Cuộc thử nghiệm thuốc chữa ung thư mới khiến 24 đứa trẻ Australia thiệt mạng và Michael Crossland là bệnh nhân sống sót duy nhất.
11 tháng tuổi, Michael Crossland bị chẩn đoán u nguyên bào thần kinh giai đoạn 4, một loại ung thư ảnh hưởng tới các tế bào chưa trưởng thành hay đang phát triển. Ngày hôm ấy, ngay trước ngày sinh nhật đầu tiên của Michael, các bác sĩ nói với người mẹ rằng bé không có cơ hội sống sót và khuyên nên đưa con về nhà để ở cùng gia đình vào những ngày cuối cùng.
Bức ảnh được chụp tại bệnh viện khi Michael được 2 tuổi rưỡi. Ảnh: Supplied. |
Mẹ Michael lấy hết can đảm hỏi bác sĩ, liệu bé còn bao nhiêu hy vọng để sống. "Bác sĩ thẳng thắn nói tỷ lệ tử vong là 96%", Michael nói với News.
Mặc dù chỉ có 4% cơ hội sống nhưng mẹ Michael vẫn nuôi hy vọng cứu con trai. Michael bắt đầu được điều trị bằng hóa trị liệu từ ngày sinh nhật một tuổi đến bốn năm sau. Cả nhà đều hy vọng bệnh tình của Michael sẽ có biến chuyển nhưng vào năm 1987, tình trạng của cậu bé không những không thuyên giảm mà còn xấu đi. "Các bác sĩ nói với mẹ tôi rằng, việc điều trị trở nên vô nghĩa, khối u đã trơ lỳ và di căn chiếm hơn một nửa cơ thể của tôi", cậu bé ngày ấy nay là chàng trai nhớ lại.
Một cuộc phẫu thuật lại diễn ra mang theo hy vọng mới. Nhưng, sau sáu giờ nỗ lực phẫu thuật loại bỏ các khối u, bác sĩ kết luận không thể làm gì hơn. "Ngay lập tức ba tôi và ba chị em của tôi đã bay từ Coffs Harbour đến Sydney để chào tạm biệt", Michael nói.
Michael trở thành diễn giả nổi tiếng nhất Australia. Ảnh: Supplied.. |
Tuy nhiên, cuộc sống có vô vàn phép màu. Vào thời điểm đen tối nhất, trong cuối đường hầm Michael lại thấy được ánh sáng. Bởi, ngay ngày hôm sau, trong bệnh viện ấy, một bác sĩ người Mỹ vừa mới thử nghiệm một loại thuốc chống ung thư gọi là DTIC. Tất nhiên, gia đình Michael không thể bỏ qua cơ hội này.
Michael tham gia thử nghiệm cùng 24 đứa trẻ khác. Diễn biến cuộc thử nghiệm đã ám ảnh Michael cho đến tận ngày nay.
Michael còn nhớ rất rõ ràng, hôm đó là 9h sáng thứ ba. Trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu thử nghiệm, tất cả 25 người đã được chuyển từ phòng ung bướu sang phòng bỏng. Tác dụng phụ của thuốc đã "đốt cháy" tất cả bệnh nhân. Những đứa trẻ khóc gào tuyệt vọng vì cảm giác như bị đốt cháy hết ruột gan. Cơ thể bị bao phủ bởi các vết rộp, cháy từ trong ra ngoài. "Nhân viên y tế đã dùng băng quấn chúng tôi lại như xác sống rồi để vào những bồn nước đá, mục đích ngăn không cho não của chúng tôi 'chín'", Michael kể lại.
Vợ chồng Michael. Ảnh: Supplied.. |
Kết quả của cuộc thử nghiệm khiến cả đất nước dậy sóng. Trong vòng 30 ngày, 20 trong số 25 đứa trẻ đã chết. Trong 90 ngày, 24 trong số 25 bé chết vì không chịu nổi sự tàn phá của thuốc. Michael là người sống sót duy nhất.
Mẹ Michael phải đứng giữa hai lựa chọn. Một là tiếp tục điều trị và chứng kiến con trai bị "đốt cháy" mỗi ngày, hai là bỏ cuộc về nhà chờ chết. Cuối cùng, bà mẹ chỉ biết cầu nguyện và tiếp tục để con điều trị.
