngân hàng khác.

Góp ý thêm, ông Kiên khuyến nghị Ngân hàng nhà nước cần hoàn thiện chính sách theo hướng khuyến khích thành lập các công ty tài chính mới nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, hạn chế thấp nhất việc thao túng thị trường vào tay một số đơn vị.

Dưới góc độ quản lý, ông Tú Anh cho biết giữa tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Theo yêu cầu, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay tiêu dùng đúng quy định, đặc biệt phải tư vấn đầy đủ quyền và trách nhiệm cho khách hàng trước khi vay.

"Khi thị trường có áp lực cạnh tranh, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ có động lực để tìm cách giảm chi phí hoạt động và tìm nguồn vốn huy động rẻ hơn. Đây là cơ sở để hạ lãi suất cho vay tiêu dùng" – TS Lê Xuân Nghĩa

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,192,679       1/601