Người Nhật đa số phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nên tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm đứng đầu thế giới.
Ung thư dạ dày được coi là phát hiện sớm khi tổn thương ung thư còn ở lớp niêm mạc, chưa xâm lấn xuống lớp dưới niêm mạc dạ dày. Có nhiều cách để chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư dạ dày, trong đó nội soi là phương pháp hàng đầu. Dù vậy, nội soi bằng ánh sáng trắng thông thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình chẩn đoán.
Khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) hiện áp dụng phương pháp chẩn đoán sớm ung thư dạ dày của Hội Nội soi Nhật Bản, bằng cách sử dụng máy nội soi phóng đại cùng ánh sáng với dải băng tần hẹp (M-NBI). Nhờ kỹ thuật này, hình ảnh có khả năng phân biệt rõ hơn về một số đặc điểm - đặc thù cụ thể giữa tổ chức bình thường và tổ chức bệnh lý, các mức độ khác nhau ở niêm mạc… Các bác sĩ qua đó đánh giá được hình thái bề mặt và cấu trúc vi mạch máu của niêm mạc dạ dày, đưa ra hình ảnh chẩn đoán chính xác và sớm hơn trong chẩn đoán bệnh lý dạ dày.
Đặc biệt, trong quá trình nội soi các bác sĩ tiến hành bơm rửa mọi vị trí trong dạ dày bệnh nhân. Từ đó bác sĩ dễ dàng hơn trong việc phát hiện tổn thương dù là nhỏ nhất.
Bác sĩ Nhật đào tạo trực tiếp cho bác sĩ Bệnh viện K về nội soi phát hiện sớm ung thư dạ dày. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Phương pháp nội soi này đã tạo nên một bước đột phá đối với sàng lọc và chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm và giai đoạn rất sớm, cũng như các tổn thương khác. Nó được chỉ định cho tất cả trường hợp nghi ngờ bệnh lý dạ dày.
Đây là phương pháp nội soi được ứng dụng hàng đầu tại Nhật. Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến nhất tại đất nước này. Tuy nhiên nhờ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (khoảng 60%), tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày sống sau 5 năm tại Nhật đứng hàng đầu trên thế giới.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày cũng là loại ung thư phổ biến hàng đầu. Theo số liệu của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 10.400 người ung thư dạ dày được phát hiện, dự báo tăng lên khoảng 11.500 ca vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện sớm bệnh rất hiếm. Ví dụ, tại Bệnh viện K, một năm chỉ có khoảng 30 ca được chẩn đoán ở giai đoạn sớm trong số hàng nghìn bệnh nhân. Vì thế, tỷ lệ sống sau 5 năm chưa cao.
Khoa Nội soi bệnh viện K đã mời các giáo sư Trung tâm ung thư Shizuoka, Nhật Bản, một trung tâm đầu ngành về ung thư đào tạo trực tiếp nhằm giúp phát hiện sớm ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Ung thư dạ dày phát hiện sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả. Chỉ cần nội soi hớt niêm mạc dạ dày là có thể chữa khỏi bệnh, giúp bệnh nhân sống sót sau 5 năm. Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ sống sau 5 năm với bệnh nhân phát hiện và điều trị sớm ung thư dạ dày lên tới 95%.
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư là có tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn… Nếu điều trị nội khoa không khỏi thì cần nội soi dạ dày để phát hiện ung thư.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần hình thành thói quen khám khỏe định kỳ từ ngoài 40 tuổi, trong đó có tầm soát ung thư. Những người tiền sử gia đình có người bị ung thư, đa polyp đại tràng, viêm gan B… nên khám sàng lọc sớm hơn. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể cách 2 năm nội soi một lần.
Triệu chứng ban đầu của bệnh rất mơ hồ, không đặc hiệu như đau âm ỉ vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, hay đầy bụng, đau bụng có hoặc không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói. Lúc đầu các triệu chứng thỉnh thoảng mới xuất hiện, dần dần thường xuyên hơn. Bệnh càng lâu triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng gầy sút cân rõ (mất 5-6 kg trong 6 tháng), hẹp môn vị (nôn thức ăn sau 2-3 giờ hoặc nôn thức ăn bữa trưa), sờ thấy u vùng thượng vị, nôn ra máu, đại tiện phân đen...
ung thư, ung thư dạ dày, nội soi, Nhật Bản