TTO - Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 13-6 đã thông qua một nghị quyết lên án hành vi sử dụng bạo lực quá mức của Israel đối với dân thường Palestine và thúc giục thành lập một "cơ chế bảo vệ quốc tế" cho các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Đại sứ Nhà nước Palestine tại Liên HIệp Quốc Riyad Mansour vỗ tay sau khi Đại hội đồng thông qua dự thảo nghị quyết lên án hành vi sử dụng vũ lực quá mức của Israel ngày 13-6 - Ảnh: REUTERS
Với 120 phiếu ủng hộ, 8 phiếu chống và 45 phiếu trắng, nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng - một trong 6 cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc.
Việc đẩy nghị quyết lên án Israel ra cơ quan gồm 193 nước thành viên này được Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Palestine thúc đẩy sau khi Hội đồng Bảo an không thể thông qua nghị quyết do sự phủ quyết của Mỹ.
Nghị quyết của Đại hội đồng cũng lên án hành vi phóng rocket từ Dải Gaza vào các khu vực của Israel song không nêu rõ tổ chức hay cá nhân nào đứng đằng sau hành động này. Theo hãng tin Reuters, có vẻ như Mỹ đã thất bại khi cố gắng can thiệp để sửa đoạn này, trong đó lên án và chỉ đích danh Hamas - tổ chức vũ trang Palestine đang kiểm soát Dải Gaza.
"Bản chất của nghị quyết này là hoàn toàn mang động cơ chính trị, một chiều. Không thấy một dòng nào nhắc tới những kẻ khủng bố Hamas - thứ thường xuyên khởi nguồn bạo lực ở Dải Gaza" Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley chỉ trích.
Hơn 120 người Palestine đã bị quân đội Israel giết hại tại các cuộc biểu tình biên giới Gaza kể từ ngày 30-3. Số người chết lớn nhất xảy ra vào ngày 14-5, ngày Mỹ chuyển đại sứ quán của họ tại Israel tới từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Các nghị quyết của Đại hội đồng - nơi mỗi nước thành viên là một lá phiếu với quyền và trách nhiệm ngang nhau, thường không có sự ràng buộc về mặt pháp lý như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an 15 thành viên.
Nghị quyết lên án Israel này cũng tương tự, song với Palestine, nó có một ý nghĩa quan trọng.
Không ngạc nhiên khi Israel và Mỹ bỏ phiếu chống; Úc, Quần đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Quần đảo Solomon và Togo đã gia nhập với Mỹ và Israel.
"Bằng cách ủng hộ nghị quyết này, quý vị đang hợp tác với một tổ chức khủng bố. Bằng cách thể hiện sự tán đồng trước nghị quyết này, quý vị đang trao thêm quyền lực cho Hamas", Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Daniel Danon nói trước cuộc bỏ phiếu.
Trong khi thế giới lên án và chỉ trích hành vi sử dụng vũ lực với dân thường, chính quyền Israel đổ lỗi cho Hamas đã kích động người dân tấn công hàng rào biên giới Israel - Palestine bất chấp lời cảnh báo. Điều này buộc các binh sĩ Israel phải nổ súng để bảo vệ lãnh thổ.
Mỹ, trong vấn đề này, đứng về Israel và nhấn mạnh đến quyền phòng vệ của nhà nước Do Thái cũng như không lên tiếng kêu gọi Tel Aviv kiềm chế như các nước khác.