TTO - Làm sao các doanh nghiệp, xã hội biết đến “Sinh viên 5 tốt” nhiều hơn là câu chuyện được chia sẻ ở hội nghị chuyên đề về phong trào “Sinh viên 5 tốt” tại TP.HCM ngày 10-6.
Hoạt động tình nguyện, một trong những môi trường rèn luyện giúp sinh viên phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” - Ảnh: Q.L.
Chủ tịch Hội Sinh viên VN Lê Quốc Phong cho rằng đã có những minh chứng cụ thể, rõ nét về "Sinh viên 5 tốt" các năm qua với những con số cụ thể, các điển hình sinh viên thành công tại nhiều đơn vị vốn được vinh danh trước đó. Tuy nhiên, sẽ còn những điều cần chỉnh sửa để không chỉ là sân chơi của số ít sinh viên mà phải là phong trào lan tỏa sâu rộng, để mỗi sinh viên đều thấy đó là mục tiêu cần đạt tới.
Làm sao sinh viên thấy đó không chỉ như là kỷ niệm mà khi phấn đấu đạt được, danh hiệu đã mang lại cho các bạn một môi trường rèn luyện, kỹ năng và thái độ cần thiết cho quá trình làm việc sau khi rời trường
PHẠM THỊ THÁI AN
Cân nhắc khi xét điểm số trong tiêu chí học tập
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH-CĐ TP.HCM, cho rằng nên cân nhắc khi xét điểm số trong tiêu chí học tập. "Đánh giá giữa các trường khác nhau, ngay cùng một trường đã khác nhau giữa các ngành, khoa. Nên nếu xét điểm bình quân như nhau e không công bằng, phải tính đến đặc thù và các trường khối kỹ thuật không dễ đạt điểm cao" - ông Dũng phân tích.
Ý kiến này cũng được sinh viên một số trường đồng thuận. Trong đó, các bạn cho rằng nên công nhận đồ án, luận văn tốt nghiệp phải là công trình nghiên cứu khoa học khi xét đến việc nghiên cứu khoa học của sinh viên vì thời gian, cách thức sinh viên thực hiện các công trình này mang giá trị khoa học như khi tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học.
Thật sự là mong muốn hay bị... ép?
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Lân (Công ty Nam Thái Sơn) nói dường như chúng ta đang quá quan tâm giúp sinh viên hội nhập quốc tế mà quên rằng giúp các bạn hội nhập để ngay khi ra trường hòa nhập và làm tốt công việc tại các doanh nghiệp là rất quan trọng. Các bạn mong muốn có kênh kết nối những người từng đạt danh hiệu các năm qua để chia sẻ lại với lớp đàn em về giá trị của danh hiệu, cũng là cách phát huy điển hình sau tuyên dương.
Bạn Huỳnh Ái Thy (ĐH Sài Gòn) đặt vấn đề cần có khảo sát trong sinh viên xem mức độ mong muốn tham gia của các bạn ra sao, liệu có phải họ thật sự muốn hay đang bị ép đăng ký rèn luyện để đạt danh hiệu. Chưa kể phải đầu tư hơn về truyền thông để nhiều sinh viên biết đến.
Còn bạn Phạm Thị Thái An (ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói mỗi cán bộ Hội sinh viên phải hiểu sâu sát, nắm chắc về phong trào mới có thể truyền cảm hứng đến sinh viên.
Nỗ lực đạt 1.000 "Sinh viên 5 tốt" đến năm 2023
Tại Hà Nội, hội nghị khu vực miền Bắc diễn ra với nhiều thầy cô và sinh viên, cựu sinh viên tham dự. Cùng thống nhất tiếp tục phong trào "Sinh viên 5 tốt", dự kiến nhiệm kỳ 2018 - 2023 sẽ có 1.000 "Sinh viên 5 tốt" cấp trung ương, 10.000 "Sinh viên 5 tốt" cấp tỉnh và 200.000 "Sinh viên 5 tốt" cấp trường.
Trong đó, các nhóm giải pháp gồm: Sinh viên vun đắp lý tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong; Sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; Sinh viên rèn luyện thể chất; Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; Sinh viên chủ động hội nhập quốc tế; Chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên; Chương trình xây dựng Hội Sinh viên VN vững mạnh, tạo môi trường giúp sinh viên hoàn thiện các tiêu chí: "Đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt".
HÀ THANH