TTO - Đồng ý gia hạn các mỏ đá “khủng” với độ sâu khai thác tới 130-150m, HĐND tỉnh Bình Dương lưu ý cơ quan chức năng và doanh nghiệp đảm bảo môi trường.
Khai thác đá tại Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Duương - cụm mỏ đá cho khai thác sâu nhất tại Bình Dương - Ảnh: B.SƠN
Ngày 12-6, kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua việc gia hạn khai thác nhiều mỏ đá "khủng" trên địa bàn tỉnh, cũng như bổ sung vào quy hoạch một số khu vực khai thác đá, cát.
Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp và mỏ đá Núi Nhỏ (đều thuộc địa bàn thị xã Dĩ An) được HĐND đồng ý gia hạn khai thác sâu thêm 30m, thời hạn khai thác được kéo dài tới hết năm 2019.
Cụ thể, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp sẽ được khai thác tới cote -150m (cũ là -120m, tương đương chiều cao từ bề mặt tự nhiên xuống đáy 170m). Mỏ đá Núi Nhỏ được khai thác tới cote -130m (cũ -100m).
Cụm mỏ đá Thường Tân III và Thường Tân IV (huyện Bắc Tân Uyên) được gia hạn khai thác sâu tới cote -100m (cũ -70m).
Ngoài ra, để dự trữ khi đóng các cửa mỏ đá trong tương lai, HĐND tỉnh Bình Dương cũng đồng ý bổ sung 80ha tại huyện Phú Giáo vào quy hoạch khu vực dự trữ đá xây dựng.
Đối với việc khai thác cát, HĐND tỉnh Bình Dương thông qua việc đưa 27 ha mỏ cát tại huyện Dầu Tiếng vào quy hoạch "để phục vụ nhu cầu cấp thiết về cát xây dựng của tỉnh".
Với khoáng sản san lấp để phục vụ các công trình làm đường, khu công nghiệp... có nhu cầu rất lớn tại Bình Dương, HĐND tỉnh đồng ý bổ sung 232 ha với trữ lượng 5 triệu m3 vào quy hoạch, nằm trên địa bàn các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên.
Đáng lưu ý, hiện dư luận Bình Dương nói riêng và khu vực miền Đông Nam bộ nói chung rất quan tâm tới việc điều chỉnh quy hoạch các mỏ đá, cát với lý do việc khai thác có nguy cơ ảnh hưởng môi trường và mất an toàn trong quá trình khai thác.
Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp rộng tới 45 ha, được cho khai thác sâu tới cote -150m nên dễ dàng nhìn thấy từ vệ tinh của Google Maps. Trong ảnh cho thấy cụm mỏ đá chỉ cách các tuyến đường bộ lớn và tuyến đường sắt Bắc - Nam vài trăm mét - Ảnh: B.SƠN
Trong phần thẩm tra tờ trình của UBND tỉnh, ông Nguyễn Tầm Dương - trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương - nêu ví dụ cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, cụm mỏ đá nằm trong khu đô thị, được khai thác với độ sâu nhất (tới cote -150m).
HĐND tỉnh đề nghị trong quá trình khai thác, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi diễn biến địa chất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh cần vận động doanh nghiệp khai thác mỏ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, thực hiện tốt hơn trách nhiệm đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, đảm bảo theo quy định của Luật khoáng sản.
Bầu bổ sung 3 giám đốc sở vào ủy viên UBND tỉnh Bình Dương
Các đại biểu và thành viên UBND tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm với 3 giám đốc sở mới được bầu vào UBND tỉnh (ba người cầm hoa) - Ảnh: BÁ SƠN
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Dương đã bầu bổ sung 3 giám đốc sở làm thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 (trong đó có hai giám đốc sở còn khá trẻ, cùng 40 tuổi).
Bao gồm ông Võ Hoàng Ngân, sinh năm 1978, giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Khoa Hải, sinh năm 1978, giám đốc Sở VH-TT&DL; ông Hà Văn Út, sinh năm 1969, giám đốc Sở Tài chính.