Thế giới

Thắng lợi của Trump trong cuộc chiến 10 năm trên đất Trung Quốc

Ông Trump giành được thành quả đầu tiên trong cuộc chiến pháp lý tranh chấp quyền sở hữu thương hiệu kéo dài trên lãnh thổ Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Chỉ vài ngày sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump đã giành được chiến thắng đầu tiên trên đất Trung Quốc, đánh bại đối thủ trong cuộc tranh chấp pháp lý về thương hiệu kéo dài cả thập kỷ liên quan đến việc sử dụng tên ông cho mục đích kinh doanh ở nước này, theo WSJ.

Đơn đăng ký thương hiệu Trump cho các dịch vụ môi giới bất động sản trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở và trung tâm thương mại ở Trung Quốc của chính trị gia gốc doanh nhân này đã được phê duyệt vào hôm chủ nhật, sau trận chiến pháp lý kéo dài gần 10 năm.

Ở Trung Quốc hiện nay có tới 53 thương hiệu được đăng ký dưới tên Trump, trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ quần áo, tiệm làm đẹp cho tới chăm sóc thú cưng và sân golf, nhưng chỉ có 21 thương hiệu là do ông Trump thực sự sở hữu.

Rất nhiều thương hiệu được đăng ký gần đây theo tên tổng thống đắc cử Mỹ nhưng không hề liên quan đến ông Trump, trong đó có các sản phẩm như bể cá thủy sinh, đạn dược, thuốc nổ, bài pocker, vợt tennis, thậm chí cả bao cao su.

Zhou Dandan, luật sư Văn phòng Luật Unitalen ở Bắc Kinh, là người đại diện cho ông Trump trong cuộc chiến thương hiệu này từ năm 2008. Zhou cho biết cái tên Trump đã trở thành một thương hiệu rất phổ biến ở Trung Quốc, và với việc ông đắc cử tổng thống Mỹ, những cuộc tranh chấp pháp lý về thương hiệu có thể trở nên khốc liệt hơn trong tương lai. Người phát ngôn Tập đoàn Trump từ chối bình luận về điều này.

Năm 2006, ông Trump đã nộp đơn lên phòng đăng ký thương hiệu thuộc Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Quốc gia Trung Quốc (SAIC) để đăng ký sở hữu thương hiệu Trump trong một loạt lĩnh vực ở Trung Quốc, trong đó có hoạt động môi giới bất động sản.

Đến năm 2009, SAIC từ chối một phần đơn của Trump, cho rằng thương hiệu này đã có người đăng ký. Hai tuần trước khi ông Trump nộp đơn, một người tên là Dong Wei đã đi trước một bước.

Việc người dân Trung Quốc đăng ký kiểu "xí chỗ" các thương hiệu nước ngoài ở quốc gia này là không hề hiếm gặp, bởi họ tin rằng các công ty đó sẽ đứng ra dàn xếp với họ thay vì vướng vào các cuộc tranh chấp pháp lý rắc rối. Chẳng hạn như năm 2012, tập đoàn Apple đã phải bỏ ra 60 triệu USD để mua lại thương hiệu iPad ở thị trường Trung Quốc từ một công ty nội địa.

Không nhượng bộ

thang-loi-cua-trump-trong-cuoc-chien-10-nam-tren-dat-trung-quoc-1

Chân dung Trump trên trang bìa một tạp chí Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, có vẻ như ông Trump đã quyết định "chơi đến cùng", sử dụng biện pháp pháp lý để đòi lại quyền sử dụng thương hiệu của chính mình trên đất Trung Quốc. Theo hồ sơ tại tòa án, ông Trump được SAIC cho phép sở hữu thương hiệu để kinh doanh trong một số lĩnh vực bất động sản, như lắp đặt và sửa chữa điều hòa nhiệt độ, hệ thống máy sưởi, thang máy, trang bị và sửa chữa nội thất.

Theo phán quyết của tòa, đối thủ của ông là Dong Wei được phép sử dụng thương hiệu Trump để cung cấp các dịch vụ "xây dựng – thông tin", vốn là cốt lõi của dịch vụ môi giới bất động sản.

Trump không hài lòng với phán quyết này và yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc xem xét lại. Cuối năm 2014, SAIC tuyên bố đơn đăng ký thương hiệu của ông Trump quá giống với Dong Wei, có thể dẫn tới sự nhầm lẫn cho khách hàng. Cơ quan này cũng bác bỏ cáo buộc của ông Trump rằng Dong Wei "xâm phạm quyền sở hữu tên" của ông.

Không chịu nhượng bộ, tỷ phú quyết định nộp đơn kiện chính SAIC lên Tòa án Nhân dân Trung cấp Bắc Kinh, tuy nhiên các thẩm phán ở đây vẫn giữ nguyên phán quyết.

Trong các vòng tranh luận, ông Trump luôn cho rằng Dong Wei đã cố tình đăng ký một thương hiệu lớn đã có và không hề chấp nhận phương án thỏa hiệp. Đến tháng 5/2015, Tòa án Nhân dân Cao cấp Bắc Kinh ra phán quyết cuối cùng, bác đơn kháng cáo của ông Trump, chỉ một tháng trước khi ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ.

Đến luật sư Zhou cũng cho rằng phán quyết này là điều không hề bất bình thường. Các luật sư khác cũng nói rằng đó là phán quyết "công bằng", bởi vào năm 2006, rất ít người Trung Quốc biết đến tiếng tăm của Trump.

thang-loi-cua-trump-trong-cuoc-chien-10-nam-tren-dat-trung-quoc-2

Các sản phẩm liên quan đến ông Trump được bày bán trong một gian hàng của công ty dệt may Trung Quốc ở Chiết Giang hôm 10/11. Ảnh: AFP

Nhưng ông trùm bất động sản New York không chịu từ bỏ dễ dàng như vậy. Theo cơ sở dữ liệu của SAIC, sau khi thua kiện, ông Trump tiếp tục nộp một đơn xin đăng ký thương hiệu mới và tiếp tục thách thức quyền sở hữu thương hiệu của Dong Wei.

Chỉ vài ngày sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đơn đăng ký thương hiệu này được phê chuẩn, đem lại quyền sở hữu thương hiệu trong lĩnh vực môi giới bất động sản cho ông Trump ở Trung Quốc. Trong vòng 90 ngày, nếu không có khiếu nại nào, quyết định sẽ có hiệu lực.

Hiện vẫn chưa rõ vì sao ông Trump chiến thắng trong cuộc tranh chấp này, hay ông Trump và tập đoàn bất động sản của ông sẽ sử dụng các thương hiệu mới được đăng ký ở Trung Quốc như thế nào. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã điện đàm với ông Trump, đề nghị tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại song phương.

Xem thêm: Tập Cận Bình điện đàm, đề nghị hợp tác với Donald Trump

Trí Dũng

VNExpress

Donald trump, tổng thống mỹ 2016, bầu cử tổng thống mỹ


© 2021 FAP
  3,277,772       18/462