Kinh doanh

Fintech Việt liên tiếp nhận vốn ngoại

Ngay sau khi VNPT Epay bán 62% cổ phần cho một tập đoàn Hàn Quốc thì một fintech khác tại Việt Nam là OnOnPay cũng nhận thêm vốn đầu tư.

Theo TechinAsia, OnOnPay -  công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử và nạp tiền điện thoại, vừa nhận được một khoản đầu tư 800.000 đôla từ quỹ Gobi Partners (Trung Quốc). Khoản tiền này sẽ được rót thành nhiều đợt, dùng để nâng cấp hạ tầng dịch vụ và phát triển công nghệ.

OnOnPay là một fintech thành lập vào đầu năm 2015 và đã được Captii Ventures rót vốn trước đó. Không tiết lộ lợi nhuận cụ thể nhưng ông Bùi Sỹ Phong - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của OnOnPay cho biết, OnOnPay đang trên đà tăng trưởng rất mạnh.

“Một bộ phận rất lớn người dân Việt Nam không có tài khoản ngân hàng để thanh toán tiện lợi. Chúng tôi đang nhắm đến một thị trường 90 triệu dân, nơi mà chỉ 30% có tài khoản ngân hàng trong khi điện thoại thông minh và internet lại rất phổ biến", ông Phong nói. Sau khi được rót đợt vốn mới, fintech này còn có tham vọng vươn ra khu vực Đông Nam Á, với các thị trường mục tiêu như: Thái Lan, Indonesia và Philippines. Kế hoạch này đang được Gobi Partners ủng hộ.

fintech-viet-lien-tiep-nhan-von-ngoai

Nhiều nhà đầu tư ngoại bắt đầu chú ý đến các fintech của Việt Nam.

“Không nhiều công ty có khả năng cung cấp được giải pháp phục vụ cho thị trường sẽ lên đến hàng tỷ dân. Đây là thị trường có sức tiêu dùng lớn và có nhu cầu được cung cấp thêm các lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ. Tôi nghĩ, dịch vụ của OnOnPay cũng có thể phát triển tốt tại các thị trường mới nổi và lân cận khác như Campuchia, Indonesia hay Myanmar”, ông Victor Chua, Giám đốc đầu tư khu vực ASEAN của Gobi Partners nhận định.

Cùng với OnOnPay, cách đây ít ngày, VNPT Epay cũng xác nhận đã bán 62,25% cổ phẩn cho Tập đoàn UTC Investment (Hàn Quốc). Đây chính là toàn bộ số cổ phần do Công ty Truyền thông VMG nhượng lại. VMG vốn là cổ đông sáng lập VNPT Epay cùng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Thương vụ thâu tóm của UTC Investment diễn ra trong bối cảnh VNPT EPAY hiện là một trong 3 doanh nghiệp thanh toán điện tử lớn nhất Việt Nam. 

Hồi tháng 3/2016, M-Service JSC - đơn vị sở hữu thương hiệu MoMo chính thức nhận khoản đầu tư 28 triệu đôla từ Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs. Đây chính là fintech Việt Nam nhận khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Các thương vụ tiếp sau đó tuy không hoành tráng về mức độ vốn nhưng cho thấy các fintech trong nước đang có sức hấp dẫn tốt với nhà đầu tư ngoại. Theo nhận định của Topica Founder Institute, các fintech Việt Nam nhận đầu tư khá nhiều vào thời gian gần đây. Trong số các thương vụ gọi vốn của khởi nghiệp công nghệ thì nhóm fintech xếp thứ 3, sau thương mại điện tử và truyền thông.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ sinh thái các công ty fintech tại Việt Nam còn khá nhỏ, chỉ mới khoảng  hơn 30 công ty. Tuy nhiên, thị trường cũng đang dần phong phú hơn, không chỉ tập trung vào lĩnh vực thanh toán mà còn phát triển các dịch vụ mới về gọi vốn, chuyển tiền, quản lý dữ liệu…

Trong khi MoMo biến điện thoại di động thành ví điện tử để khách hàng có thể chuyển tiền cho nhau thì Ngân Lượng tập trung vào thanh toán cho thương mại điện tử, Payoo thanh toán các loại hóa đơn hằng ngày, VTPay hỗ trợ tính toán và trả các khoản thuế… Mới lạ hơn, Loanvi cung cấp nền tảng cho các khoản vay ngang hàng giữa người dùng với nhau, Cash2vn cho phép chuyển kiều hối về Việt Nam, hay như Money Lover, một ứng dụng đơn giản, giúp quản lý việc chi tiêu nhưng lại được nhiều người sử dụng.

Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016 (VEPF 2016) được Báo VnExpress và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 24/11/2016 tại Hà Nội, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản… và hơn 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin trong nước và quốc tế.

Với hai chủ đề chính năm nay: Giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực công và khả năng liên thông các dịch vụ thanh toán tại Việt Nam và Cơ hội - thách thức với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trước làn sóng fintech, diễn đàn thường niên này là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính.

Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn.

Viễn Thông

VNExpress

Fintech Việt liên tiếp nhận vốn ngoại - VnExpress


© 2021 FAP
  192,803       2/840