Phẫu thuật bằng robot điều trị ung thư phổi ít xâm lấn hơn nhiều so với phương pháp mổ lồng ngực truyền thống.
Bác sĩ phẫu thuật tim - lồng ngực Lim Chong Hee, Phòng khám CH Lim Thoracic Cardiovascular Surgery, Singapore, cho biết trước đây phẫu thuật để điều trị ung thư phổi luôn là một cuộc đại phẫu. Để tiếp cận tới phổi, bác sĩ cần mở lồng ngực bệnh nhân qua một vết rạch dài 13-25 cm. Đôi khi phải cắt bỏ tạm thời một chiếc xương sườn hoặc cần dùng thiết bị đặc biệt để mở rộng các xương nhằm tiếp cận tới vị trí cần mổ.
Ảnh minh họa: News. |
Gần đây các tiến bộ trong y khoa giúp bác sĩ cắt bỏ thùy phổi ít đau và ít mất máu hơn. Đó là các thủ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Hiện có hai lựa chọn: Phẫu thuật lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) hoặc phẫu thuật robot.
Với thủ thuật VATS, bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ để đưa ống soi lồng ngực vào. Đó là một ống dài, mảnh, trên đầu có gắn camera, giúp bác sĩ dễ dàng kiểm tra kỹ khoang ngực. Sau đó, các thiết bị cắt bỏ mô được đưa vào qua vài lỗ nhỏ khác.
Phẫu thuật robot sử dụng hệ thống phẫu thuật da Vinci, tiếp cận với vị trí cần mổ qua các vết rạch nhỏ. Cử động của robot do bác sĩ phẫu thuật điều khiển. Nhờ sử dụng công nghệ 3D nên robot đem lại chất lượng hình ảnh rõ hơn và khả năng tiếp cận tới một số mô tốt hơn.
Theo bác sĩ Lim, cả phẫu thuật bằng robot và VATS đều ít gây xâm lấn hơn nhiều so với phương pháp mổ lồng ngực truyền thống.
Ngoài ra còn có một số phát minh y khoa mới, chẳng hạn như dụng cụ ghim nội soi, giúp phẫu thuật lồng ngực an toàn hơn. Các dụng cụ ghim nội soi cho phép bác sĩ thực hiện thao tác cắt và đóng vết thương lại cùng lúc, giúp tiết kiệm thời gian. Việc đóng vết thương nhanh rất quan trọng vì quá trình cắt phổi thường gây rò dịch vào khoang trống, nếu thời gian kéo dài dễ gây nhiễm trùng và giảm chức năng phổi của bệnh nhân.
Bác sĩ Lim lưu ý việc lựa chọn phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu cần cân nhắc tùy vào đặc điểm của từng bệnh nhân và giai đoạn ung thư. Chẳng hạn, với ung thư phổi giai đoạn sớm (giai đoạn một và hai), phẫu thuật đem đến nhiều khả năng chữa khỏi. Lúc này phẫu thuật VATS là lựa chọn tốt. Bác sĩ chỉ cần rạch ba lỗ nhỏ từ 10 đến 40 mm để tiếp cận với vị trí thùy phổi cần cắt bỏ.
Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị của phẫu thuật VATS tương đương hoặc tốt hơn cả phẫu thuật mở. Thủ thuật này còn có ưu điểm giống như các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu khác: Giúp bệnh nhân ít đau hơn, không làm co rút xương sườn, thời gian nằm viện ngắn, người bệnh sớm quay trở lại công việc và cuộc sống bình thường hơn.
Thống kê tại Singapore, khoảng 90% ca phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi được thực hiện bằng VATS, nhưng thủ thuật này không được áp dụng tốt ở một số nước Đông Nam Á. Chưa đến 15% số ca cắt bỏ thùy phổi trong khu vực được thực hiện bằng VATS. Thực tế, thủ thuật VATS đòi hỏi đầu tư ban đầu nhiều hơn.
"Trong tương lai, nhu cầu phẫu thuật xâm lấn tối thiểu sẽ tăng. Các bác sĩ trên thế giới còn hướng tới phẫu thuật đơn lỗ nhằm giảm các vết rạch trên cơ thể người bệnh. Phẫu thuật bằng robot cũng sẽ trở nên phổ biến hơn", bác sĩ Lim chia sẻ.
ung thư phổi, phẫu thuật, tiến bộ y khoa