Sức khỏe

Người bệnh ung thư nên ăn uống thế nào cho đúng

Người bệnh nên ăn ít thịt, nhiều cá và rau, dùng dầu thực vật thay mỡ động vật, uống nhiều nước và tăng cường vận động.

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả điều trị và thời gian sống của người mắc ung thư. Dinh dưỡng lúc này có tác dụng nâng đỡ để bệnh nhân đủ sức đáp ứng các liệu pháp điều trị nặng nề. Về cơ bản, bệnh nhân ung thư cần phải ăn uống đầy đủ các nhóm chất: Đạm, bột đường, béo, vitamin, khoáng chất, nước.

Bệnh nhân ung thư nên tăng cường ăn cá và các loại rau, củ. Ảnh: News.

Bệnh nhân ung thư nên tăng cường ăn cá và các loại rau, củ. Ảnh: News.

Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, người bệnh nên tăng cường ăn cá, rau quả, ít thịt. Rau quả rất có lợi cho sức khỏe vì cung cấp các loại vitamin cần thiết. Ưu tiên chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế.

Khi chế biến, nên dùng dầu thực vật hơn là mỡ động vật. Chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất. 

Uống nhiều nước và vận động cũng rất quan trọng nhằm cung cấp chất dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng để chống lại ung thư. Người bệnh hạn chế nằm một chỗ, nên tranh thủ vận động mọi lúc mọi nơi với cường độ phù hợp để cơ thể thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá nhiều.

Khi thiết kế thực đơn trong ngày, cần lưu ý đảm bảo đầy đủ một số loại dưỡng chất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư như:

Đạm

Ăn đa dạng các loại thực phẩm. Khẩu phần phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm có lợi cho sức khỏe hơn, song bổ sung nguồn sắt, kẽm từ thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò... Hải sản tôm, cua, cá cũng là nguồn cung cấp các axit amin và vi chất quý giá cho cơ thể.

Tinh bột

Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn...). Tránh thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn gây nhiều tác hại cho cơ thể.

Chất béo (lipid)

Lipid có giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào của cơ thể. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày cần có một hàm lượng lipid nhất định, trong đó axit béo không no chiếm không quá 50% tổng năng lượng.

Trong thời gian bệnh và điều trị, bệnh nhân thường bị thay đổi khẩu vị. Một số loại thực phẩm, đặc biệt là thịt thường khiến bệnh nhân sợ vì cảm thấy vị đắng hoặc có mùi tanh. Đừng lo lắng, sự thay đổi khẩu vị này sẽ biến mất sau khi chấm dứt điều trị. Một số mẹo có thể giúp người bệnh giảm tình trạng khó chịu này, chẳng hạn như súc miệng trước khi ăn, ăn những loại trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi...

Đa phần bệnh nhân khi hóa trị liệu thường buồn nôn và nôn. Do vậy bác sĩ khuyên người bệnh nên ăn trước khi đói vì cơn đói làm tăng cảm giác buồn nôn. Uống nhiều nước, uống chậm thành nhiều hớp trong ngày. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi.

Người bệnh thường ngại uống nước, song bác sĩ khuyên nên uống đủ từ 8 đến 12 ly nước mỗi ngày. Có thể là nước đun sôi để nguội, nước ép rau, quả, sữa hoặc những thực phẩm chứa nhiều nước. Điều quan trọng là uống nước ngay cả khi không khát.

Táo bón cũng là một vấn đề rất thường thấy ở bệnh nhân ung thư, có thể do thiếu nước hoặc thiếu chất xơ trong chế độ ăn, ít hoạt động thể lực hoặc tác dụng phụ của liệu pháp điều trị. Do vậy cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý từ trước, trong và sau quá trình điều trị đều nhằm tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn đúng cách giúp giảm những bất lợi do tác dụng phụ của phương pháp điều trị, đồng thời bệnh nhân sống lạc quan hơn.

VNExpress

bệnh ung thư, chế độ ăn, thực phẩm tốt cho bệnh nhân ung thư


© 2021 FAP
  261,915       2/915