Sống khỏe

Đại biểu Quốc hội đề nghị có danh hiệu 'dũng sĩ diệt tham nhũng'

TTO - Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đưa ra kiến nghị này khi thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sáng nay 13-6.

Đại biểu Quốc hội đề nghị có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt đề nghị Quốc hội ban hành Luật Phòng trừ tham nhũng - Ảnh: Quochoi.vn

Dự án luật quan trọng này được Quốc hội dành cả ngày hôm nay để thảo luận, theo quan sát của phóng viên, bảng đăng ký phát biểu đang có danh sách rất dài các đại biểu "xếp hàng".

Đề nghị đổi tên thành "Luật phòng trừ tham nhũng"

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho biết, cử tri và nhân dân rất mừng vì quyết tâm của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), đặc biệt là những chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCTN trung ương và sự vào cuộc Uỷ ban Kiểm tra trung ương.

"Nhân dân mong muốn phải tiêu diệt tham nhũng. Đối với sâu mọt thì chúng ta nói diệt sâu diệt cỏ chứ không nói phòng sâu phòng cỏ, do đó tôi đề nghị đổi tên luật này thành Luật Phòng trừ tham nhũng", đại biểu Bắc Việt đề nghị.

Đại biểu Ninh Thuận cũng cho rằng luật cần quy định tổ chức đảng vào lực lượng PCTN. Vừa qua hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra trung ương rất hiệu quả, cũng cần được nêu vào. 

Đồng thời, luật phải quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác này, bởi PCTN là sự nghiệp của toàn dân. Đấy là chưa nói đến người nước ngoài cũng tham gia công tác này.

Đại biểu Bắc Việt kiến nghị thêm: "Dự thảo luật cũng chưa rõ việc khen thưởng đối với người có thành tích trong PCTN. Trong chống Mỹ chúng ta có 'dũng sĩ diệt Mỹ' thì trong công tác này phải có danh hiệu 'dũng sĩ diệt tham nhũng'".

Đại biểu Quốc hội đề nghị có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng sử dụng công cụ kiểm soát thuế tốt thì sẽ phát hiện ra tài sản bất minh - Ảnh: Quochoi.vn

Nộp thuế một vài triệu sao lại mua được nhà, xe?

Nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập được nhiều đại biểu quan tâm, đặc biệt là quy định mới đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), cán bộ, công chức ngoài lương thì có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác như thù lao giảng dạy, nhưng họ vì lý do nào đó muốn che giấu hoặc quên không kê khai.

"Xét dưới góc độ luật học thì những khoản thu nhập không được kê khai đầy đủ không thể suy luận là thu nhập bất hợp pháp", ông Đức phân tích.

Đồng ý phương án thu thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) nhận định nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh.

"Trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể thu thuế. Còn chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có thì phải xử lý hình sự", ông Vảng nói.

Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ: "Tôi cho rằng các khoản thu nhập hiện nay đều rõ ràng, từ thừa kế, cho tặng, trúng số xố… đều được minh bạch. Tại sao chúng ta không thiết kế thêm điều khoản là buộc phải kê khai thuế hàng năm, từ đó so sánh với kê khai tài sản, căn cứ vào đó xem xét tính minh bạch của tài sản.

"Không thể có chuyện nộp thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ một vài triệu mà lại mua được nhà, được xe", ông Hiếu bình luận.

Đại biểu Quốc hội đề nghị có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng - Ảnh 3.

Đề nghị thành lập cơ quan độc lập kiểm soát tài sản của phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nhận được sự đồng tình ngay sau đó của phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha - Ảnh: Quochoi.vn

Cần cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản

Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) đồng ý với dự thảo luật trong việc giao cơ quan thanh tra tập trung kiểm soát tài sản. "Nhưng nếu chỉ giao cho bộ phận làm công tác tổ chức làm việc này thì với bộ máy, nhân lực hiện nay liệu có thực sự hiệu quả?", đại biểu Bình băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cũng phân tích: Luật trao cho các cơ quan PCTN quyền lực rất lớn, nhưng lại thiếu các quy định để kiểm soát quyền lực của lực lượng này. 

Ông Hiển đề nghị quy định các điều khoản giám sát, kiểm soát đối với lực lượng chuyên trách PCTN, đặc biệt là với người đứng đầu các lực lượng này.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) thì băn khoăn nếu giao cho Thanh tra Chính phủ tập trung kiểm soát tài sản, thì mối quan hệ với các cơ quan đặc thù như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội… sẽ như thế nào.

Bà Xuân - phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - đề nghị, trong bối cảnh tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, Đảng và Nhà nước ta thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá, thì việc nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết.

"Đây có thể coi là khoản đầu tư xứng đáng cho hoạt động PCTN trong giai đoạn hiện nay và tương lai", bà Xuân nói.

Giơ bảng sử dụng quyền tranh luận với đại biểu Cao Thị Xuân nhưng phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Pha sau khi phân tích đã đồng ý với đề xuất của bà Xuân. 

"Tôi đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và cơ quan này trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", ông Pha nói.

* Tuổi trẻ Online sẽ tiếp tục cập nhật nội dung phiên thảo luận.

Quốc hội dành cả ngày thảo luận sửa Luật phòng chống tham nhũng Quốc hội dành cả ngày thảo luận sửa Luật phòng chống tham nhũng

TTO - Đây là dự án luật được Quốc hội dành thời gian thảo luận dài nhất tại kỳ họp thứ 5, dù đến kỳ họp thứ 6 mới xem xét thông qua.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,189,229       2/947