Michael vẫn còn nhớ lúc ấy suốt ngày anh chỉ có ói và ói cho đến khi ra toàn máu tươi. Anh cũng nhớ rằng mẹ vẫn dìu anh từng bước đi vệ sinh chứ không cho anh tiểu trong chai, mặc dù người anh bị phồng rộp hết cả lên và phải quấn băng kín mít từ đầu đến chân. "Tôi là người may mắn bởi tất cả những gì tôi làm là chỉ nằm đó và chịu cơn đau. Còn mẹ tôi mới là người bất hạnh. Bà phải nhìn tôi chịu đựng tất cả khó khăn. Bà đã phải dằn vặt mỗi ngày với sự lựa chọn của mình, tiêm thuốc thử nghiệm vào con mình - thứ thuốc đã giết chết hết những đứa trẻ khác từng dùng thử", Michael nói.
Hai mẹ con Michael luôn ước mơ có một ngày nào đó có thể cùng nhau trở về nhà. Michael có thể chạy và chơi như mọi đứa trẻ khác. "Nó dường như quá xa vời, nhưng cuối cùng giấc mơ đó đã trở thành hiện thực đến. Năm sáu tuổi, tôi đã sống sót để trở về", chàng trai cho biết.
Mặc dù anh may mắn được ở nhà với gia đình, các bác sĩ cho biết Michael không có nhiều hy vọng cho tương lai. Họ nói rằng Michael sẽ không thể đi học, không thể chơi thể thao. Cậu bé chỉ có thể ở trong nhà. Nếu Michael làm được những điều này thì đó là một phép lạ.
Dường như Michael đã cãi lại số phận. Anh muốn được sống như những đứa trẻ bình thường và đặc biệt muốn chơi bóng chày một lần ở Mỹ. Kỳ diệu thay, Michael đã làm được cả hai điều trên. Anh chàng đã chơi bóng chày ở Mỹ ở tuổi 15.
Sau này gia nhập đội bóng chày của Australia, Michael lấy số áo 24 để tưởng nhớ những đứa bé đã chết vào năm xưa trong đợt thử nghiệm thuốc cùng mình. Năm 12 tuổi, Michael bị cơn đau tim đầu tiên, 19 tuổi, trận đau tim thứ hai khiến anh phải đau đớn nói lời từ biệt với sự nghiệp thể thao của mình.
Trở lại Australia, Michael làm nhân viên tại một công ty. Ở tuổi 23, anh là người quản lý trẻ nhất của quốc gia cho một trong những công ty lớn nhất thế giới. Anh quản lý 600 nhân viên, 120 ngân hàng. Không bao lâu sau đó, anh lựa chọn rời khỏi công ty và bắt đầu cuộc hành trình trở thành một nhà diễn thuyết. Michael đến Haiti thành lập một trường học và trại trẻ mồ côi. Anh thường xuyên thực hiện bài diễn thuyết của mình tại đó. Michael thậm chí phát hành một cuốn tự truyện. "Đó là một đặc ân giúp tôi trả ơn cuộc đời", chàng trai nói.
Quá trình trị liệu lúc bé khiến Michael mang trên người đủ thứ bệnh, hệ thống miễn dịch bị ức chế nên anh liên tục bị ốm. Bảy năm trước, Michael mắc bệnh viêm màng não và có dịch trong não, sau đó lại được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên. Năm ngoái, bác sĩ kiểm tra và phát hiện anh có bốn khối u trong cổ họng, ba trong số đó đã được phẫu thuật còn một chưa thể loại bỏ hoàn toàn. "Lần phẫu thuật sau, có thể tôi sẽ bị mất giọng nói nhưng nó không khiến tôi đau buồn. Tôi sẽ sống hết mình cho đến giây phút cuối cùng", Michael chia sẻ.
Hiện, Michael là một trong những diễn giả được yêu thích nhất ở Australia. Anh cũng thường xuyên đến bệnh viện nói chuyện với các bệnh nhi có cùng căn bệnh như mình, động viên các em có niềm tin hơn vào cuộc sống. Mỗi ngày trôi qua, Michael tự xem đó là một món quà và luôn trân trọng nó. Anh thích nhất câu nói và lấy nó làm châm ngôn cuộc sống cho mình là "Everybody dies but not everybody lives" (Đừng sống như đã chết).
ung thư, sống sót, cuộc đời